Dân Việt

Đất Xanh và màn “qua mặt” chính quyền tại dự án Opal Boulevard

Văn Dũng 07/07/2019 09:07 GMT+7
Tự ý đổi tên dự án, chưa lập hồ sơ đánh giá tác động môi trường, thế nhưng Đất Xanh Group đã có màn “qua mặt” chính quyền để “xé rào” mở bán, huy động vốn tại dự án Opal Boulevard trái phép.

Cú “nhấn ga” qua mặt chính quyền 

Như Dân Việt đã phản ánh, dự án Opal Boulevard toạ lạc tại đường Kha Vạn Cân, thuộc KP Bình Đường 2, phường An Bình, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương do Công ty Cổ phần Đầu tư – Kinh doanh Bất động sản Hà An (công ty con của Đất Xanh Group) làm chủ đầu tư được Đất Xanh Group “xé rào” mở bán khi chưa được cơ quan chức năng cho phép, bên trong dự án chỉ là bãi đầm lầy ngập nước chưa có dấu hiệu làm phần hầm móng.

Theo hồ sơ Dân Việt hiện có, Công ty Cổ phần Đầu tư – Kinh doanh Bất động sản Hà An (Công ty BĐS Hà An, thành viên của Đất Xanh Group) được Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (Đất Xanh Group) lập ra và góp 99,99% cổ phần.

Ngày 5/11/2018, Đất Xanh Group có văn bản gửi Uỷ ban chứng khoán nhà nước và Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM với nội dung công bố thông tin: Nghị quyết hội đồng quản trị thông qua việc góp thêm vốn để tăng vốn điều lệ tại Công ty Cổ phần đầu tư kinh doanh Bất động sản Hà An.Trước đó, ngày 13/8/2018 theo Nghị quyết hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh thông qua việc nhận chuyển nhượng của Công ty Cổ phần đầu tư kinh doanh Bất động sản Hà An do ông Trần Công Luận đại diện toàn bộ phần vốn góp của Đất Xanh Group tại Công ty Cổ phần đầu tư kinh doanh Bất động sản Hà An.

Ngày 18/3/2019, Công ty BĐS Hà An được UBND tỉnh Bình Dương cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án khu căn hộ - thương mại dịch vụ cao tầng đường Kha Vạn Cân tại phường An Bình, thị xã Dĩ An, có nêu rõ thời gian thực hiện dự án đến 18/3/2069.

Tuy nhiên, Công ty Hà An đã tự ý đặt tên dự án là Opal Boulevard mà chưa xin phép đặt tên thương mại với Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương.

img

Đất Xanh Group đã qua mặt chính quyền khi tự ý đổi tên dự án thành Opal Boulevard. Ảnh: V.D

Đại diện Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cũng khẳng định, trên địa bàn tỉnh không có dự án nào mang tên Opal Boulevard và cũng không cấp chủ trương cho dự án nào có tên như vậy.

Dự án Opal Boulevard được Đất Xanh Group quảng cáo có quy 2 block, 35 tầng với khoảng 1.500 căn hộ cao cấp bậc nhất toạ lạc trên đại lộ Phạm Văn Đồng, một trong những đại lộ đẹp nhất TP.HCM.

Liên hệ với nhân viên kinh doanh của Đất Xanh Group, chúng tôi được nhân viên tư vấn: “Hiện dự án Opal Boulevard đã mở bán 2 đợt, đợt 1 bán block B ngày 19/5, đợt 2 bán block A ngày 23/6. Giờ cháy hàng chỉ còn mua lại với giá chênh lệch 50 triệu đến 70 triệu tùy tầng và tùy view.

Hiện tại, khách hàng đã đặt cọc cho chủ đầu tư 200 triệu nên nếu giờ anh chị muốn mua lại thì đóng trước 50 triệu sau 5 đến 7 ngày công chứng thì đóng thêm 150 triệu và tiền chênh lệch. Và trong vòng 12 tháng sau khi nhận nhà sẽ ra sổ hồng và thời hạn sở hữu là vĩnh viễn”.

Theo nhân viên này, hiện dự án Opal Boulevard đang đóng cọc làm móng vì đây là dự án có tiếng ở quận Thủ Đức, TP.HCM (Thực tế dự án này nằm ở tỉnh Bình Dương, nhưng nhân viên cố tình "mập mờ" thông tin-PV).

Tuy nhiên, trái với những lời quảng cáo “có cánh” của nhân viên Đất Xanh Group, chúng tôi ghi nhận thực tế dự án Opal Boulevard hiện nay vẫn còn bãi trống. Cụ thể, dự án này thì bên ngoài được rào chắn sơ sài; bên trong thiết bị nằm ngổn ngang, chưa biết bao giờ thi công xong phần móng (theo lời nhân viên Đất Xanh Group là khoảng tháng 3/2020 sẽ xong móng –PV).

img

Bên trong công trường dự án Opal Boulevard chỉ là bãi đầm lầy, chưa có dấu hiệu thi công phần móng. Ảnh: V.D

Liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương, chúng tôi được đại diện Sở cho biết, chủ đầu tư dự án Opal Boulevard hiện nay chưa lập hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Như vậy, có thể thấy ngoài việc “xé rào” mở bán trái phép dự án Opal Boulevard khi chưa thi công phần móng, chưa được cơ quan chức năng cho phép. Đất Xanh Group còn cố tình qua mặt nhà chức trách, coi thường pháp luật khi ngang nhiên tự đổi tên dự án trái với Khoản 3 Điều 19 Luật Nhà ở.

