Ngày 6/7, ông Lê Trí Thanh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay, địa phương đã lên kế hoạch bảo vệ nghiêm ngặt diện tích sâm ba kích tự nhiên lớn nhất trên địa bàn.
"Diện tích sâm ba kích này nằm trong rừng phòng hộ Đắk Mi và mới được phát hiện khoảng 2 năm trở lại đây. Nhiệm vụ bước đầu của chúng tôi là khoanh vùng, xác lập thành khu bảo tồn gen ba kích đặc hữu của Quảng Nam", ông Thanh nói và thông tin thêm, tỉnh sẽ nhân giống để mở rộng vùng trồng tại các khu rừng đặc dụng, phòng hộ có điều kiện tự nhiên tương tự Đắk Mi.
Thời gian tới, cây giống ba kích sẽ được cấp về cho các đội bảo vệ rừng chuyên trách để trồng tại khu vực đơn vị quản lý; giống cũng được cấp cho cộng đồng dân cư được giao khoán bảo vệ rừng, qua đó người dân tự tổ chức trồng và phát triển thương mại.
"Ba kích tím giá bán ngoài thị trường 400.000 đến 500.000 đồng mỗi kg, nếu quản lý lỏng lẻo sẽ bị đào trộm", ông Thanh nói thêm.
Rừng phòng hộ Đắk Mi, nơi có ba kích tím sinh trưởng, phát triển. Ảnh: Sơn Thủy.
Từ lòng thủy điện Đắk Mi 4 (huyện Phước Sơn, Quảng Nam), phải đi thuyền hơn một giờ và cuốc bộ lên núi khoảng 30 phút mới đến khu vực sâm ba kích mọc dưới tán rừng nguyên sinh. Tại đây, những cây ba kích vươn mình leo lên cây thân gỗ cao hàng chục mét với màu lá xanh biếc.
Theo cán bộ kiểm lâm, mỗi gốc ba kích thường có bộ rễ chùm dài khoảng 50 m bám sâu vào lòng đất; đoạn lớn nhất bằng ngón tay, có màu vàng nhạt.
Năm 2017, một thành viên của tổ bảo vệ rừng phát hiện quần thể cây ba kích tím tự nhiên dưới tán rừng. Anh này trình báo cho cơ quan chức năng và thông tin này khiến mọi người đều bất ngờ. Nhà chức trách sau đó xác định ba kích phân bố trên diện tích hơn 1.000 ha; đưa một số mẫu đi kiểm tra thì cho kết quả chất lượng tốt.
"Số cây ba kích nhiều không đếm hết vì nằm rải rác trải rộng trong rừng, chúng tôi chỉ ghi nhận các khu vực mọc nhiều hoặc mọc ít", anh Huỳnh Đức Vũ, cán bộ ban quản lý rừng phòng hộ Đăk Mi nói.
Cán bộ kiểm lâm kiểm tra một cây ba kích mọc trong rừng. Ảnh: Sơn Thủy.
Tháng 6/2018, chính quyền huyện Phước Sơn đầu tư 300 triệu đồng xây dựng chốt bảo vệ trong rừng để cán bộ kiểm lâm thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Đắk Mi bám trụ. Tại đây có 4 người ngày đêm canh giữ rừng ba kích cũng như chống khai thác gỗ trái phép. Ngoài ra một phần diện tích khu rừng được giao khoán cho người dân quản lý.
"Mỗi ngày, kiểm lâm đi thuyền quanh lòng hồ và luồn sâu vào rừng để tuần tra", ông Nguyễn Văn Tình - Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Đăk Mi nói.
Theo ông Tình, cùng với bảo vệ rừng, kiểm lâm cũng đang bảo tồn, nhân giống ba kích; cây con được đưa về khu vực có rào lưới sắt để trồng và nhân giống.
Một củ ba kích ở trong rừng. Ảnh: Sơn Thủy.
Sâm ba kích thuộc loại dây leo có thể nhân giống bằng thân, dây bám vào những cây nhỏ nên không ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ sinh thái rừng. "Chúng tôi đang thuê đơn vị tư vấn lập đề án bảo vệ và bảo tồn loại dược liệu này", ông Tình nói.
Ông Nguyễn Quảng, Phó chủ tịch UBND huyện Phước Sơn chia sẻ, "hy vọng việc nhân giống, mở rộng diện tích trồng ba kích tím sẽ thành công, mang lại giá trị kinh tế cao giúp người dân địa phương xóa đói, giảm nghèo".
Ba kích còn có tên là sâm ba kích, dây ruột gà, ba kích thiên... có tên khoa học Morinda officinalis stow, họ cà phê. Cây ba kích leo bằng thân quấn, sống nhiều năm, có hai loại là ba kích trắng và ba kích tím.
Theo một số tài liệu, ba kích là vị thuốc có thể chữa phong thấp, bổ trí não và tinh khí, chữa di mộng tinh, phụ nữ kinh nguyệt không đều...