Dân Việt

Phó Thủ tướng: Các chính sách y tế không được gây “sốc” cho xã hội

Đình Dương 01/07/2019 12:17 GMT+7
"Y tế và giáo dục là hai lĩnh vực Nhà nước không “buông” được, không để những thay đổi gây “sốc” với xã hội”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu tại buổi tiếp xúc cử tri.

Sáng nay (1/7), tại TP.Hà Tĩnh, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng các đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh đã tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV với đông đảo cử tri là ngành y tế của địa phương này.

img

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại buổi tiếp xúc cử tri tại Hà Tĩnh sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV.

Cùng tham dự còn có Bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn và Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Quyết Tiến.

Sau khi thông báo tới cử tri về kết quả Kỳ họp thứ 7, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh cho biết việc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề với ngành y tế của tỉnh nhằm ghi nhận các ý kiến cử tri gửi tới Quốc hội thảo luận, thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại các Kỳ họp thứ 9 và 10 vào năm 2020.

Theo bác sĩ Hoàng Quang Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tỉnh, Quốc hội cần sớm sửa Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Luật Bảo hiểm Y tế để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, lấy người bệnh là trung tâm của dịch vụ y tế.

Bác sĩ Trung cũng đề nghị Luật cần tạo điều kiện thủ tục thông thoáng để người nước ngoài khám chữa bệnh nhân đạo và chuyển giao kỹ thuật bởi vì nếu đợi Bộ Y tế cấp phép cho hoạt động này thì sẽ không bảo đảm tính kịp thời trong khám chữa bệnh.

img

Bên cạnh đó, Luật cũng quy định rõ ràng việc ứng dụng công nghệ thông tin trong khám bệnh như bệnh án điện tử, khám bệnh từ xa, hội chẩn từ xa để có cơ sở pháp lý cho các cơ sở khám chữa bệnh triển khai thực hiện.

Cử tri Trần Hữu Lộc, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Xuyên cho rằng trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới, cơ sở vật chất trạm y tế xã được tăng cường. Tuy nhiên, ông Lộc cho rằng chất lượng bác sĩ, y sĩ ở Trạm còn yếu chưa được đào tạo bồi dưỡng y học thường xuyên.

Bên cạnh đó, trong đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trạm y tế xã, phường, cử tri Trần Hữu Lộc đề nghị cần ưu tiên hơn cho trạm y tế xã vì vị trí xa đô thị để đáp ứng được yêu cầu chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân.

Tại hội nghị, nhiều cử tri khác cũng nêu lên các vấn đề an ninh trong các bệnh viện, cơ sở y tế là vấn đề nhức nhối, Luật cần quy định sự phối hợp của các lực lượng chức năng khách nhau trong bảo đảm an toàn, an ninh trong bệnh viện.

Bên cạnh đó, nhiều cử tri cho biết Nghị định của Chính phủ về tự chủ đơn vị sự nghiệp ngành y tế ban hành và thực hiện từ năm 2012 tới nay đã không phù hợp với thực tiễn cần nhanh chóng sửa đổi, tháo gỡ vướng mắc việc tích hợp các chi phí khám chữa bệnh bao gồm cả chi phí công nghệ thông tin, bảo hiểm,...

Trao đổi với các cử tri ngành y tế, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Quyết Tiến cho biết chính sách cấp phép đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài khám chữa bệnh nhân đạo có việc không đáp ứng được tính kịp thời trong khám chữa bệnh. Tuy nhiên, ông Tiến cũng nêu ra vấn đề về trình độ của bác sĩ nước ngoài cần phải được giám sát.

