2 cán bộ bị đình chỉ, kiểm điểm là một cặp anh em ruột: Lê Văn Hiền - Chủ tịch huyện Tiên Lãng và Lê Văn Liêm - Chủ tịch UBND xã Vinh Quang. Có người đã nói đến vụ Tiên Lãng như một điển hình cho thấy khoảng cách giữa chính quyền và nhân dân. Và, cũng không phải vô cớ mà có người cho đây là một điển hình cho sự hà hiếp: “Chính quyền anh” cấu kết với “chính quyền em” để hà hiếp người dân.
Nhưng 2 cán bộ bị đình chỉ có lẽ chưa phải là con số cuối cùng. Còn nhớ sau khi Tiên Lãng ra quyết định thu hồi đất, người nông dân Đoàn Văn Vươn đã khởi kiện ra tòa. Tại phiên hòa giải ở tòa phúc thẩm, đại diện UBND huyện Tiên Lãng là ông Phạm Văn Hoa - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường đã hứa huyện sẽ tiếp tục cho ông Vươn thuê đất nếu ông rút đơn kiện.
Người nông dân dù có bằng kỹ sư nông nghiệp, dù đã chiến thắng cả “thần biển” đã tin vào lời hứa của chính quyền. Nhưng ngay sau khi ông vừa rút đơn, chính quyền ra quyết định cưỡng chế thu hồi toàn bộ khu đầm mà ông đã đổ mồ hôi, đổ máu, đổi cả mạng sống của con mình mới có được.
Có phải một sự lật lọng?
Trong buổi họp báo chiều qua, đã có một câu hỏi được đặt ra: Vì sao cuộc họp báo do Thành ủy, mà không phải do UBND thành phố chủ trì. Việc Thành ủy chủ trì cuộc họp báo, và lớn hơn là việc kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong vụ cưỡng chế đất của dân, đang là một tín hiệu tốt để có thể coi Hải Phòng là địa phương khởi đầu cho việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 về xây dựng chỉnh đốn Đảng. Mà việc đầu tiên là khôi phục lòng tin của người dân vào chính quyền.
Hải Phòng đã phạm một sai lầm lớn trong việc bảo vệ hình ảnh của chính quyền trong mắt người dân khi huy động cả một đạo quân hùng hậu chỉ để cưỡng chế thu hồi đất của một gia đình người dân, với vài nhân khẩu.
Mong cho việc đình chỉ và yêu cầu kiểm điểm của Hải Phòng lần này không chỉ để trấn an dư luận. Bởi như vậy, lòng tin vào sự công chính của chính quyền mới được khôi phục thật sự.
Đào Tuấn