Khoảng 11h30 ngày 9/7, tổ tuần tra kiểm soát thuộc Đội Cảnh sát giao thông - trật tự thuộc Công an huyện An Lão, Hải Phòng trong quá trình làm nhiệm vụ trên tỉnh lộ 354 (đoạn qua qua địa bàn thôn Tân Nam, xã Mỹ Đức) phát hiện một nam thanh niên đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, chạy với tốc độ cao.
Nhận thấy tình huống đó có thể gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông nên Thượng úy Nguyễn Trọng Quý, cán bộ Đội CSGT - Trật tự, Công an huyện An Lão đã ra tín hiệu dừng xe máy để kiểm tra.
Tài xế không chấp hành hiệu lệnh mà lao thẳng vào cảnh sát giao thông, khiến CSGT bị hất văng xuống đường, bất tỉnh. Ảnh: Căt từ Cip
Tuy nhiên, nam thanh niên không chấp hành hiệu lệnh mà lao thẳng vào Thượng úy Quý khiến chiến sĩ cảnh sát giao thông bị hất văng xuống đường, bất tỉnh. Còn nam thanh niên điều khiển xe máy bị thương nhẹ.
Đối tượng được xác định là Đỗ Văn Thắng (16 tuổi), ở xã Thái Sơn, huyện An Lão Hiện tại, Thắng đang bị Công an huyên An lão tạm giữ để phục vụ công tác điều tra.
Hành vi tông thẳng vào CSGT đang làm nhiệm vụ của đối tượng có thể bị xử lý như thế nào?
Luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: “
Hành vi của người lái xe máy lao thẳng xe tốc độ cao vào CSGT, kể cả trong trường hợp cán bộ cảnh sát giao thông này không thiệt mạng cũng có thể bị khởi tố về tội giết người.
Qua clip cho thấy người này điều khiển phương tiện cơ giới với tốc độ rất cao, đường vắng, với khoảng cách đó hoàn toàn có thể quan sát được cảnh sát giao thông đang hiệu lệnh yêu cầu dừng xe.
Vì vậy, người này hoàn toàn có thể dừng xe để CSGT kiểm tra hành chính hoặc có thể tránh CSGT đang làm nhiệm vụ, nhưng người lái xe lại không thực hiện các thao tác để giảm tốc độ, tấp lề đường hoặc chuyển hướng mà lao thẳng vào CSGT đang ra hiệu lệnh dừng xe. Đây là một hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, hoàn toàn có thể tước đoạt tính mạng của người thi hành công vụ”.
Thượng úy Quý được đưa vào Bệnh viện Hữu nghị Việt - Tiệp (Hải Phòng) cấp cứu, điều trị. Ảnh Dân Việt
Luật sư phân tích thêm: “Hành vi sử dụng phương tiện giao thông (nguồn nguy hiểm cao độ) như một công cụ để trả thù hoặc công cụ để gây án, gây thương tích, tấn công người khác là tình tiết định tội về tội giết người hoặc các tình tiết tăng nặng hình phạt...
Để xác định các dấu hiệu cấu thành tội phạm, CQĐT cần làm rõ hành vi, nhận thức của người lái xe, hậu quả và các yếu tố khác, ví dụ như: Do thiếu hiểu biết pháp luật, hay sử dụng chất kích thích làm hạn chế khả năng nhận thức, hoặc do thái độ coi thường, bất chấp pháp luật. Trong trường hợp hành vi, hậu quả và các yếu tố khác đủ căn cứ xử lý về tội giết người thì cần khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tiến hành điều tra theo quy định pháp luật”.
Cũng theo luật sư, nếu bị xử lý về tội giết người (Với nhiều tình tiết định khung tăng nặng hình phạt như: Có tính chất côn đồ, dùng phương tiện nguy hiểm, vì lý do công vụ của nạn nhân...) đối tượng này phải đối diện với mức hình phạt hết sức nghiêm khắc theo quy định tại điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Ngoài ra, đối tượng phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra đối với nạn nhân theo quy định của bộ luật dân sự năm 2015 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, bồi thường thiệt hại do sức khỏe, tính mạng bị xâm hại...
"Được biết đối tượng lao thẳng xe vào cán bộ CSGT 16 tuổi, nhiều người đặt câu hỏi ở lứa tuổi này có phải chịu trách nhiệm hình sự chưa? Theo quy định pháp luật, đối tượng từ đủ 14 tuổi trở lên, thực hiện hành vi với lỗi cố ý thì đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, đủ điều kiện để xử lý hình sự.
Tuy nhiên, pháp luật cũng quy định, người chưa thành niên phạm tội bất kể hậu quả đến đâu hình phạt cao nhất không quá 18 năm tù. Nếu kết quả điều tra cho thấy đối tượng này sinh năm 2003 thì đủ tuổi để chịu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật" - Luật sư cho hay.
Điều 123. Tội giết người 1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Giết 2 người trở lên; b) Giết người dưới 16 tuổi; c) Giết phụ nữ mà biết là có thai; d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác; h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ; k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp; l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người; m) Thuê giết người hoặc giết người thuê; n) Có tính chất côn đồ; o) Có tổ chức; p) Tái phạm nguy hiểm; q) Vì động cơ đê hèn. 2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm. 3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. 4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ01 năm đến 5 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm. |