Chủ tịch Hà Giang: không ‘vùng cấm’, xử lý cả bố mẹ là cán bộ có con được nâng điểm
Phó bí thư Tỉnh ủy - chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh: Tỉnh sẽ xử lý đến cùng những cá nhân liên quan và không có "vùng cấm" trong vụ gian lận thi cử tại địa phương này.
Trước đó, ngày 6/7, tại cuộc làm việc của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Tổ chức trung ương Phạm Minh Chính với Ban thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang sau khi kiện toàn nhân sự, ông Nguyễn Văn Sơn - phó bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang - nhấn mạnh: Tỉnh ủy kiên quyết xử lý những cán bộ, đảng viên có con được nâng điểm trong vụ gian lận thi cử năm 2018.
Cụ thể, theo ông Sơn, đối với những cán bộ, đảng viên liên quan thuộc diện Ban thường vụ Tỉnh ủy quản lý thì Ban thường vụ xử lý. Những cán bộ, đảng viên liên quan thuộc diện Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang quản lý thì Ban chấp hành xử lý.
Riêng đối với những trường hợp bố mẹ của thí sinh được nâng điểm là cán bộ bình thường thuộc các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Hà Giang, các cơ quan, đơn vị này cũng phải có trách nhiệm xử lý.
"Tinh thần là xử lý đến cùng, không có vùng cấm", ông Sơn nhấn mạnh điều này.
Được biết, trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 vừa qua, ông Nguyễn Văn Sơn là chủ tịch UBND tỉnh duy nhất trên cả nước kiêm luôn nhiệm vụ trưởng Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia (các tỉnh khác đều do một phó chủ tịch tỉnh, thành đảm nhiệm công việc này). Điều đó cho thấy tỉnh Hà Giang đã đặc biệt coi trọng công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia kể từ sau "sự cố" năm 2018.
Công an tỉnh Hà Giang đã xác định có 210 bố, mẹ của 107 thí sinh (có 2 thí sinh cùng chung bố mẹ, 2 thí sinh có bố đã mất) hiện đang sinh sống, làm việc trong các cơ quan, ban, ngành sự nghiệp, đơn vị kinh doanh và làm nghề nông nghiệp, kinh doanh, lao động tự do… tại tỉnh Hà Giang và tỉnh khác. Công an tỉnh Hà Giang đã đề nghị cơ quan có thẩm quyền có hình thức xử lý phù hợp tùy theo tính chất, mức độ đối với những phụ huynh có con được nâng điểm tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tỉnh Hà Giang. Tuy nhiên, đáng tiếc nhất là sau gần một năm trời điều tra, Công an tỉnh Hà Giang đã không làm rõ được việc bài thi của thí sinh T.T.M., con gái ông Triệu Tài Vinh (nguyên bí thư Tỉnh ủy, hiện là phó trưởng Ban Kinh tế trung ương), có nằm trong số 309 bài bị can thiệp nâng điểm hay không và ông Triệu Tài Vinh có hay không liên quan đến vụ việc này. Dự kiến trong tháng 7 này, vụ án gian lận thi cử tại Hà Giang sẽ được đưa ra xét xử với 5 bị cáo bị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang truy tố. Nguồn Tuổi trẻ |
Cựu phó chỉ huy quân sự phường bắn chết người tình lĩnh án chung thân
Tòa án Quân sự Quân khu V (tại Đà Nẵng) đã mở phiên xét xử Bùi Chí Hiếu (33 tuổi, ngụ thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) về tội Giết người và Chiếm đoạt, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng.
Theo cáo trạng, Hiếu (nguyên Phó ban chỉ huy quân sự phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa) đã có gia đình. Quá trình làm việc, bị cáo có quan hệ tình cảm với chị Kpă H’ven, Phó chủ tịch HĐND phường Đoàn Kết.
Bị cáo Hiếu tại tòa. Ảnh: Zing
Đầu tháng 12/2018, Hiếu phát hiện người yêu có tình cảm với người khác nên ghen tức. Thời điểm này, chị H’ven đề nghị Hiếu chấm dứt mối quan hệ nên bị cáo nảy sinh ý định giết người tình.
Khoảng 7h ngày 3/12/2018, Hiếu đến phòng làm việc của Chỉ huy trưởng quân sự phường Đoàn Kết, phá khóa tủ lấy 2 khẩu súng trường M1 Garand và 16 viên đạn.
Sau đó anh ta mang vũ khí đến UBND phường Đoàn Kết. Thấy chị H’ven từ trong đi ra, Hiếu bắn 2 phát nhưng không trúng. Nạn nhân bị Hiếu khống chế, đưa vào hội trường. Bị cáo này bắn 3 phát vào đầu, ngực người tình.
Sau khi bắn chết chị H'ven, Hiếu dùng súng tự sát nhưng không chết và được mọi người đưa đi cấp cứu.
HĐXX tuyên phạt Hiếu án chung thân tội Giết người và 4 năm tù về tội Chiếm đoạt, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng. Tổng cộng mức phạt dành cho bị cáo là tù chung thân.
Nhiều phụ nữ hoảng loạn khi trở về từ Trung Quốc
Những lúc tỉnh táo, cô Mơ cho biết những địa chỉ gia đình còn trong trí nhớ .Ảnh: Tiền phong
Trong vòng nửa tháng cuối tháng 6 vừa qua, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận 2 trường hợp phụ nữ bị lừa bán, lấy chồng Trung Quốc và bị đẩy đuổi qua đường mòn biên giới.
Cô Bùi Thị Mơ (SN 1993), trú tại ấp Bầu Thùng, xã Rạch Chèo, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau qua mai mối, lấy chồng người Quảng Tây (Trung Quốc) từ năm 20 tuổi. Sau khi sang bên kia biên giới sinh sống bị hắt hủi, đánh đập và gả bán nhiều lần dẫn đến tâm lý hoảng loạn, không còn biết đến quê hương, bản quán và không còn nói được tiếng Việt.
Ngày 22/5/2019, cô Mơ trở về Việt Nam và được Trung tâm Bảo trợ xã hội nuôi dưỡng, chăm sóc nhưng tinh thần hoảng loạn nhiều ngày.
Trước đó, cô Nguyễn Thị Hon (SN 1976), trú tại ấp Bửu Đông, xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu cũng trở về Việt Nam sau 22 năm bị lừa bán sang Trung Quốc. Cô trải qua quãng thời gian khổ ải, gian truân nơi đất khách quê người.
Thông qua mạng xã hội, các cô đã tìm được người thân. Ngày 3/7, cô Hon được đoàn tụ với gia đình. Còn cô Mơ đã gặp được cha ruột, hứa hẹn ngày đoàn viên trong một vài ngày tới.
Còn cô Hon may mắn đoàn tụ với người thân và trở về Bạc Liêu ngày 3/7 vừa qua .Ảnh: Tiền phong
Còn cô Hon may mắn đoàn tụ với người thân và trở về Bạc Liêu ngày 3/7 vừa qua .Ảnh: Theo báo cáo của Trung Tâm bảo trợ xã hội tỉnh Lạng Sơn, trong năm 2018, Trung tâm tiếp nhận 12 trường hợp phụ nữ, trẻ em bị bán sang Trung Quốc, 6 tháng đầu năm 2019 có 5 trường hợp. Đa số những người này đều hoảng loạn, mất trí nhớ và không còn biết đến tiếng mẹ đẻ.