"Siêu tàu dầu" Grace 1 bị "cầm chân" ngoài khơi Gibraltar hôm thứ Năm 4/7.
"Nếu Anh không thả tàu dầu của Iran, chính quyền Tehran có nghĩa vụ bắt một tàu dầu của Anh", thiếu tướng Mohsen Rezai, chỉ huy cấp cao của lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran cảnh báo ngày 5/7, đề cập tới vụ cảnh sát biển Gibraltar, vùng lãnh thổ hải ngoại của Anh, bắt tàu dầu MT Grace 1 của Iran vào sáng 4/7 dưới sự hỗ trợ của thủy quân lục chiến Anh.
"Suốt lịch sử 40 năm của mình, Cộng hòa Hồi giáo Iran chưa từng châm ngòi thù địch trong bất cứ cuộc chiến nào, nhưng cũng không bao giờ do dự khi đối phó với những kẻ bắt nạt", tướng Rezai nhấn mạnh thêm.
Chính quyền Gibraltar cáo buộc, tàu Grace 1 vận chuyển dầu thô tới nhà máy lọc dầu Banyas ở Syria, vốn đang chịu lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, Iran coi đây là hành động bất hợp pháp và khẳng định tàu của họ đang chở dầu thô tới cảng Basra của Iraq, đồng thời triệu đại sứ Anh để phản đối.
Sự việc xảy ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Tehran và Washington leo thang sau các vụ tấn công tàu dầu trên vịnh Oman, vụ Iran bắn rơi trinh sát cơ không người lái của Mỹ gần eo biển Hormuz và tranh cãi về chương trình hạt nhân của Iran. Tehran cho rằng vụ bắt tàu Grace 1 là "một hình thức cướp biển, chứng tỏ London đang hùa theo chính sách thù địch của Washington".
"Siêu tàu chở dầu" MT Grace 1 dài 330 m, trọng tải 300.000 tấn, từng bị nghi ngờ dùng để chuyển dầu thô từ Iran tới Singapore và Trung Quốc, bất chấp lệnh trừng phạt đơn phương của Washington với Tehran. Con tàu treo cờ Panama, do công ty IShips Management, có trụ sở tại Singapore, quản lý.
EU từ cuối năm 2011 áp lệnh trừng phạt đối với Syria do xung đột ở nước này, áp dụng với ngành sản xuất dầu mỏ và hoạt động đầu tư cùng khoảng 227 quan chức. Lệnh trừng phạt này cho phép các thành viên EU bắt giữ phương tiện, truy tố, phạt tiền và phạt tù những cá nhân vi phạm các điều khoản cấm vận.