Dân Việt

Truyện dự thi: Rừng thay lá

Hoàng Minh Tường 06/07/2019 07:00 GMT+7
Cuối mùa mưa. Những cơn mưa thường nhật thưa thớt dần, có khi một tuần mới rớt xuống một trận mưa cuối ngày, như cuộc chạy của một vận động viên đường trường, cuối chặng, bước chân đã rã rời. Thời kỳ này, cũng là mùa cao su rụng lá. Chỉ cần một trận gió ào qua, lá vàng đã rơi như trút.

* Tặng Hiền Phương.

Đúng những ngày sắp đóng cửa rừng, bỗng xuất hiện những người khách không mời. Người mẹ chừng ngót bốn mươi, ngày trẻ chắc là một thiếu nữ chân dài miệt vườn, với đôi mắt to đen mê hoặc, giờ đẫy đà, chắc khỏe với tấm lưng dày và bộ ngực vẫn còn khơi gợi. Bốn đứa trẻ, suýt soát trứng gà trứng vịt. Hai cô chị đã ra dáng thiếu nữ, cậu em thứ ba có vẻ nhanh nhẹn và nghịch ngợm. Riêng cô Út, chừng ba tuổi, xinh như một búp bê.

Có chuyện gì mà mẹ con lếch thếch tha lôi nhau đến mãi những cánh rừng cao su thượng nguồn sông Sài Gòn này?

- Dạ thưa cô. Con là Tám Trinh. Mẹ con đưa nhau lên đây cũng là nhờ chú Sáu mách. Chú Sáu nói cô là một Bồ Tát…

- Sáu nào nhỉ? - Cô Tư  ôm con Út vào lòng, nhíu mày làm quen với nó, nhưng lại đưa mắt sang phía người mẹ.

- Dạ, chú Sáu Điều mới được cô nhận vô làm năm ngoái đó. Em ruột cha mấy đứa nhỏ này đó cô. Chồng con là thứ năm, tên Năm Đạt.

Cô Tư nhớ ra rồi. Liên tục vỡ hụi, ruộng nhiễm mặn lúa không mọc nổi, rồi tôm, cá tra, rớt giá, khiến nhiều gia đình ở Cà Mau bỏ quê, kéo nhau lên miền Đông sinh sống. Vợ chồng Sáu Điều dạt vào trang trại Cây Đề giữa năm giá mủ cao su đến đáy. Miền Tây nhiễm mặn, cạn phù sa khó khăn một phần, thì miền Đông cũng khô hạn, nhiều nhà vườn phá cao su trồng điều, trồng khoai mì. Hai năm nay cao su xuống giá thảm hại.  Giá bán không đủ bù cho công cạo mủ. Nhiều vườn cao su đóng cửa. Trang trại cô Tư Hiền, ban đầu cũng định đóng cửa rừng như mấy vườn xung quanh. Nhưng nghỉ cạo thì mấy chục công cạo mủ sống bằng gì? Trường hợp gia đình Sáu Điều là trường hợp đặc biệt được cô Tư thu nhận giữa những ngày thương khó. Cô nói với Hoan - phụ trách điều hành, thu xếp cho vợ chồng con cái Sáu Điều ở ngôi nhà trực bảo vệ ngoài cổng, nhận cả nhà vào làm công cạo mủ cao su.

- Cô ơi, cô thương nhà Sáu Điều rồi, thì thương cả chúng con với - người mẹ quẹt ống tay chấm mắt - Cha mấy sắp nhỏ này đi tàu cá, bị Thái Lan bắt bỏ tù một năm nay rồi. Ảnh và hai tám người nữa viết thư về nói, tàu chót đánh nhầm sang hải phận của họ, bị phạt giam, bắt nộp tiền chuộc. Mỗi người mấy trăm triệu. Không có tiền họ bắt vô tù. Không có ảnh, năm mẹ con sống lay lắt. Con định cho mấy đứa trẻ vào trại tế bần…

img

Minh họa của họa sĩ Trịnh Tú.

