Dân Việt

Tranh luận ở nghị trường phải đổi mới từ đầu vào

23/02/2013 06:30 GMT+7
(Dân Việt) - Chỉ cần câu chốt “cái này Đảng đã quyết rồi” thì các đảng viên - ĐBQH sẽ phải biết dừng lại đúng lúc. Cho nên, đổi mới hoạt động Quốc hội phải đổi mới ngay từ “đầu vào” thì hoạt động Quốc hội mới khác được!

Nhân chuyện Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hoàng Hữu Phước viết bài tranh luận với ĐBQH Dương Trung Quốc về một số quan điểm bất đồng nhưng lại dùng nhiều từ ngữ mang tính bôi nhọ người khác, PV Báo NTNN đã có cuộc trao đổi với nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - luật sư Trần Quốc Thuận về những hạn chế trong hoạt động tranh luận trên diễn đàn Quốc hội Việt Nam hiện nay.

Thưa ông, vụ việc của ĐBQH Hoàng Hữu Phước cũng làm nảy sinh một thực tế là các ĐBQH của ta có quá ít điều kiện để tranh luận với nhau về một vấn đề, quan điểm nào đó cho đến tận cùng. Có thể do thời gian trên nghị trường bị hạn chế hoặc có thể do cơ chế điều hành của Quốc hội. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

- Với tư cách là người từng làm trong cơ quan giúp việc cho Quốc hội cũng như được đi nghiên cứu nhiều nước trên thế giới, tôi thấy mô hình Quốc hội của VN không giống với nhiều nước trên thế giới. Quốc hội của mình giống với mô hình một số nước như Trung Quốc, Triều Tiên, Lào… vừa mang tính thượng viện vừa mang tính hạ viện.

img
 Luật sư Trần Quốc Thuận

Cơ cấu Quốc hội của mình là cơ cấu dưới sự lãnh đạo hoàn toàn của Đảng. Còn Quốc hội các nước là của nhiều đảng. Vì thế, việc tranh luận của Quốc hội các nước là tranh luận về những quan điểm, chính kiến khác biệt để cuối cùng dẫn tới một sự đồng thuận, thỏa hiệp vì lợi ích chung của quốc gia. Quốc hội của mình họp chủ yếu vẫn là để thể chế hóa một nghị quyết của Đảng. Vì thế cho nên Quốc hội bàn chủ yếu là ở phương thức hoạt động, thực hiện chứ không bàn về chủ trương. Do đó, tranh luận của ĐBQH ở ta cũng chỉ là vấn đề kỹ thuật thôi!

Còn nếu nói về tranh luận thì đó là một công việc khoa học. Có tranh luận thì mới mổ xẻ, phân tích, tìm ra được những quyết sách tốt nhất. Hai người tranh luận thì phải có người nghe, có người giải quyết. Cuối cùng phải dẫn tới một cái thống nhất theo nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số. Dân chủ chính là thể hiện ở chỗ này, chứ tranh luận không phải là cãi vã, xúc phạm, bôi nhọ nhau.

Nhưng theo ông, hoạt động nghị trường cần cải tiến thế nào để khuyến khích tranh luận nhiều hơn nữa giữa các ĐBQH?

"Trong suốt 14 năm làm Quốc hội với vai trò tham mưu, chủ yếu tôi tham gia công tác xây dựng luật. Khi tranh luận về công tác xây dựng luật (thường báo chí không được dự) thì cũng có đập bàn đập ghế này nọ, gay gắt với nhau nhưng không hề có sự xúc phạm nhau. Cùng lắm thì cũng có vị bộ trưởng này nói với vị ĐB kia rằng những ý kiến như thế hiện nay không phù hợp, nên bỏ vào sọt rác... Như thời kỳ xây dựng Bộ luật Dân sự, cãi mãi tới 10 rưỡi, 11 giờ đêm chưa xong, vị điều hành khi đó “tức mình” đứng lên bảo, nếu mấy người cãi nhau không thống nhất được thì tôi về trước… Nhưng tất cả đó đều thể hiện cao điểm của lý lẽ, của khoa học khi chưa tìm được sự đồng thuận chứ không có chuyện xúc phạm nhau."
Luật sư Trần Quốc Thuận

- Đó là chủ trương của Quốc hội và Thường vụ Quốc hội. Nhưng đó còn là trên giấy, thực tế hiện nay tôi thấy, hoạt động tranh luận trên nghị trường Quốc hội vẫn chủ yếu phân bổ theo kiểu vùng miền: Hà Nội phát biểu, TP.HCM phát biểu, miền núi phát biểu, đồng bằng phát biểu, trung du phát biểu… Các phát biểu được cơ cấu theo kiểu vùng miền chứ không theo nội dung cuộc tranh luận. Thi thoảng cũng nảy ra một vài cuộc tranh luận nho nhỏ như tranh luận về Luật Biểu tình chẳng hạn…

Nhưng rõ ràng, những phát biểu liên quan tới tình hình kinh tế - xã hội, vấn đề quan trọng của quốc gia, thì Quốc hội vẫn điều hành theo kiểu vùng miền, ít có tranh luận, thời gian phát biểu của ĐB thì ít. Nhiều người muốn tranh luận thì đành phải “cướp diễn đàn”. Vì vậy ít vấn đề được xới xáo tới tận cùng.

Cái này phải phụ thuộc vào sự linh hoạt và nhạy bén của người điều hành. Anh phải đề nghị những ai còn phát biểu về lĩnh vực này thì nói luôn cho hết để các vấn đề cùng chủ đề được liền mạch. Chủ trương của Thường vụ Quốc hội thì khuyến khích tranh luận, nhưng điều hành lại theo kiểu vùng miền. Thế là mâu thuẫn.

img
Quốc hội cần tạo điều kiện hơn nữa để các ĐBQH tranh luận, thảo luận tới tận cùng vấn đề ngay trên nghị trường.

