Một thời hoa lửa
Đặng Sĩ Ngọc (sinh năm 1948 tại xã Đức Ân, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh), gia cảnh nghèo khó nên mãi đến năm 10 tuổi mới được đi học. Bù lại, cậu bé học giỏi cả văn và toán. Cả huyện Đức Ân ngày ấy ai cũng kỳ vọng ở tương lai của Ngọc. Nhưng đất nước đang trong chiến tranh, Ngọc đã gác bút nghiên, viết đơn bằng máu tình nguyện nhập ngũ.
Ông Ngọc và vợ trong căn nhà của mình. |
Tháng 6.1967, anh lính 19 tuổi Đặng Sĩ Ngọc được biên chế vào Đại đội 2, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 90, Sư đoàn 324 và cùng đơn vị hành quân vào chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Mặt trận B5 ngày ấy nổi tiếng ác liệt. Đặng Sĩ Ngọc cũng rất nổi tiếng về tinh thần chiến đấu dũng cảm. Tính từ năm 1969 - 1972, Ngọc bị thương tổng cộng 6 lần, có những lần bị thương nặng ở đầu, tay, chân, và bị bom vùi sâu tới 3m, nhưng anh vẫn không chịu rời trận địa.
Ngày 20.7.1972, tại chân điểm cao 88, cạnh khu vực Ái Tử 1 (Quảng Trị), khi Ngọc đang cùng đồng đội triển khai trận địa thì bị B52 oanh tạc. Ngọc bị thương rất nặng ở ổ bụng và đùi phải, được chuyển ra Bắc điều trị.
Ngọc tâm sự: "Bị thương nặng 7 lần, có những vết thương khiến chân, tay gãy giập, gan phải khâu, ruột phải nối, giảm thính lực… giám định y khoa chỉ còn 19% sức khỏe, tôi buồn lắm. Đã có lần, tôi kê khẩu Braoning đã lên đạn vào trán định tự kết liễu để khỏi phải làm khổ người khác. Nhưng đúng lúc đó, hình ảnh Paven Coocsaghin trong “Thép đã tôi thế đấy” lại hiện lên khiến tôi xấu hổ. Và thế là kế hoạch phục hồi sức khỏe được tôi vạch ra. Vừa tập luyện, tôi vừa viết hồi ký, làm thơ và tìm sách vở để tự học...".
Năm 1974, Ngọc về điều trị và an dưỡng tại Đoàn 202 Quân khu IV. Chính tại nơi đây, cô gái xinh đẹp Trần Thị Vân - nhân viên kỹ thuật điều dưỡng của Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Ba Lan trong một lần vào thăm bạn bè đã gặp Ngọc. Chẳng biết cô gái mê thơ, mê hồi ký của anh hay ông trời xe duyên mà Vân luôn mượn cớ đến xin đọc hồi ký để chăm sóc Ngọc.
Cuốn nhật ký "Trời xanh không biên giới" của ông Đặng Sĩ Ngọc. |
“Tôi nhận biết được tình cảm của cô ấy từ cái nhìn đầu tiên, tôi cũng yêu Vân nhưng khi Vân nói muốn gắn bó với tôi suốt cuộc đời, tôi đã giật mình. Tôi không thể... Nhưng tình yêu mãnh liệt của cô ấy đã thuyết phục được tôi” - Ngọc kể.
Mặc cho nhiều người gièm pha, mặc cho cha mẹ và anh em họ hàng phản đối, đầu năm 1975, anh chị tổ chức lễ cưới thật trang trọng mà giản dị trước sự chúc mừng của gia đình và đồng đội. Và rồi 3 người con của họ lần lượt ra đời: Đặng Sỹ Nam (SN 1977), Đặng Thị Thương (SN 1980) và Đặng Thị Thanh Huyền (SN 1984)…
Hiện nay, cả 3 người con của anh chị đều đã tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm ổn định… Nhưng để nuôi dạy các con khôn lớn, vợ chồng họ đã phải vật lộn cực nhọc với cuộc sống đời thường.
Đến... Ngọc xe lai
Chiều, mưa phấn giăng trắng trời thành phố đỏ, người đàn ông ngoài 60 tuổi vẫn đứng trong mưa đợi khách. Khi biết tôi có ý định tìm hiểu về cuộc đời ông, ông Ngọc từ chối vì không muốn nói về mình. Nhưng rồi, vui chuyện bên quán cóc ven đường, ông lão xe lai đã chầm chậm kể về những âm ba đời mình.
Rời Trung tâm điều dưỡng thương binh nặng, ông Ngọc về với gia đình, và được chính quyền phường đề nghị làm Tổ trưởng khu dân cư, đồng đội bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh, Tổ trưởng thương binh của phường…
Ông Ngọc xe lai chở hàng. |
“Về nhà, dù Nhà nước cho hưởng chế độ có người phục vụ nhưng ngồi không buồn lắm nên tôi suy nghĩ rất nhiều để tự tìm ra công việc thích hợp với mình. Cuối cùng, tôi chọn nghề xe lai. Bởi tôi nghĩ: Đi xe lai là cách để rèn luyện sức khỏe, được làm việc, được tiếp cận xã hội, có thêm thu nhập cho gia đình và làm những việc mình muốn. Thế là nghiệp xe lai đeo đuổi tôi từ đó đến nay" - ông Ngọc kể.
Ông nghĩ, mình may mắn được về với gia đình thì phải nhớ tới đồng đội đã hy sinh đang nằm lại chiến trường. Vì thế, mỗi ngày, ông bỏ vào ống tiết kiệm từ 5-20 nghìn đồng. Qua thời gian dài, ông đã gom được tiền để tự mình đi tìm hài cốt đồng đội. Qua 3 năm trời tìm kiếm ở những chiến trường ác liệt năm xưa, ông đã đưa được hài cốt 6 đồng đội về với gia đình.
Nguyễn Minh Thành, sinh viên Đại học Vinh
Cũng từ ống tiết kiệm, năm 2007, ông đã mua 30 bộ quần áo tặng phụ nữ nghèo; năm 2009 - 2011 mua 40 chiếc áo tặng cựu chiến binh nghèo vùng sâu, vùng xa và hàng trăm cuốn vở, lương khô, quần áo tặng đồng bào Hà Tĩnh bị thiên tai lũ lụt… Tổng số tiền ông ủng hộ đồng bào lũ lụt và những gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở Nghệ An và Hà Tĩnh đến nay đã trên 50 triệu đồng.
Ngoài hành nghề xe lai, thương binh Đặng Sĩ Ngọc còn là một cây viết không chuyên được nhiều người biết đến. Ông là tác giả cuốn “Trời xanh không biên giới” - một trong những cuốn nhật ký thời chiến nằm trong tủ sách “Mãi mãi tuổi 20”. Trong đợt thi viết “Mãi mãi sáng danh anh Bộ đội Cụ Hồ”, ông Ngọc tham gia viết 11 bài và được đăng báo 8 bài, trong đó 1 bài được trao Giải Ba. Với 13 triệu đồng tiền nhuận bút và tiền giải thưởng, ông bỏ thêm 2 triệu đồng mua sách tặng một số xã, huyện ở hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và các chi hội cơ sở Hội Cựu chiến binh thành phố Vinh...
Với những việc làm ý nghĩa này, Đặng Sĩ Ngọc đã được tặng thưởng nhiều bằng khen các cấp, đặc biệt là bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích trong thực hiện Cuộc vận động học tập và làm theo lời Bác.
Tiến Dũng