Nhìn người đàn bà và mấy đứa trẻ tội nghiệp, cô Tư mở lòng trắc ẩn. Gần ba mươi năm nay, từ ngày cô Tư bỏ Sài Gòn lên mua đất trồng rừng ở thượng nguồn sông Sài Gòn này, cô gặp không ít những trường hợp éo le, nghịch cảnh: Một cặp vợ chồng nghiện hút, trốn trại, dạt về đây. Một đầu gấu, bị đi cải tạo, hết hạn xin được đến trang trại Cây Đề để làm người lương thiện. Một ông già điếc, thời trẻ từng là một thiếu gia, từng đi quân dịch, rồi bị vợ phát tán hết gia tài, thất cơ lỡ vận, từ mãi ngoài Phú Yên đến tìm một chốn nương thân; vậy mà mấy năm sau ông già điếc vẫn không thoát khỏi kiếp quả báo, bà vợ già hết thời oanh liệt tìm đến, bám diết, không chịu buông tha. Rồi mấy gia đình đi kinh tế mới, bỏ về thành phố, vợ chồng đánh lộn nhau, con cái nghiện hút, lại kéo nhau lên… Tất cả những cảnh ngộ ấy, những thân phận ấy, không ít thì nhiều đều được cô Tư cưu mang, đùm bọc. Cô cảm hóa họ, và họ cũng tự hoàn lương. Giờ nhiều người mua được đất, dựng nhà, mua được cả mấy công đất trồng cao su, sầu riêng, đời sống đã ổn định. Trang trại Cây Đề trở thành tổ ấm.

Bây giờ đến lượt mẹ con Tám Trinh.

- Tạm thời ở đây làm ăn nuôi con, đợi cha bọn trẻ về - cô Tư quả quyết - Cô sẽ trả lương cho Tám đúng công việc và sức lao động. Riêng bốn đứa trẻ, phải cho chúng đi học. Cô sẽ giúp thêm…

Những lời của cô Tư, còn hơn cả những lời của Bồ Tát. Từ hôm ấy, Tám Trinh như được tháo cởi cái vòng kim cô vô hình thít trên đầu. Mẹ con cô được xếp ở gian nhà kho, cạnh gia đình Sáu Điều, em chồng. Tám học cách cạo mủ cao su, và chỉ hai tuần đã thành thạo công việc, được hưởng tiền lương ngang với những công thạo việc.

 ***

Dường như thời xuân đã trở lại với Tám Trinh. Tuổi bốn mươi bỗng phơi phới như gái dậy thì. Má nàng lúc nào cũng hồng rực. Và bộ ngực trễ nải cứ trắng ngần, ngồn ngộn căng tràn.

Cô Tư Hiền thường ở Sài Gòn, ít lên trang trại, nên không thể biết những ngày hồi xuân của Tám Trinh tưng bừng như thế nào. Phải nói là gái miền Tây ngon hết cỡ. “Gái một con trông mòn con mắt”, câu ấy xưa lắm rồi. Với Tám Trinh phải nói “gái năm con trông mòn con mắt” mới xứng. Ô, sao lại là năm con nhỉ, bốn con thôi chứ? Nhiều người thắc mắc. Thưa rằng, bốn đứa nhỏ kia là con của Năm Đạt. Tám Trinh lấy chồng năm mười tám tuổi, năm nàng rực rỡ như một hoa khôi chân dài xứ dừa Giồng Trôm. Cuộc tình tưởng thăng hoa êm ấm, thì anh chồng chơi bời lêu lổng, dan díu với một ả bán vàng ở chợ huyện. Ghen tuông, thù hận, đánh lộn nhau lên bờ  xuống ruộng. Nàng trả đứa con gái ba tuổi cho nhà chồng, một mình xuống vùng cửa biển Sông Đốc. Gặp Năm Đạt, khi ấy đang là máy trưởng một tàu đánh cá xa bờ, tiền công lúc nào cũng căng chật túi. Họ hút lấy nhau, đẻ liền một mạch bốn đứa. Cô con gái riêng tên Hạnh, mười sáu tuổi phải lên ở với người cô ruột, làm nhà hàng trên quận bốn Sài Gòn.

Năm con, nhưng Tám Trinh vẫn có sức hút trai như thỏi nam châm. Nhiều gã đàn ông, có vợ hẳn hoi, và cả những gã bỏ vợ đang sống một mình, khi phát hiện ra trang trại Cây Đề có một người đàn bà đang cô đơn, liền lượn lờ săn đón như những gã diều hâu bay tít trên cao phát hiện ra một ả thỏ lạc giữa rừng.

