Dân Việt

Ngày tết ở “Nghĩa trang hạnh phúc”

07/02/2012 18:45 GMT+7
(Dân Việt) - Với hơn 10.000 bộ ảnh cưới được chụp ở bối cảnh này, nghĩa trang liệt sĩ Tiền Giang “gián tiếp” tạo ra giá trị kinh tế lên đến 50 tỷ đồng và việc làm ổn định cho hơn 200 thợ ảnh, quay phim, trang điểm...

Đám giỗ ở nghĩa trang

Đã thành thông lệ, trước khi nghỉ tết, anh em nghề ảnh ở Tiền Giang thường tụ tại nghĩa trang liệt sĩ. Họ có "nhiệm vụ" quét dọn, trang trí cho nghĩa trang và tổ chức lễ giỗ cho các liệt sĩ ngay trong khuôn viên nghĩa trang. Bàn ghế xếp ngay ngắn theo lối đi, sân khấu dã chiến được dựng lên và có hẳn một ban nhạc phục vụ... 17 giờ tiệc mới bắt đầu nhưng từ rất sớm mọi người đã tề tựu đông đủ.

img
Một gia đình chụp ảnh nhân kỷ niệm 20 năm ngày cưới của bố mẹ tại nghĩa trang.

Ông Nguyễn Văn Tám - Trưởng ban quản trang cho biết, đã có gần 20 lễ giỗ liệt sĩ được tổ chức vào dịp cuối năm như thế này, lần nào cũng trang nghiêm, đầm ấm. Ban đầu lễ giỗ khá đơn giản khi chỉ có một nhóm anh em nghề ảnh đứng ra tổ chức. Sau đó thì hầu hết anh em làm dịch vụ quay phim, chụp ảnh cưới, cho thuê áo cưới, trang điểm cô dâu... với hơn 200 người xắn tay nhau cùng tổ chức.

Tay cầm bó nhang đi thắp cho từng ngôi mộ, Trần Thanh Kiệt, 17 tuổi, nhân viên Studio Nguyễn (đường Ấp Bắc, phường 5, TP.Mỹ Tho, Tiền Giang) cho biết, em vừa học nghề chỉnh sửa ảnh được vài tháng, công việc chủ yếu ở phòng ảnh nên đây là lần đầu bước chân vào nghĩa trang. "Ban đầu em thấy hơi... ớn lạnh, nhưng cảm giác này mau chóng qua đi khi cảm nhận được không khí đầm ấm nơi đây. Có lẽ đây là cảm giác đặc biệt nhất mà em trải qua" - Kiệt nói.

Chị Vân Thùy - chủ tiệm áo cưới Thùy Vân ở Mỹ Tho cho biết, năm 2006, nghe ông xã rủ vào nghĩa trang chụp ảnh cưới, chị cũng phân vân vì trước đó chưa bao giờ bước chân vào nghĩa trang và rất sợ... ma. Tuy nhiên, sau khi chụp ảnh cưới tại đây thì chị hết sợ và sau đó thì mở tiệm áo cưới.

"Sau bộ ảnh cưới thì tôi "bén duyên" cùng nghĩa trang luôn. Mùa cưới, hầu như tôi và nhóm trang điểm ngày nào cũng có mặt ở đây để làm đẹp cho cô dâu. Ngày nào mà không vô nghĩa trang còn có cảm giác buồn buồn nữa kia” - chị Thùy cho hay.

Nghĩa trang “đẹp và tiết kiệm”

Theo tính toán của anh em thợ ảnh, hiện nay dịch vụ chụp ảnh cưới trọn gói (gồm quay phim, chụp ảnh, trang điểm, cho thuê đồ cưới) chi phí bình quân khoảng 5 triệu đồng. Với hơn 10.000 bộ ảnh cưới được thực hiện tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Tiền Giang, số tiền thu về ước tính đã lên đến 50 tỷ đồng.

"Trước đây, nhiều người có tâm lý thích chụp ảnh cưới ở các khu du lịch ở TP.HCM hoặc ra tận Đồng Nai, Bình Thuận. Đi kiểu này sẽ phát sinh thêm chi phí thuê xe, phí vào cửa (khu Bình Quới ở TP.HCM thu vé vào cửa 400.000 đồng/lần, thác Giang Điền ở Biên Hòa, Đồng Nai thu 1 triệu đồng)... nên chi phí mỗi bộ ảnh cưới dôi ra thêm khoảng 3 triệu đồng. Nếu tính hết 10.000 bộ ảnh cưới thì coi như xã hội tiết kiệm tới 30 tỷ đồng. Đó là chưa kể đi đường xa, cô dâu thường bơ phờ xơ xác nên khi vào ảnh sẽ không còn tươi tắn nữa" - nghệ sĩ nhiếp ảnh Duy Anh tính toán.

Ông Nguyễn Văn Tám - Trưởng ban quản trang cho biết: "Ở đây ngày nào cũng có cô dâu, chú rể đến chụp hình. Tôi đếm được, ngày đông nhất cho tới nay là 23 đôi cùng chụp ảnh cưới. Mỗi êkip bình quân 7 người, thêm cô dâu, chú rể nữa là 9, ai cũng trẻ trung xinh đẹp nên nghĩa trang này nhìn vào thấy... vui nhiều hơn buồn".

Thấy khách thường lui tới, nên Ban quản trang cũng luôn nghĩ ra cách làm đẹp nghĩa trang. Ngoài việc thu nạp kinh nghiệm để điều khiển cây luân phiên cho hoa đúng vào các ngày lễ lớn... Ban quản trang còn chung tay cùng các thợ chụp ảnh tôn tạo sinh cảnh: Bức tường giả cổ với bờ gạch rêu phong, chiếc cầu tre lắt lẻo vắt ngang dòng kênh tím ngát màu hoa súng, một chậu nước hình bán nguyệt với chiếc gáo dừa quê hương “để anh múc nước cho nàng rửa chân”...

Có thể nói, vào nghĩa trang Tiền Giang chụp ảnh cưới đã trở thành nhu cầu văn hoá của một thế hệ thấm nhuần đạo lý: "Ăn quả nhớ người trồng cây". Không chỉ thu hút cô dâu, chú rể tìm đến ghi lại "khoảnh khắc vàng" bởi không gian đẹp, mà chính những khơi gợi thiêng liêng về sự nằm xuống của những người đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc được những đôi uyên ương chọn làm điểm khởi đầu của hạnh phúc lứa đôi... Nghĩa trang Tiền Giang trở thành mảnh đất gieo mầm cho nếp sinh hoạt văn hoá ngày cưới thăng hoa.n

Bài học ở nghĩa trang

Không chỉ "học" lòng yêu nước, mà nghĩa trang liệt sĩ Tiền Giang còn là "điểm thực tập" cho học viên ngành ảnh. Đây là nơi lý tưởng để các sinh viên thực hành kỹ năng chụp các loại ánh sáng ở góc độ... nghĩa trang, như ánh sáng ngược, ánh sáng chênh, ánh sáng ven... Ý tưởng kỳ lạ trên bắt đầu từ việc nghe sĩ Duy Anh được một số trường đại học mời giảng dạy về kinh nghiệm chụp ảnh báo chí, trong đó có thực hành chụp ảnh. Anh cho rằng sự độc đáo của đêm nghĩa trang chính là sự liên kết tập thể tạo nên sự mạnh mẽ, gắn bó với nhau.

Ở đây ngày nào cũng có cô dâu, chú rể đến chụp hình. Tôi đếm được, ngày đông nhất cho tới nay là 23 đôi cùng chụp ảnh cưới.

Trong đêm tối âm u, nghe tiếng côn trùng rên rỉ cùng với ánh đom đóm lập lòe, chung quanh là hàng hàng lớp lớp với 6.000 ngôi mộ trắng, có lẽ ai cũng cảm thấy hoang vắng đến lạnh người. Thế nhưng giảng viên Duy Anh và các sinh viên truyền thông - báo chí Trường ĐH Hồng Bàng (TP.HCM) đã mắc mùng ngủ ngay dưới chân đài tưởng niệm.

Theo Duy Anh, đêm ở nghĩa trang sẽ có một cảm giác rất kỳ lạ, không giống như ở bất cứ nơi nào. Và tuổi trẻ thì phải khám phá, tìm tòi. Xưa nay nghĩa trang được xem là chốn linh thiêng, nếu vượt qua được nỗi sợ thì các em sẽ có cảm giác rất tự tin, không còn sợ... ma nữa!.