Bà Trần Vân Hà – Trưởng phòng Thông tin truyền thông (Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTBXH) cho biết, hiện tại, có 2 loại lao động đặc định. Loại lao động “kỹ năng đặc định số 1” là những người có kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm nhất định và phải có trình độ tiếng nhật N4 để đáp ứng được ngay các công việc tại Nhật Bản. Thời hạn lưu trú tại Nhật Bản tối đa 5 năm, được phép thay đổi nơi làm việc (nhưng không được mang theo gia đình, vợ/chồng hoặc con cái).
Lao động “kỹ năng đặc định số 2” là những lao động trải qua “kỹ năng đặc định số 1” thi đỗ kỳ thi được xác định là có tính chuyên môn cao và có thể đáp ứng công việc đòi hỏi kỹ năng điêu luyện hơn. Hiện chỉ áp dụng cho 2 nghề là xây dựng và đóng tàu. Thời hạn lưu trú cho lao động này cũng được căn cứ theo thời gian hợp đồng. Tổng cục quản lý lưu trú xuất nhập cảnh sẽ gia hạn visa từ 1 đến 3 năm cho mỗi lần xin gia hạn. Lao động kỹ năng đặc định số 2 sẽ được mang theo gia đình trong thời gian làm việc tại Nhật Bản. Người lao động được hưởng các chế độ lao động, lương, bảo hiểm y tế... như với người bản địa.
Phía Nhật Bản dự kiến sẽ tiếp nhận lao động đặc định từ các quốc gia khác ở 14 ngành nghề. Cụ thể là: Xây dựng khoảng 40.000 người; nông nghiệp hơn 36.000 người; nhà hàng ăn uống 53.000 người; vệ sinh tòa nhà 37.000 người; đóng tàu 13.000 người; hộ lý chăm sóc người cao tuổi nhiều nhất với hơn 60.000 người...
Điều dưỡng người Việt Nam chăm sóc bệnh nhân tại Nhật Bản. (ảnh: Minh Nguyệt)
Trước thông tin lao động đi theo con đường môi giới, đi lao động đặc định, bà Vân hà cho rằng, lao động cần cảnh giác tránh rơi vào “bẫy lừa đảo” của công ty ma.
“Mặc dù vừa triển khai chương trình đưa lao động đặc định đi làm việc ở Nhật nhưng đã có một số công ty rục rịch tuyển lao động với lời giới thiệu mức lương cả 4.000-5.000 USD, kèm theo chế độ phúc lợi và được đem theo gia đình, vợ con theo. Tuy nhiên, chỉ có các công ty phái cử được Bộ LĐTBXH cấp phép mới có quyền thẩm định cấp phép cho lao động này đi làm việc tại Nhật Bản” – bà Vân Hà cảnh báo.
Cũng theo bà Hà, thực tập sinh kỹ năng là lao động phổ thông, đi làm việc theo diện thực tập chứ không phải là lao động chính thức nên chỉ được hưởng trợ cấp lương, các chế độ phúc lợi cũng rất hạn chế. Còn du học sinh tới Nhật Bản theo diện du học, hầu hết du học sinh phải đạt trình độ tiếng Nhật từ N3 –N4. Các du học sinh chỉ được làm thêm không quá 20 giờ 1/tuần. Việc đi làm thêm phải được cơ quan quản lý phía Nhật Bản chấp thuận. Cả thự tập sinh và du học sinh muốn chuyển đổi tư cách lưu trú sang lao động đặc định đều cần có thời gian thực tập, học tập và lưu trú ít nhất 2 năm trở lên tại Nhật Bản.
“Để tránh bị lừa đảo, người lao động phải nắm rõ những thông tin này, khi có thắc mắc có thể gọi tới Cục Quản lý lao động ngoài nước hoặc các trung tâm dịch vụ việc làm công tại Sở LĐTBXH các địa phương để được tư vấn, giới thiệu” – bà Hà hướng dẫn thêm.
Người lao động được đảm bảo quyền lợi Mong muốn được đi theo diện kỹ sư |