Dân Việt

Ma trận giống lúa giả: Đường đi của giống giả và cái kết bất ngờ

Quốc Hải 04/07/2019 19:02 GMT+7
Có nhiều trường hợp, thương lái mua lúa thành phẩm của nông dân, mang đi sấy khô rồi đóng bao để bán lại cho chính những người nông dân làm hạt giống…

Mua lúa giống giả từ “cò” của… “cò lúa”

Chuẩn bị bước vào vụ lúa đông xuân, cuối tháng 11/2018, nông dân Đặng Ngọc Tính (ấp Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) ký hợp đồng mua 410kg lúa giống thơm RVT với một “cò lúa” trong vùng. Tuy nhiên, chưa kịp xuống giống thì bất ngờ lực lượng Công an kinh tế huyện Vị Thủy tiến hành kiểm tra và phát hiện lô lúa giống trên giả bao bì nhãn mác của Công ty CP Giống cây trồng miền Nam (SSC).

img

Hàng chục đơn yêu cầu cơ quan chức năng xử lý tình trạng mua bán hạt giống lúa giả tại khu vực ĐBSCL của SSC trong năm 2018 và nửa đầu năm 2019. Ảnh: Q.H

Cùng mua phải lượng lúa giống trên có tất cả 6 nông dân đều trú tại ấp Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Trường với số lượng từ 100kg/người trở lên. Tổng số lúa giống giả được phát hiện là 1.090kg.

Sau khi phát hiện vụ việc, Công an kinh tế huyện Vị Thủy đã lập biên bản niêm phong gần 1,1 tấn lúa giống RVT này, đồng thời lấy mẫu lúa giống, bao bì giả niêm phong để giám định. Kết quả, giống lúa trên không phải giống thơm RVT xác nhận của SSC, mẫu bao bì không giống mẫu của SSC (kích thước bao giả ngắn hơn, màu sắc bao đậm hơn, logo, số điện thoại, hình bông lúa sai, sai quy cách ngày sản xuất và hạn sử dụng…).

Tuy nhiên, để lần ra đường dây mua bán lúa giống giả này lại là một hành trình… “dở khóc dở cười” của lực lượng công an.

Cụ thể, theo điều tra của Công an huyện Vị Thủy, ngày 17/11/2018, “cò” Tạo (Huỳnh Minh Tạo, SN 1971) đã điện thoại cho Dương Minh Sóc (SN 1979, ngụ ấp Phước An, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) mua 2.700kg lúa giống RVT của Công ty CP Giống cây trồng miền Nam, với giá 22.000 đồng/kg về sạ. Sau đó, Sóc điện thoại cho một người tên Hải (cũng là “cò lúa”, quê ở huyện Trần Đề, Sóc Trăng), cả hai chỉ gặp mặt nhau chỉ 1 - 2 lần.

Đến ngày 23/11/2018, Hải thuê người giao lúa giống cho Tạo theo yêu cầu của Tạo đã đặt mua với Sóc. Sau đó, Tạo đem giống lúa này bán cho 6 hộ dân ấp Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Trường với giá 22.000 đồng/kg, hình thức thanh toán sau khi thu hoạch lúa mới trả tiền. Còn lại, Tạo giữ 1.620kg để sạ ruộng nhà.

img

  Lực lượng chức năng kiểm tra việc kinh doanh lúa giống ở Đồng Tháp. Ảnh: T.L

Sau khi giao lúa giống giả cho 6 hộ dân, số lúa còn lại Tạo chở về nhà, trong lúc vác vô nhà thì trời mưa, bao bị ướt nên các chữ màu RVT trên bao bì dính lên áo, lúc này Tạo mới mở bao ra xem thì phát hiện đó là bao bì giả, lúa giống ở trong bao, theo kinh nghiệm làm ruộng của Tạo thì có khoảng 70% là lúa RVT, còn lại 30% là giống lúa 5451.

Sau khi phát hiện vụ việc, Tạo đã điện thoại cho anh Đặng Ngọc Tính để thông báo giống lúa này là bao bì giả. Anh Tính hỏi chất lượng thì Tạo trả lời là giống lúa RVT. Sau đó, anh Tính trả lời bà con ở đây chỉ mua với giá 16.000 đồng/kg, nếu đồng ý thì ký hợp đồng. Tạo đã đồng ý và làm hợp đồng mua bán với nông dân Đặng Ngọc Tính.

Cái kết bất ngờ

Theo điều tra của Công an huyện Vị Thủy, Tạo mua lúa giống của Sóc không có hợp đồng, cũng không biết nguồn gốc của giống, hình thức là dạng bao tiêu, tức là Sóc đưa lúa giống xuống cho sạ trước, đặt cọc 500.000 đồng/công ruộng và Sóc sẽ mua lúa lại sau khi thu hoạch.

Từ thông tin của Sóc cung cấp về cò lúa tên Hải, Công an huyện Vị Thủy đã tiến hành xác minh số điện thoại do Sóc cung cấp đúng là người tên Hải, nhưng không làm nghề cò lúa và mua bán lúa giống mà quê ở phường 4, TP.Sóc Trăng, làm nghề bốc gác, đẩy xe kéo. Công an huyện Vị Thủy cũng tiến hành xác minh tại ấp Tiên Cường 1, xã Thới An, huyện Trần Đề thì không có người nào tên Hải mua bán lúa giống.

Trước hành vi mua bán lúa giống giả của “cò” Tạo và “cò” Sóc, Công an huyện Vị Thủy xác định cả 2 người này đã vi phạm Điểm a, khoản 1, điều 13, Nghị định 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ bán, vận chuyển, cung cấp, tàng trữ; trưng bày để bán tem, bao bì, vật phẩm mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý giả mạo, mức phạt từ 500.000 - 1.000.000 đồng.

“Xét thấy hành vi vi phạm của hai đương sự trên vi phạm lần đầu, ít nghiêm trọng và thành khẩn khai báo nên đã ra quyết định xử lý hành chính phạt tiền mỗi đối tượng 750.000 đồng. Đồng thời, tịch thu 7 bao bì mang giả nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý giả mạo Công ty CP Giống cây trồng miền Nam” - thông báo của Công an huyện Vị Thủy nêu rõ.