Dân Việt

Bí thư TP.HCM: Cán bộ công chức phải trăn trở với nỗi khổ của dân

Hồ Văn 02/07/2019 18:52 GMT+7
"Người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần có các giải pháp cụ thể để mỗi cán bộ công chức, viên chức trăn trở với nỗi khổ của người dân, doanh nghiệp khi chờ đợi thực hiện thủ tục hành chính. Phải cảm nhận được bức xúc đó, suy nghĩ cách để người dân, doanh nghiệp bớt cực, bớt khổ", Bí thư TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nói.

Chiều 2/7, UBND TP.HCM tổ chức Hội nghị Sơ kết đánh giá kết quả triển khai thử nghiệm hệ thống đánh giá hài lòng việc giải quyết thủ tục hành chính theo Nghị định 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ. 

img

Bí thư TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị. Ảnh: H.V

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, năm 2019 Thành ủy xác định là “Năm đột phá cải cách hành chính và thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội”, đồng thời tổ chức thực hiện Nghị định số 61 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, lấy “yếu tố con người” với ý thức tự đổi mới, chủ động đề ra sáng kiến để phục vụ người dân, doanh nghiệp; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả trong quá trình cải cách hành chính của từng cơ quan, đơn vị.

Tính đến tháng 5/2019, các cơ quan, đơn vị đã tiến hành khảo sát đánh giá thái độ, chất lượng phục vụ qua các thiết bị công nghệ điện tử thông minh với 168.381 lượt, qua trang web 11.384 lượt và tổ chức tiếp nhận 193.253 lượt, với tỷ lệ hài lòng đạt trên 80% số lượng được khảo sát. Khảo sát thực hiện tại 3 quận, huyện, gồm: quận 9, Tân Phú và huyện Củ Chi cùng 9 phường xã. Tuy nhiên một số tiêu chí trong 3 bộ chỉ số về cải cách hành chính của thành phố đều đạt thấp so với bình quân cả nước. 

img

TP.HCM cải cách thủ tục hành chính đầu tiên với  giải pháp "một cửa liên thông" . Ảnh: TL

Ông Nhân chỉ đạo, đến cuối năm 2019 phải đảm bảo 100% phường - xã - thị trấn công bố được tỷ lệ hài lòng người người dân; nâng cao trách nhiệm trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của người dân và doanh nghiệp. 24 quận - huyện phải tổ chức tiếp nhận trực tuyến ý kiến của người dân, qua điện thoại, với thời gian xử lý cụ thể trong vòng 2 giờ đến 5 ngày.

"Người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần có các giải pháp cụ thể để mỗi cán bộ công chức, viên chức của đơn vị mình trăn trở với nỗi khổ của người dân, doanh nghiệp khi chờ đợi thực hiện thủ tục hành chính; phải cảm nhận được bức xúc đó, suy nghĩ cách để người dân, doanh nghiệp bớt cực, bớt khổ. Làm thế nào để công tác cải cách hành chính phải được thực hiện một cách sâu sắc, chạm đến trái tim của công chức, viên chức và có các hành động tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp", ông Nhân nói.

Ông Nhân còn nhấn mạnh, mỗi cán bộ, đảng viên phát huy tốt vai trò tiền phong, gương mẫu, thực sự là hạt nhân trong các phong trào thi đua với phương châm “Nói ít làm nhiều, làm hiệu quả, chất lượng”.

Theo Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến, TP khuyến khích đẩy mạnh người dân, doanh nghiệp tham gia đăng ký làm thủ tục, nộp hồ sơ qua hệ thống trực tuyến, hệ thống điện tử thông minh. Sau đó, cũng qua hệ thống này giám sát việc làm của cán bộ để đánh giá mức hài lòng của người dân.

img

Phó chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến trả lời báo chí tại Hội nghị. Ảnh: H.V

Tiêu chí đánh giá của các quận, huyện phải đồng bộ với TP. Về kỹ thuật, theo ông Tuyến, các đơn vị được thuê, không chỉ định nhà thầu nào hết. Các đơn vị thuê thì hạ tầng phải đồng bộ với TP. Hoàn chỉnh lại toàn bộ, sơ kết để năm 2019 triển khai đại trà.

Việc đánh giá này có cơ sở để TP xem xét đánh giá nỗ lực tăng thu nhập, chứ hiện nay chỉ bầu chọn không chính xác lắm. “Đưa vấn đề đánh giá sự hài lòng của người dân vào cũng là kết quả để đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ công chức, viên chức trong việc tăng thêm thu nhập”, ông Tuyến nói.

Tuy nhiên, theo các quận, huyện và 9 xã phường đã và đang thử nghiệm, việc tổ chức hệ thống đánh giá sự hài lòng này có nhiều tích cực nhưng cũng tồn tại nhiều hạn chế. Cái lớn nhất là người dân chưa quen làm việc trên hệ thống này, ngay cả cán bộ cũng tiếp thu rất chậm, nên kết quả đánh giá chưa thật sự thu hút, chưa thật sự chính xác vì người dân tham gia chưa nhiều.