Rồi đến một ngày, đám công cạo mủ bỗng phát hiện ra Tám Trinh có giọng hát mê hồn. Buổi sáng tinh mơ, từ ba giờ là lúc khắp các lô cao su loang loáng ánh đèn. Thời gian cạo mủ là đêm hội của rừng. Qua giấc ngủ đêm ngắn ngủi, cây cao su bị người đánh thức. Từ các thân cây, ứa tràn những dòng nhựa trắng ngần tinh khiết. Cũng là lúc từ một lô cao su nào đó ngân lên một điệu hò sông nước nao lòng: “Anh ơi anh, thôi đừng yêu em nữa. Trái tim em vôi vữa đã dính đầy…”. Những điệu Lý bất hủ ấy, và giọng ca vời vợi nôn nao ấy, chỉ thăng hoa trong lao động, chỉ được ngân rung từ một trái tim tràn trề hạnh phúc. Ai cũng nghĩ hẳn Tám Trinh mới nhận tin chồng. Người chồng yêu dấu của nàng - người cha tuyệt vời của các con nàng, mùa xuân tới, chắc sẽ trở về.

 ***

Và rồi những cánh rừng cao su vào mùa thay lá. Mới tháng trước, tuần trước, những cánh rừng bát ngát bao quanh hồ Dầu Tiếng nhuốm một màu vàng thu, như những cánh rừng trong tranh Lêvitan, bỗng ào ào lá đổ, cây trút hết những mảnh vàng cuối cùng xuống thảm đất, rồi hôm qua, hôm kia, từ những cành nhánh tưởng gầy khô, bỗng nhú lên những mầm non, và nhanh hơn cả tưởng tượng, hôm nay, khắp các vạt rừng đã trùm phủ bởi một màu tươi non, xanh mời gọi.

Nghe tin, mùa mưa tới, cao su sẽ lên giá.

Cô Tư Hiền, như mọi mùa, mọi năm, đến ngày hăm ba tháng Chạp, thường lên cúng rừng. Đây cũng là dịp cô tri ân những người làm rừng. Mỗi gia đình, mỗi công nhân thường được cô tặng một túi quà để mừng năm mới. Giản dị thôi, chỉ một cuốn lịch treo tường, gói mứt, kẹo bánh, chai rượu, chai nước mắm Phú Quốc, năm cân gạo ngon để gói bánh chưng, và thêm chiếc phong bao lì xì cho trẻ. Ai cũng có quà tết. Thì đấy, lộc của rừng.

Khi chiếc xe chở quà tết dừng lại ở phố chợ trước ngã ba vào trang trại, cô Tư Hiền cho dừng xe, vì hình như có mấy đứa trẻ đang huơ tay vẫy. Trời ơi, con Út, thằng Phong và hai con chị nó đang mong cô. Tám Trinh đâu? Mẹ của các con đâu?

Vừa mở cửa xe bước xuống, Cô Tư Hiền liền bị bốn đứa trẻ quây lấy. Chúng nó vừa khóc vừa ôm lấy cô.

 - Bà ơi, bà đừng đuổi mẹ con… Chúng con không muốn mất mẹ.

Khắp người cô Tư ớn lạnh. Cô run lên:

- Sao? Mẹ Tám đâu? Bà đâu có đuổi mẹ Tám?

- Mẹ Tám  bỏ đi rồi, bà ơi… - Gần như một lúc, cả bốn đứa cùng nấc lên.

Đến lúc này cô Tư mới để ý đến một người đàn ông khoác chiếc ba lô lép kẹp, đứng gần đó. Anh ta muốn lại gần cô, muốn nói điều gì đó, nhưng không dám.

Con chị lớn quay về phía người đàn ông, lí nhí:

- Ba con đó. Ba con mới ở tù Thái Lan về…

Người đàn ông chính là Năm Đạt. Rắn rỏi phong sương, nhưng không giấu nổi vẻ tiều tụy, suy sụp. Cô Tư đã mang máng hiểu ra mọi chuyện.

- Cô mừng cho Năm đã trở về - Chủ động đưa tay ra cho Năm Đạt, giọng  cô Tư buồn như chính mình vừa bị một nỗi đau - Cháu định đưa bọn trẻ đi đâu bây giờ? Thôi, cả mấy ba con hãy về chỗ cô đi đã. Rồi ta tính…