Hiện nay, tại các phiên thảo luận, đa phần các ý kiến được các ĐBQH chuẩn bị từ nhà đến đọc, ít khi thấy có phản ứng hay tranh luận tức thời trên nghị trường cho ra vấn đề?

- Đúng là ĐB phải chuẩn bị sẵn thật chu đáo, chi tiết với số liệu cụ thể thì mới có thể tranh luận được. Nhưng phát biểu ở đây là cơ cấu theo các đoàn địa phương (trừ những ĐB chuyên trách hoặc ở T.Ư), các đại biểu ở các đoàn này sẽ phát biểu những cái mà đã được ông trưởng đoàn gật đầu. Vì cơ cấu Quốc hội của ta lại thành lập theo đoàn, có ông trưởng đoàn. Vậy những ông trưởng đoàn này được hiểu là trưởng đoàn điều hành hay là thủ trưởng? Cơ chế như vậy sẽ khiến các ĐB trong đoàn bị hạn chế hoặc khó có ý kiến độc lập.

Vấn đề quan trọng là phải có những ĐB dám nói rằng: “Tôi phát biểu độc lập, đây là ý kiến của cá nhân tôi ủng hộ một chủ trương, quyết sách nào đó mà không bị chi phối bởi một mệnh lệnh hành chính nào khác trong nội dung phát biểu của mình”.

Nhiều ý kiến cho rằng, các phiên chất vấn giữa ĐBQH và các thành viên Chính phủ hiện nay vẫn chưa làm cử tri thỏa mãn do thiếu thời gian, thiếu sự tranh luận, truy vấn tới cùng của các ĐBQH đối với trách nhiệm của người đứng đầu ngành, đứng đầu Chính phủ?

- Nội hàm chất vấn ở Quốc hội VN cũng khác với nước ngoài. Ở nước ngoài, người ta đã truy vấn trách nhiệm của ông bộ trưởng hay ông thủ tướng là phải truy đến cùng. Anh chỉ trả lời thôi, nói rõ trách nhiệm của mình đến đâu. Trả lời đến lúc ra vấn đề thì thôi và cuối cùng người ta bỏ phiếu liền chứ không phải xếp hàng 49 người bỏ phiếu một lần như ta. Dựa trên kết quả cuộc chất vấn đó, người ta phát động một cuộc bỏ phiếu để đánh giá mức độ tín nhiệm của Quốc hội với thành viên Chính phủ đó luôn.

Điều đó bắt buộc người đứng ra trả lời chất vấn phải rất thuộc bài và hiểu vấn đề thực sự, không có chuyện vừa trả lời vừa kêu khó, xin ĐB thông cảm… Nhiều khi người điều hành Quốc hội cũng xin sự cảm thông từ ĐB vì những vị trả lời chất vấn mới làm nên “chưa thuộc bài”. Nghĩa là vẫn có sự nể nang, thông cảm, xuề xòa. Những lúc này, cần phải đặt lợi ích quốc gia, nhân dân lên trên hết.

Khóa này, Quốc hội có số lượng đảng viên đông nhất so với 12 khóa trước. Tỷ lệ đảng viên Quốc hội khóa XIII chiếm tới 91,3%. Quốc hội khóa đầu tiên (năm 1946) chỉ có 57% đảng viên, là khóa có tỷ lệ thấp nhất. Mà cũng là đảng viên của nhiều đảng chứ không phải riêng Đảng Cộng sản. Tôi nói điều này vì nó cũng liên quan tới vấn đề tranh luận, truy vấn đến cùng trên nghị trường.

Chỉ cần câu chốt “cái này Đảng đã quyết rồi” thì các đảng viên - ĐBQH sẽ phải biết dừng lại đúng lúc. Cho nên, nhiều người hỏi tôi đổi mới hoạt động Quốc hội phải từ đâu, tôi khẳng định là phải đổi mới ngay từ “đầu vào” thì hoạt động Quốc hội mới khác được!

- Xin cảm ơn ông!

Ngày 15.2, ĐBQH Hoàng Hữu Phước cho đăng trên website của công ty mình bài viết “Dương Trung Quốc Tứ đại ngu: Bốn điều sai năm cũ”, trong đó có nhiều lời lẽ mang tính xúc phạm, bôi nhọ ĐBQH Dương Trung Quốc. Ngay sau đó, bài viết đã vấp phải sự phản đối, phẫn nộ của dư luận.

Ngày 16.2, trả lời PV, ông Dương Trung Quốc cho biết bài viết này không có gì đáng để bình luận, nhưng cũng làm ông mất vui một chút trong mấy ngày tết.

Ngày 18.2, đoàn ĐBQH TP.HCM đã có cuộc họp với ĐB Hoàng Hữu Phước và ông này thừa nhận bài viết là của mình và sẽ xin lỗi ĐB Dương Trung Quốc.

Ngày 19.2, ông Phước gặp một số báo, thừa nhận mình sai trong phương pháp tranh luận và chấp nhận mọi hình thức kỷ luật của Quốc hội. Cùng ngày, ông Phước đã gửi thư xin lỗi ông Quốc.

Ngày 20, 21.2, nhiều chuyên gia, luật sư và cử tri TP.HCM lên tiếng cho rằng hành động của ông Phước có dấu hiệu vi phạm Luật Hình sự và cho rằng, ông không xứng đáng làm ĐBQH và nên từ nhiệm.