Đất Xanh nói gì khi “xé rào” tại dự án Opal Boulevard?

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Dân Việt, đại diện truyền thông Đất Xanh Group cho biết: “Bất kỳ dự án nào, Đất Xanh và các chủ đầu tư cũng sử dụng tên thương mại để làm đẹp dự án khi chạy marketing. Đồng thời, Đất Xanh đã đăng ký đầy đủ tên (tên gốc và tên thương mại và logo cho dự án). Đây được xem là 2 yếu tố cốt lõi và đặc biệt là đơn vị không bị Sở Công thương phạt”.

Về vấn đề huy động vốn trái phép, đại diện Đất Xanh Group này khẳng định: “Chúng tôi chưa hề nhận cọc mà chỉ khảo sát mức độ quan tâm của khách hàng thiện chí cho dự án này mà thôi".

Tuy nhiên, theo tài liệu Dân Việt có được thì trong tháng 5/2019, phía Đất Xanh Group đã nhận tiền của nhiều khách hàng thông qua biên bản ghi nhớ, người đại diện ký tên và con dấu là của Công ty Cổ Phần Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh.

Trong biên bản này, thì bên A sẽ cho bên B ưu tiên được mua căn hộ/sản phẩm… Sau đó các bên sẽ tiếp túc ký biên bản thoả thuận. Đầu tháng 5/2019 vừa qua, ngoài số tiền 50 triệu đồng thì người dân phải đóng tiếp cho chủ đầu tư số tiền 150 triệu đồng.

Mặc dù đã nhận tiền từ khách hàng, thế nhưng đại diện Đất Xanh Group cho rằng chỉ là khảo sát mức độ quan tâm. Vậy số tiền lớn đã nhận từ nhiều khách hàng đã đi đâu và về tay ai?

Trong 1 năm gần đây, Đất Xanh Group là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản được biết đến với nhiều bê bối khi liên tục dính vào những vụ việc khá ồn ào, tai tiếng với khách hàng.

Cụ thể, dự án Gem Riverside do Đất Xanh Group làm chủ đầu tư, nhiều khách hàng đã bỏ ra số tiền 200 - 250 triệu đồng cho cái gọi là “phiếu giữ chỗ” mua căn hộ từ nửa đầu năm 2018. Đến nay, đã gần 2 năm trôi qua, dự án này vẫn chưa hề có động thái xây dựng vì liên quan nhiều đến vấn đề pháp lý.

Tương tự, dự án Gold Hill cũng của Đất Xanh Group làm chủ đầu tư tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Khách hàng mua đất nền tại dự án này suốt nhiều năm nhưng không được cấp sổ.

Quá bức xúc, nhiều khách hàng đã kéo đến trụ sở của Tập đoàn Đất Xanh tại số 25W đường Ung Văn Khiêm, quận Bình Thạnh, TP.HCM để căng băng rôn tố cáo và đòi quyền lợi chính đáng. Nhưng đến nay quyền lợi của các khách hàng vẫn chưa được đáp ứng.

Luật sư Lê Văn Hoan - Đoàn luật sư TP.HCM cho biết: “Việc huy động vốn của chủ đầu tư và đơn vị phát triển dự án đang tạo ra những rủi ro rất lớn cho các khách hàng.

Cụ thể, Theo Điều 55, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi năm 2014, điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh là có giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải có giấy phép xây dựng; giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án; trường hợp là nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp có mục đích để ở hình thành trong tương lai thì phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà đó”.

“Bên cạnh đó, theo Điều 19 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật nhà ở quy định: Chủ đầu tư không được áp dụng hình thức huy động vốn để phân chia sản phẩm nhà ở hoặc để ưu tiên đăng ký, đặt cọc, hưởng quyền mua nhà ở hoặc để phân chia quyền sử dụng đất trong dự án cho bên được huy động vốn, trừ trường hợp góp vốn thành lập pháp nhân mới để được Nhà nước giao làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở".

Ngoài ra, Nghị định 76/2015/NĐ-CP và Nghị định 99/2011/NĐ-CP về hợp đồng mẫu bảo vệ người tiêu dùng thì trong lĩnh vực mua bán căn hộ hình thành trong tương lai, chủ đầu tư chỉ được bán khi nào hình thành xong phần móng và phải có quyết định đồng ý cho bán của sở xây dựng. Trước thời điểm hình thành xong phần móng, chủ đầu tư không được thu bất kỳ khoản tiền nào ngoài tiền hợp đồng hợp tác kinh doanh chia lợi với cả dự án. Việc làm huy động vốn của chủ đầu tư và đơn vị phát triển dự án đang tạo ra những rủi ro rất lớn cho các khách hàng”, luật sư Hoan cho biết.