Không chỉ vậy, theo Thứ trưởng Tiến: “Còn có việc nữalà các tổ chức, cá nhân mang thuốc sang Việt Nam để chữa bệnh nhân đạo nhưng là loại thuốc mới để thử thuốc xong rồi họ mới nhân rộng cung ứng ở nước họ. Nếu không kiểm soát thì ta là chuột bạch”.

img

Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng chia sẻ nỗi lo với các cử tri làm trong ngành y của Hà Tĩnh về an ninh, an toàn trong cơ sở khám chữa bệnh. “Đây là trách nhiệm không chỉ của ngành y, không của riêng bác sĩ nào cả. Gặp phải những ca phẫu thuật có rủi ro cao nên bác sĩ rất dễ chùn tay nếu người nhà bệnh nhân không hiểu việc này”, ông Nguyễn Quyết Tiến bày tỏ.

Về việc xây dựng giá dịch vụ y tế, Thứ trưởng Nguyễn Quyết Tiến cho rằng:“Không có chuyện “rẻ, ngon, bổ”. Nói cách khác là tiền nào dịch vụ đấy, chúng ta muốn dịch vụ tốt thì giá dịch vụ phải điều chỉnh. Có dịch vụ cùng loại nhưng ở nước ngoài có đơn giá là 18.000 USD nhưng ở ta chỉ có 2, 3 triệu. Nên trong tương lai, cần tính đúng, đủ theo lộ trình. Hiện nay Bộ Y tế đang xây dựng đơn giá cho hơn 18.000 dịch vụ y tế để trình Chính phủ quyết định điều chỉnh theo lộ trình”.

Thay mặt các vị đại biểu Quốc hội tiếp thu ý kiến của cử tri, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước luôn ưu tiên thực hiện độ bao phủ và nâng cao chất lượng của dịch vụ y tế, giáo dục theo nguyên tắc thị trường và có sự quản lý của Nhà nước, trong đó vai trò quản lý của nhà nước rất quan trọng.

“Đây là hai lĩnh vực Nhà nước không “buông” được, không để những thay đổi gây “sốc” với xã hội”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Hiện nay, Trung ương đã có Nghị quyết số 20 về chăm sóc sức khoẻ nhân dân, Nghị quyết số 21 về nâng cao chất lượng dân số và Nghị quyết số 19 về sắp xếp đổi mới hoạt động đơn vị sự nghiệp công, trong đó có các cơ khám chữa bệnh. Phó Thủ tướng đánh giá tỉnh Hà Tĩnh đang làm rất tốt các Nghị quyết của Trung ương để tạo ra chuyển biến trong khám, chữa bệnh cho người dân.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng nêu các quan điểm lớn trong lĩnh vực này là xã hội hoá trong lĩnh vực y tế nhưng phải bảo đảm công khai, bình đẳng lợi ích của các bên; sớm sửa đổi Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng chỉ quy định tự chủ về tài chính để Chính phủ có căn cứ sửa đổi Nghị định 85/2012/NĐ-CP về cơ chế hoạt động, tài chính đối với đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám, chữa bệnh của các cơ sở công lập.

img

Phó Thủ tướng cho biết, hiện nay gần 90% dân số có thẻ BHYT.

Về lĩnh vực bảo hiểm y tế, Phó Thủ tướng nhấn mạnh Quỹ Bảo hiểm y tế chỉ được chi cho chữa bệnh và khám bệnh, không được chi sử dụng y tế dự phòng, bởi y tế dự phòng là nhiệm vụ chi của nhà nước, thậm chí cả các chi phí về công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ bảo đảm thanh toán đầy đủ, kịp thời với các dịch vụ y tế được triển khai đúng luật, đồng thời kiên quyết chống gian lận và trục lợi từ Quỹ Bảo hiểm y tế.

Đối với nhu cầu tăng mệnh giá bảo hiểm y tế, Phó Thủ tướng cho biết hiện nay gần 90% dân số có thẻ BHYT nhưng ngân sách nhà nước chi tới 80% để hỗ trợ người dân nên từ nay tới hết năm 2020 chưa thể tăng mệnh giá (hiện nay bình quân mệnh giá BHYT của ta là 40 USD, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực). Chia sẻ với cử tri ngành y, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ nghiên cứu điều chỉnh tăng mệnh giá này trong giai đoạn tới.