Nông nghiệp Hà Nội vẫn duy trì tăng trưởng
Từ đầu năm đến nay, ngành nông nghiệp Hà Nội đối diện nhiều khó khăn, trong đó, đáng lo ngại nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) diễn biến ngày càng phức tạp.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Sở NNPTNT Hà Nội, sau gần 4 tháng thâm nhập vào địa bàn, đến nay, DTLCP đã xảy ra tại 24 quận, huyện, thị xã; làm mắc bệnh và tiêu hủy 429.029 con lợn (chiếm 22,9% tổng đàn) với trọng lượng 29.442 tấn. Thiệt hại về kinh tế ước tính lên tới khoảng 1.000 tỷ đồng.
Nhiều hộ dân tại các huyện của Hà Nội mất nguồn thu nhập chính sau "bão" dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Hải Đăng
6 tháng cuối năm, Hà Nội sẽ tập trung chỉ đạo thị xã Sơn Tây hoàn thành xây dựng NTM; các huyện Thạch Thất, Phúc Thọ hoàn thiện hồ sơ công nhận huyện NTM trong năm 2019. |
Đây là yếu tố ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất nông nghiệp. Song, với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, sự cố gắng của bà con nông dân, tính chung, 6 tháng đầu năm 2019, giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp Hà Nội vẫn duy trì tăng trưởng 1,15%.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, đàn trâu, bò phát triển ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra với tổng đàn trâu 24.000 con (tăng 3,7%), đàn bò 134.400 con (tăng 0,43%) so với cùng kỳ năm 2018. Chăn nuôi gia cầm phát triển, ước tính đàn gia cầm hiện khoảng 34 triệu con (tăng 11,7%). Sản lượng thủy sản đạt 51.000 tấn (tăng 4,08%).
Trên địa bàn thành phố đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung đem lại hiệu quả kinh tế cao, duy trì được 154 cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa chất lượng cao, 101 vùng sản xuất rau an toàn tập trung, 50 vùng sản xuất hoa, cây cảnh tập trung, 56 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, 76 xã chăn nuôi trọng điểm với 4.276 trại chăn nuôi ngoài khu dân cư.
Theo tính toán của Sở NNPTNT Hà Nội, từ nay đến cuối năm 2019, thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi còn những diễn biến khó lường, đặc biệt là bệnh DTLCP. Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, Sở đang tập trung cao độ cho công tác lai tạo, sản xuất giống vật nuôi để đẩy mạnh chăn nuôi bò thịt bằng các giống bò chất lượng. Nâng cao năng suất sinh sản của đàn lợn nái bằng các giống lợn nhập ngoại, sản xuất các giống gia cầm chất lượng.
“Về trồng trọt, Sở phối hợp với các địa phương chỉ đạo sản xuất tốt vụ mùa, vụ đông năm 2019 - 2020 trên cơ sở sử dụng giống cây trồng cho giá trị cao; chuyển đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng phù hợp gắn với nhu cầu thị trường. Tập trung xây dựng, duy trì, phát triển các chuỗi nông sản an toàn, kiểm soát chặt chẽ công tác bảo đảm an toàn thực phẩm…" - ông Mỹ nhấn mạnh.
Tiếp tục hoàn thiện các xã, huyện NTM
Đến nay, toàn thành phố đã có 4 huyện đạt chuẩn NTM. Huyện Gia Lâm, Quốc Oai đã hoàn thiện thủ tục hồ sơ trình đề nghị T.Ư công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2018. 325 xã (chiếm 84,2% tổng số xã trên địa bàn thành phố) đạt chuẩn NTM, về đích trước 2 năm so với kế hoạch đề ra.
Xã Đan Phượng, Song Phượng, Liên Trung (huyện Đan Phượng) đã được UBND thành phố công nhận là xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2018.
Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM TP.Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, 6 tháng cuối năm 2019, đơn vị sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác tham mưu Thành ủy, UBND thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, hỗ trợ các địa phương trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; Tham mưu Thành ủy tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân...