Chiều 10/7, Tổng Liên đoàn Lao động đã tổ chức buổi Tọa đàm về mức sống tối thiểu, tình hình đời sống thu nhập của người lao động, đề xuất phương án tiền lương tối thiểu vùng năm 2020. Đây là cuộc họp lấy ý kiến nhằm thực hiện đàm phán trong buổi họp chốt tăng lương tối thiểu vùng vào chiều mai (11/7).
Theo đó, mức tăng sẽ đạt kỳ vọng của các bên, khoảng 6,5-8,1%. Nếu đạt được mức tăng này, lương tối thiểu sẽ đạt được mức sống tối thiểu.
Ông Ngọ Duy Hiểu – Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam cho rằng, điều quan trọng trong thương lượng lương tối thiểu vùng là phải căn cứ vào mức sống tối thiểu, thế nhưng hiện chưa có cơ quan nào chính thức công bố mức sống tối thiểu.
Bà Đỗ Quỳnh Chi – Trung tâm nghiên cứu Quan hệ lao động cho rằng Việt Nam cần tiến tới đàm phán lương đủ sống chứ không phải lương tối thiểu. Ảnh: N.T
Hiện nay, cách xác định mức sống tối thiểu chủ yếu dựa vào tính toán của tổ kỹ thuật, nhưng cách tính này chỉ mang tương đối và tham khảo, vì các bên không sử dụng ngay các tính toán của tổ kỹ thuật, quan điểm về tiếp cận số liệu thông tin cũng khác nhau…
Bởi vậy, Tổng LĐLĐVN tổ chức Tọa đàm nhằm trao đổi, cung cấp thông tin về mức thu nhập, mức sống của người lao động hiện nay.
Đề cập tới vấn đề lương tối thiểu vùng, ông Lê Đình Quảng – Phó ban quan hệ Lao động Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cho biết, mặc dù mục tiêu cụ thể đến năm 2020 tiền lương phải đạt được mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình của họ nhưng thực tế, hiện nay chúng ta chưa đạt được, mức lương luôn luôn chạy theo mức sống tối thiểu.
“Nghị quyết 27 giao cho cơ quan thống kê của nhà nước có thẩm quyền tính mức sống tối thiểu, thực tế hiện nay Hội đồng tiền lương vẫn chưa đưa ra được cơ quan độc lập công bố mức sống tối thiểu mà vấn đề này chỉ do bên Tổng Liên đoàn nghiên cứu chỉ ra”, ông Quảng nói.
Ông Quảng cũng cho rằng, mức sống tối thiểu là mức lương di động, thay đổi theo thời gian, hoàn cảnh. Quốc gia càng phát triển thì nhu cầu sống tối thiểu càng khác nhau, nhu cầu lương thực và phi lương thực, nhu cầu nuôi con cũng khác nhau...
Bức tranh kinh tế khá khởi sắc nhất trong 8 năm trở lại đây (GDP tăng 6,8%), chỉ số CPI được kiểm soát dưới 4%, số lượng thành lập doanh nghiệp mới rất lớn..., trong khi đó, mức sống của đời sống công nhân vẫn rất khó khăn. Từ những yếu tố này, hoàn toàn có thể thực hiện tăng lương tối thiểu để bắt kịp mức sống tối thiểu.
Trước những phân tích, Tổng LĐLĐ đã đưa ra 3 mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2020. Phương án 1 là tăng 8,1% tương ứng từ 180-380.000 đồng. Phương án 2 là tăng 7,6% tương ứng từ 160-330.000 đồng. Phương án 3 tăng 6,51% tương ứng với 150-300.000 đồng.
Bà Văn Thị Thu Hà – đại diện nhóm nghiên cứu “Tiền lương không đủ sống và hệ lụy” cho biết, hiện nay mức lương của công nhân lao động đang thấp, đặc biệt, mức lương của lao động ngành dệt may cực thấp.
Bà Đỗ Quỳnh Chi – Trung tâm nghiên cứu Quan hệ lao động cho rằng, ở các quốc gia phát triển, nhiều quốc gia như Anh, Mỹ đã chuyển mức lương tối thiểu thành lương đủ sống, chỉ riêng Việt Nam giờ vẫn loay hoay với cách tính lương tối thiểu, đủ mức sống tối thiểu.
“Xu hướng là lương tối thiểu phải tăng nhanh hơn cả năng suất lao động của các quốc gia. Trong khi đó, tại Việt Nam, nói tăng lương nhưng thực tế không tăng, thậm chí còn giảm. Nếu duy trì mức sống tối thiểu để tồn tại thì lâu dần vô hình chung điều này sẽ nhân rộng đói nghèo và khoảng cách thu nhập giữa các nhóm trong xã hội”, bà Chi nói.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Thắng – Phó chủ tịch Công đoàn khu chế xuất Hà Nội khẳng định, Hà Nội có 9 khu công nghiệp, hiện nay quy định mức lương hơn 4 triệu đồng theo mức lương tối thiểu thì lao động không thể sống được. Trong khi đó, các doanh nghiệp đang trả mức lương cao hơn nhiều so với mức lương theo quy định.
“Tôi không hiểu sao, Bộ LĐTBXH và Hội đồng Tiền lương quốc gia cứ khảo sát, họp hành mãi để quy định mức tăng lương tối thiểu hàng năm, nhưng lương vẫn thấp hơn lương DN đang trả cho người lao động. Điều này dẫn tới sự lình xình, tranh chấp không đáng có”, ông Thắng nói.