Các báo vẫn trích nguyên văn lời của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến về lý do tăng viện phí: "Viện phí thực hiện theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi, phần nào được Nhà nước đầu tư và đã chi thì không được tính vào giá dịch vụ; phần nào Nhà nước không chi thì phải huy động sự đóng góp của người bệnh thông qua BHYT và đóng góp trực tiếp của người dân".
Như vậy, việc tăng viện phí lần này được hiểu là tăng phần đóng góp của bệnh nhân đối với phần chi phí y tế mà Nhà nước không bao cấp, và việc này không chỉ ảnh hưởng tới 53 triệu người tham gia BHYT mà còn cả phần còn lại (37 triệu người là trẻ em và người không tham gia BHYT). Tuy nhiên, xung quanh việc chi khoản điều chỉnh tăng này vẫn còn nhiều dấu hỏi.
Nhiều bệnh nhân đi khám tai mũi họng ở bệnh viện tuyến huyện phàn nàn, thiết bị hiện đại nhất mà bác sĩ chuyên khoa này khám chỉ là cái đèn soi. Bao năm nay thiết bị y tế vẫn thế. Trong khi đó, bệnh viện tuyến huyện nhiều năm qua đã được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng từ nguồn trái phiếu chính phủ, từ ODA, nhưng người ta chỉ mải mốt lo xây dựng cơ bản chứ không lo đầu tư thiết bị phục vụ bệnh nhân.
Một bác sĩ tai mũi họng khám ở bệnh viện chỉ có bàn tay không, nhưng phòng mạch ở nhà bác sĩ ấy đầu tư được cả máy nội soi hiện đại nhất. Hỏi vì sao bệnh viện không thể kiếm được nguồn đầu tư như một bác sĩ làm việc đơn lẻ, thì vị bác sĩ này lắc đầu: "Người ta chỉ lo phết, phẩy. Với cách làm như vậy thì dù có mua được máy thì chỉ vài hôm là đắp chiếu". Như vậy, dù có tăng viện phí, tăng các chi phí xét nghiệm thì liệu phần tăng này có được đầu tư lại cho thiết bị y tế, cho nâng cao nhân lực không, câu hỏi này Bộ Y tế chưa thể trả lời.
Hiện tại, việc điều chỉnh tăng các dịch vụ - được hiểu chủ yếu là tăng thanh toán với BHYT chứ ít bệnh viện áp dụng giá này cho khám chữa bệnh. Có chăng là ở tuyến tỉnh, huyện, còn tại T.Ư, bói cả 3 miền cũng không có bệnh viện nào áp dụng giá này nữa. Giá khám bình thường (dành cho bệnh nhân không có BHYT) hiện là 50.000-70.000 đồng/lần. Giá khám ngoài giờ còn cao hơn nữa: 150.000-200.000 đồng/lần. Việc Bộ Y tế đề xuất tăng giá nhưng không thể kiểm soát được các bệnh viện có thực hiện mức giá theo quy định hay không đang là một lỗ hổng lớn trong tài chính bệnh viện.
Tăng viện phí liệu có giảm tải cho bệnh nhân vùng sâu, xa có được hưởng lợi về tăng đầu tư trang thiết bị, tăng bác sĩ giỏi…? Đó là những câu hỏi mà ngành y tế cần trả lời.
Lê Huyền