Một thân gầy chăm chồng liệt, chị Trang từng có ý định buông xuôi, "ra đi cùng anh", nhưng tình yêu vẫn níu chị lại. Ngoài vợ và thỉnh thoảng là mẹ, anh Trung cũng không còn được người thân nào quan tâm. Ảnh: Nhật Minh.
Trong phòng trọ nhỏ ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, chị Nguyễn Thị Thu Trang (39 tuổi) chậm rãi bón từng thìa cơm cho người đàn ông đang ngồi dựa vắt vẻo trên ghế, đó là anh Nguyễn Văn Trung, chồng chị, cũng 39 tuổi. Xong bữa, chị bặm môi, dùng hết sức xốc anh lên giường nằm. Đôi chân thẳng đuỗn của anh khiến chị vất vả xoay trở. Mất vài phút, mướt mồ hôi mới xong, chị thở phào, tay vơ gọn mấy sợi tóc đang lòa xòa trước gương mặt khắc khổ.
Nguyễn Văn Trung quê ở Yên Bái, học hết cấp 3 anh vào học chụp ảnh tại một tiệm cưới ở Việt Trì, Phú Thọ. Ở đây, anh quen và yêu Trang, cô thu ngân xinh xắn của tiệm. Sau gần một năm tìm hiểu, họ về chung một nhà, năm 2009.
Cuộc sống bình yên của cặp vợ chồng son chỉ vỏn vẹn 3 tháng. Trong một lần đến đón vợ sau giờ làm, Trung bị một người đàn ông ngoại quốc đi ôtô đâm trúng, gây chấn thương sọ não. Từ đó, Trang bắt đầu chuỗi ngày ở viện nuôi chồng.
Vợ chồng chị Trang cưới nhau cách đây 10 năm, quen nhau khi cùng làm tại một tiệm ảnh cưới tại Phú Thọ. Thu Trang.
Hết điều trị ở Phú Thọ, lại ở quê nhà Yên Bái, Trung vẫn không thể vận động, gần như vô thức. Một năm sau, người gây tai nạn tài trợ chi phí để Trang đưa chồng xuống Hà Nội chữa bệnh. Châm cứu 4 tháng, Trung cử động được tay trái và nói được vài từ. Tuy nhiên, do không có kinh phí chữa thường xuyên, hai năm nay, Trang hiếm khi thấy chồng bật ra tiếng.
"Người gây tai nạn cho anh chi trả mọi chi phí khi chồng tôi nằm viện nên anh mới sống được đến giờ. Ông bảo chúng tôi đến chỗ ông làm việc, sẽ được lo chỗ làm, chỗ ăn ở, nhưng tôi thấy mình làm thế có khác gì ăn vạ nên không đồng ý", chị tâm sự.
Rời viện, ở quê không có việc làm, Trang ở lại Hà Nội bán nước, bán ngô nướng, ngô luộc nuôi chồng. Hiện tại, chị là công nhân của một công ty tại huyện Thanh Trì, có mức thu nhập 4,5 triệu đồng/tháng.
Thỉnh thoảng, chị nhận được khoản tiền nhỏ do bà Bình, mẹ chồng gửi xuống, góp thêm tiền bỉm sữa cho con trai. "Vợ chồng nó không con cái nhưng tính đến nay là 9 năm Trang một mình chăm sóc con trai tôi rồi. Tấm lòng của nó rất đáng trân trọng, đáng ghi ơn", người phụ nữ tuổi 67 nói. Bị thoái hóa cột sống nên từ ngày các con xuống Hà Nội, bà chưa một lần gặp con trai.
Ở Hà Nội từng ấy năm, Trang mới về quê một lần khi ông ngoại qua đời. Hôm ấy, người vợ gửi chồng cho hàng xóm. Sợ anh buổi tối phải ngủ một mình, gần sáng chị bắt xe về, chịu tang xong chiều đi luôn. "9 năm rồi, tôi có biết cái Tết quê thế nào đâu", Trang nói, nước mắt lặng lẽ chảy.
Mỗi buổi sáng, chị thức dậy lúc 5 giờ, rướn thân hình chỉ nặng 35kg của mình lật chồng nằm sấp lại, xoa bóp khắp cơ thể anh cho khí huyết lưu thông. Sau đó, chị xốc nách anh kéo lê lại ghế ngồi chơi cho tỉnh táo.
"Hồi còn con gái tôi cũng xinh xắn, có da có thịt lắm chứ, giờ mới tong teo xấu xí thế này thôi", Trang giơ cánh tay gân guốc lên, giọng nửa đùa, nửa thật. Nói xong, chị lại quay lại trêu chồng: "Mai này Trung khỏe, Trung chê vợ già, vợ xấu rồi bỏ đi với cô khác đấy nhỉ!". Anh chồng nghiêng đầu về phía vợ cười.