Cái điều mà cả trang trại cứ xì xầm mấy tháng nay, ngay cả quản lý Hoan cũng cứ úp úp mở mở không dám nói với cô Tư, thì nay đã nhỡn tiền. Không dưng một người đàn bà xa chồng lâu ngày lại bỗng thăng hoa phơi phới như diều căng gió. Không dưng mà cánh rừng cao su vốn thâm u, bí ẩn, dẫu đêm khuya được đánh thức bởi những bước chân, những ánh đèn pin loang loáng của những người cạo mủ, bỗng xôn xao, rạo rực những lời hát ma mị, cháy lòng. Tình yêu luôn nổi loạn trong rừng. Khắp mọi lô cao su, mọi khe suối, bụi cây trong rừng đều khơi gợi, mời gọi những cuộc tình. Không ai hạnh phúc bằng những người cạo mủ trong những đêm trăng. Trăng suông, gợi một không gian huyền bí, liêu trai. Trăng tỏ, vằng vặc những khát vọng mời gọi. Những mối tình nảy nở trong rừng cao su là những hoan ca của cõi thiên thai. Người ta xì xào rằng từ khi Tám Trinh về trang trại, có gã đàn ông ngoài thị trấn đêm đêm lại lẻn vào trại cạo mủ giúp cô, rằng lô cao su của Tám bao giờ cũng cạo xong trước tiên, rằng có đêm chờ bốn đứa trẻ ngủ say, dù mới mười hai giờ đêm, còn ba tiếng nữa mới tới giờ cạo mủ, Tám vẫn mang đồ cạo phóng xe máy vào lô. Và bình minh hôm ấy, khắp rừng lại ngân vang những điệu Lý nao lòng…

Mọi chuyện tưởng chỉ là một chút giải sầu, hay giống như câu chuyện “say nắng” trên bãi biển mà nhà văn Nga Ivan Bunin mô tả, lóe lên rồi lịm tắt, cuồng điên đến mê dại, rồi tan đi. Cô Tư Hiền - một bà giáo dạy văn học về hưu với nhiều uẩn khúc cuộc đời, một người thông hiểu và yêu thích văn học Nga, ban đầu nghĩ về sự nổi loạn của Tám Trinh như vậy.

Nhưng hóa ra không phải.

Ngay ngày đầu tiên, khi Năm Đạt thoát tù từ Thái Lan về Sông Đốc, rồi từ Sông Đốc tìm lên với vợ con, đã là một ngày đổ vỡ tan hoang. Vừa nhìn thấy chồng, Tám Trinh đã quay ngoắt vào nhà, với cái túi xách đã xếp sẵn, ào ra cửa:

- Đấy, tôi trả lại con cho anh. Hơn hai năm qua, tôi luôn chờ đợi cái ngày này. Tôi đã nuôi con cho anh… Và tôi hết chịu đựng nổi…

- Kìa em… - Đạt níu lấy bàn tay vợ, gần như quỳ dưới chân nàng - Anh có lỗi gì đâu?... Anh có nghe phong thanh chuyện về em… Nhưng mọi chuyện của vợ chồng mình từ trước tới giờ bỏ qua hết… Anh và em sẽ cùng nhau nuôi con, cùng nhau gây dựng lại…

- Đủ lắm rồi… Anh đã chết trong tôi từ khi anh đi biển… Tôi còn cả một cuộc đời phía trước… Có người đang đợi tôi, anh biết không? Tôi trả lại con cho anh mà không đòi một đồng xu nào, anh bằng lòng chưa?

Năm Đạt vừa thuật lại câu chuyện với cô Tư Hiền vừa nấc lên như một đứa trẻ.

Cô Tư thấy mình như một người mẹ. Và bốn đứa trẻ kia là những đứa cháu nội của bà.

- Cô hiểu… Thôi, thế này nhé. Lát nữa cô sẽ cho người xuống dọn gian nhà kho dưới kia để cha con ở tạm. Sẽ bổ sung mọi đồ đạc, như một gia đình. Năm sẽ nhận công việc trong tổ bảo vệ, hưởng lương như mọi người… Có điều này, chỉ riêng cô và Năm biết, đừng nói với ai: Ngoài sổ lương hàng tháng, cô sẽ cho riêng hai triệu để con nuôi bọn trẻ. Ngay ngày mai phải cho chúng đi học tiếp… Cô tin rồi mẹ chúng sẽ quay về…

 ***

Niềm tin của cô Tư Hiền có xa xỉ quá không? Và trong cuộc đời này có người phụ nữ nào rồ dại, tàn nhẫn đến mức thẳng tay vứt bỏ những giọt máu của mình để lao theo một cuộc tình cháy bỏng, cuồng si, khốc liệt nhưng vô định?

Có người nói, mùa xuân sẽ làm tất cả đều viên mãn. Cây khô cũng đâm chồi. Rừng thay lá sẽ đằm xanh màu vĩnh cửu.  Hồ cạn lại ăm ắp đầy. Và người phụ nữ khát tình nổi loạn sẽ viên mãn no đầy để quay về thiên chức.

Có lẽ, qua xuân, Tám Trinh sẽ trở lại.

Rừng Hớn Quản, 2018

Truyện dự thi: Rừng thay lá - Ảnh 1.