Nguồn tin của Thanh Niên cho biết, chiều nay (6/7), C01 sẽ di lý bị can Lê Tấn Hùng ra Hà Nội để phục vụ công tác điều tra.
Sáng 6/7, lực lượng chức năng đã khám xét nhà riêng của bị can Lê Tấn Hùng (ảnh nhỏ) và di lý ra Hà Nội để phục vụ công tác điều tra vào chiều cùng ngày. Ảnh: Ngọc Dương - BCA
Theo nguồn tin của PV Thanh Niên, ngay sau khi thực hiện xong các thủ tục tố tụng, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (C01) - Bộ Công an sẽ di lý bị can Lê Tấn Hùng, nguyên Tổng giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn - TNHH Một thành viên (SAGRI) ra Hà Nội để phục vụ cho công tác điều tra.
Trao đổi với Thanh Niên, đầu giờ chiều 6/7, một lãnh đạo C01 cho biết, lực lượng chức năng vẫn đang thi hành lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc của các bị can Lê Tấn Hùng và Nguyễn Thành Mỹ, nguyên Phó trưởng phòng Kế hoạch đầu tư SAGRI. Bị can Lê Tấn Hùng và Nguyễn Thành Mỹ cùng bị bắt tạm giam 4 tháng để điều tra về hành vi "Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí" theo Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo ghi nhận của nhóm PV Thanh Niên, từ sáng đến trưa 6/7, C01 và Viện kiểm sát đã tiến hành khám xét nơi ở của ông Lê Tấn Hùng tại đường Trương Định, Q.3 (TP.HCM). Việc khám xét diễn ra vài giờ đồng hồ. Sau khi khám xét, cơ quan công an đã thu giữ được một số tài liệu liên quan đến vụ án xảy ra tại SAGRI. Hiện C01 đang tiến hành điều tra, làm rõ sai phạm của một số người liên quan trong vụ án này.
Thông tin ban đầu, ngoài “khoản ký khống hợp đồng hơn 13 tỉ đồng”, bị can Lê Tấn Hùng còn được xác định có trách nhiệm trong các vi phạm về quản lý tài chính, đất đai, dự án... thời kỳ liên quan tại SAGRI.
Thanh tra TP.HCM từng có nhiều kết luận về những sai phạm tại SAGRI. Trong nhiều sai phạm về tài chính, cơ quan thanh tra xác định vào thời điểm từ ngày 3.10 - 1.11.2016, Tổng giám đốc SAGRI, mà cụ thể là ông Lê Tấn Hùng, đã ký 10 hợp đồng với Công ty CP du lịch Thanh niên xung phong và Công ty TNHH thương mại dịch vụ lữ hành Hòa Bình Quốc Tế về việc tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài với tổng giá trị hơn 13 tỉ đồng.
Qua thanh tra toàn diện, Thanh tra TP còn phát hiện hoạt động đầu tư vốn của SAGRI hiệu quả không cao, một số khoản đầu tư tài chính dài hạn không hiệu quả, thua lỗ kéo dài, phải ngưng hoạt động dẫn đến vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp (thuộc SAGRI, hoặc SAGRI có liên doanh, liên kết) bị tổn thất (18/28 đơn vị không lãi). Tính đến ngày 31.12.2016, với tổng vốn đầu tư đã chi ra hơn 1.070 tỉ đồng, nhưng lợi nhuận SAGRI thu về năm 2015 chỉ hơn 53 tỉ đồng (đạt 4,97% tổng vốn đầu tư), năm 2016 chỉ hơn 33 tỉ đồng (đạt 3,15% tổng vốn đầu tư).
Ngoài ra, nhiều dự án liên quan đến quỹ đất công sản “khủng” (lên đến khoảng 1.900 ha) do SAGRI thực hiện có sai sót, chuyển nhượng đất dự án “giá bèo”, trái luật, nguy cơ gây thất thoát...