Miệng nói, tay chị với gối kê đầu, kê chân cho anh. Vệ sinh, cho chồng ăn sáng xong chị mới quay ra cắm cơm, thay đồ. Nhìn đồng hồ đã 7 giờ, Trang lấy hai tay vỗ yêu vào má Trung: "Ở nhà ngoan nhé, có khát nước nhớ kêu to lên để các cô phòng bên biết còn giúp. Vợ đi làm, trưa lại về nha!". Trung nhìn vợ, mắt sáng lên, cười hề hề.
Được nghỉ một tiếng rưỡi buổi trưa, bất kể nắng mưa, chị vội vã lao xe hơn 10 km từ chỗ làm về nhà, lo cơm nước, đút cho chồng ăn.
"Con nhỏ hoàn cảnh vậy nhưng tánh khí vui vẻ lắm. Nó kiên nhẫn chăm chồng, nhưng có bữa nó vừa bón vừa dụ mà thằng chồng không ăn. Phải nghỉ làm, bực quá, nó òa lên khóc, mấy tui phải qua động viên", bà Nguyễn Thị Giàu (62 tuổi, quê An Giang, ở phòng trọ kế bên) kể.
Điều khiến người vợ khổ tâm là dù bị liệt, không nói được nhưng chồng chị vẫn hiểu hoàn cảnh của mình. "Ở ngoài mọi người nói chuyện về tình trạng của anh, tưởng chồng tôi không hiểu, nhưng trong phòng, nghe được, nước mắt anh cứ chảy dài", Trang tâm sự.
Chị kể, ngày còn yêu nhau, anh Trung luôn quan tâm, săn sóc bạn gái. Đợt chị nằm viện vì mổ ruột thừa, anh chăm lo từng chút một, bưng bô đổ phế thải cho chị. "Hồi còn khỏe anh chiều tôi lắm, toàn bị vợ bắt nạt thôi. Thế nên bây giờ, nằm một chỗ nhìn vợ vật lộn với cuộc sống, tôi biết chồng mình cũng đau lắm", giọng Trang nghèn nghẹn. Vì cái nghĩa ấy, nên những đợt Trung sốt, hay lở loét vì nằm nhiều, chị không nề hà thức canh ngày đêm lau rửa, giã thuốc đắp cho anh.
Ngày Trung gặp nạn, bạn bè, đồng nghiệp thỉnh thoảng thăm nom, nhưng lâu dần, bận với mưu sinh, những chuyến thăm hỏi ít dần. Nhiều lần bạn anh nhắn tin hỏi thăm, chị muốn mời họ đến chơi với chồng, nhưng ngại mọi người phải quà cáp, nên lại thôi.
Cuộc sống của hai người không phải lúc nào cũng chỉ có đối thoại một chiều. Có buổi tối, Trang mở phim hài trên điện thoại lên xem, Trung bật cười thành tiếng khiến vợ cũng cười theo. "Tôi hỏi anh có thương vợ không, lâu lâu anh 'có' rõ to, hoặc gật đầu", Trang kể, mắt ánh lên niềm vui hiếm hoi.
Thỉnh thoảng, trong lúc gội đầu cho chồng, chị bật nhạc bolero để cả hai cùng nghe. Trang hay hát theo ca sĩ còn Trung nhấp nhấp những ngón tay còn cử động được. Ở nhà trọ cũ, 4 chậu hoa hồng, hoa mười giờ của chị lúc nào cũng khoe sắc. Tưới tắm, hít hà hương hoa là thú vui giúp chị khuây khỏa nỗi cô đơn.
Bữa trưa cơm đạm bạc của chị Trang thường được cắm từ sáng sớm. Thỉnh thoảng, vì bận cho chồng ăn, chị ăn tạm bánh mì hoặc xin thêm ít đậu hoặc rau của hàng xóm. Ảnh: Nhật Minh.
Đầu tháng 6 vừa qua, vợ chồng Trang được một chủ nhà trọ ở quận Hoàng Mai đón về ở, chỉ thu tiền phòng 500 nghìn đồng mỗi tháng, bằng 1/3 bình thường. "Tôi nể tấm lòng của Trang dành cho chồng nó. Nhìn cách Trang chăm sóc cậu ấy, tôi biết nó rất thật lòng. Giúp được các cháu điều gì, tôi đều sẽ sẵn lòng", người chủ trọ tên Hòa nói.
Trang cho biết, không phải lúc nào chị cũng may mắn gặp được chủ trọ tốt bụng như vậy. Trong 9 năm nuôi chồng ở Hà Nội, chị phải chuyển nhà trọ 5 lần, vì mỗi lần lên cơn đau, anh Trung lại hò hét, phiền đến hàng xóm. Những phòng may mắn được thuê đa phần đều là phòng ở tầng trên cùng, hè nắng hầm hập, đông lạnh cắt da. Trang đi làm, Trung nhiều lần bị chuột mò vào cắn chảy máu chân.
Từng có ý định để hai vợ chồng "đi cùng nhau một thể", nhưng chị không đủ dũng khí tự tay chấm dứt cuộc đời anh. Giờ đây, mơ ước duy nhất của chị là anh có thể tập tễnh đi trong nhà hoặc nói được đôi ba câu, để những lúc anh đói hay mệt, chị có thể hiểu mà chiều chồng.