Theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP hướng dẫn luật Bảo hiểm y tế, quy định mức đóng bảo hiểm y tế hộ gia đình của người thứ nhất bằng 4,5% mức lương cơ sở. Người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức phí của người thứ nhất. Từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức của người thứ nhất.
Khi tăng lương cơ sở, mức đóng bảo hiểm y tế của người thứ nhất tăng cao nhất, thêm 4.500 đồng/tháng, người thứ năm trở đi tăng 1.800 đồng/tháng.
Mức hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình là 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh nếu đi khám, chữa bệnh đúng tuyến. Trong trường hợp khám, chữa bệnh vượt tuyến, người bệnh được thanh toán 40% nếu điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến trung ương, 60% nếu điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh; 100% nếu khám, chữa bệnh tại bệnh viện tuyến huyện.
Cùng với việc tăng giá viện phí hồi đầu năm nay, người dân kỳ vọng khi tăng mức đóng BHYT, chất lượng các dịch vụ y tế cũng sẽ tốt hơn.
Cùng với mức tăng phí đóng BHYT, người dân hy vọng sẽ được hưởng dịch vụ y tế với chất lượng cao hơn. Ảnh: IT
Anh Nguyễn Văn Nhật (54 tuổi, quê ở Tiền Giang), đang điều trị ung thư tuyến giáp tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết, do mắc bệnh hiểm nghèo nên các chi phí cho việc khám, chữa bệnh cũng như chi phí đi lại, ăn ở trong những ngày điều trị ở bệnh viện trong hơn một năm qua đã “ngốn” hết số tiền tiết kiệm nhiều năm của gia đình.
Tới tháng 5 vừa qua, gia đình anh đã phải thế chấp căn nhà nhỏ, vay thêm ít tiền cho việc chữa trị bệnh tật. Cũng may, nhờ có BHYT tự nguyện mua tại địa phương nên anh được bảo hiểm chi trả nhiều khoản viện phí.
“Từ hồi sau Tết năm nay, viện phí tăng gia đình càng khó, dù đã được bảo hiểm trả đến 80% chi phí. Mình làm nông mà không may bệnh nặng, tiền điều trị cả trăm triệu nên dù được bảo hiểm rồi thì phần còn lại cũng lớn lắm”, anh Nhật chia sẻ.
Cùng theo anh Nhật, bệnh tật đã khiến anh suy giảm sức khỏe rất nhiều, tuy nhiên, việc đi lại, chờ đợi khi khám chữa bệnh cũng còn gặp nhiều khó khăn. Chưa kể, nhiều dịch vụ, nhiều loại thuốc men chưa có trong danh mục bảo hiểm hoặc bệnh viện “hết thuốc”, gia đình phải tìm mua bên ngoài với giá rất cao. Do đó, khi viện phí tăng, mức tiền mua bảo hiểm cũng tăng, anh Nhật mong muốn chất lượng khám chữa bệnh cũng tốt hơn.
Còn bà Nguyễn Thị Minh Hồng (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) điều trị đái tháo đường tại Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn lo lắng, có thể, giá viện phí sẽ còn tăng trong thời gian sắp tới, do mức tính viện phí hiện dựa theo mức lương cơ sở. Mà mức lương cơ sở thì vừa được tăng từ 1,39 triệu đồng lên mức 1,49 triệu đồng từ ngày 1/7.
Bà Hồng cho rằng, nếu tăng viện phí, tăng mức phí đóng BHYT mà đảm bảo được quyền lợi cho người dân đồng thời, tăng chất lượng khám chữa bệnh tại các tuyến cơ sở, như bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh thì người dân được hưởng lợi nhiều. Vì người dân vừa được hưởng dịch vụ y tế tốt, vừa không phải đi xa chữa bệnh, mà càng lên tuyến cao hơn, mức chi trả bảo hiểm càng thấp.
Khi chất lượng khám chữa bệnh ở cơ sở y tế tuyến dưới tăng, người dân sẽ hưởng lợi nhiều hơn. Ảnh: IT.
Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) cho biết, trong năm 2019, viện phí sẽ tiếp tục được tính thêm chi phí quản lý, bên cạnh điều chỉnh theo mức tăng của lương cơ sở. Sau đó, tùy tình hình cân đối quỹ BHYT, viện phí có thể sẽ được tăng hằng năm theo lương cơ sở.
Tuy nhiên mới đây, lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định việc điều chỉnh viện phí sẽ căn cứ vào chỉ số giá tiêu dùng và điều kiện kinh tế - xã hội. Nếu các loại giá hàng hóa còn ở mức cao hoặc tiếp tục tăng thì Bộ Y tế sẽ báo cáo Thủ tướng và Ban điều hành giá để hoãn tăng viện phí sang năm 2020. Đến năm 2021, viện phí sẽ bao gồm cả khấu hao tài sản cố định.
Theo quy định tại Điều 2 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung 2014, BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc do Nhà nước tổ chức thực hiện, được áp dụng đối với các đối tượng do luật định để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận. Như vậy, theo phương thức quản lý của Nhà nước thì hiện nay có 2 loại hình BHYT là BHYT bắt buộc và BHYT tự nguyện. Tuy nhiên, theo Công văn 777/BHXH-BT, từ ngày 1/1/2016 trở đi, nếu muốn tham gia BHYT tự nguyện thì người dân bắt buộc phải tham gia theo hộ gia đình. Hiện tại, BHYT tự nguyện theo hộ gia đình không được bán tại các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh mà chỉ được đăng ký tại địa phương. Người dân muốn tham gia BHYT tự nguyện có thể đăng ký tại cơ quan Bảo hiểm xã hội xã/phường/thị trấn nơi cư trú hoặc đại lý thu bảo hiểm xã hội. Đến giữa tháng 5/2019, cả nước đã có 84,5 triệu người dân có thẻ bảo hiểm y tế, tỷ lệ bao phủ 89%. Mục tiêu năm 2025 có trên 95% dân số có bảo hiểm y tế. |