Ngày 2/7/2019, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, sau 5 tháng ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên xuất hiện, đã có trên 2,8 triệu con lợn phải tiêu hủy, chiếm 10% tổng đàn. Hiện Việt Nam vẫn đang huy động các nguồn lực để đối phó với dịch bệnh nguy hiểm này.
Nhiều địa phương đang bị thiệt hại nặng nề bởi dịch tả lợn châu Phi, đơn cử như ở Hà Nội, trung bình mỗi ngày có tới hơn 6.000 con lợn phải tiêu hủy vì nhiễm dịch bệnh. Hiện Hà Nội là địa phương có đàn lợn lớn thứ 2 cả nước, sau Đồng Nai. Ảnh: D.Đ.T
Theo các nghiên cứu điều tra ban đầu của ngành thú y, kết quả cho thấy, nguyên nhân chính dẫn đến dịch bệnh tả châu Phi (ASF) lan rộng tại các tỉnh thành là do một số người chăn nuôi, thương lái chưa nhận thức đầy đủ được tính chất nguy hiểm của dịch bệnh, cũng như vì lợi ích kinh tế trước mắt nên khi có heo bệnh, heo chết đã lén lút mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ khiến dịch bệnh lây lan nhanh, ở phạm vi rộng.
Nhận định này cũng tương đồng với nghiên cứu dịch tễ của các ổ dịch tại Trung Quốc hồi năm ngoái: 46% do phương tiện vận chuyển và do con người không vệ sinh, phun thuốc khử trùng tiêu độc; 34% là do sử dụng thức ăn thừa và 19% do vận chuyển heo sống và các sản phẩm của heo giữa các vùng.
Thống kê mới nhất của ngành nông nghiệp cho thấy, đến nay đã có 62 tỉnh, thành phố xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi và hiện chỉ còn tỉnh Ninh Thuận là địa phương duy nhất chưa bị dịch bệnh ASF tấn công.
Được biết, để đạt hiệu quả cao trong công tác phòng chống dịch bệnh, ngay từ khi tình hình dịch ASF có dấu hiệu lây lan, xâm nhiễm phức tạp tại các tỉnh phía Bắc, Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh có chỉ đạo cụ thể đến các ngành, đơn vị, địa phương, chủ động từ khâu tuyên truyền, tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại, kiểm soát hoạt động giết mổ và phương tiện vận chuyển gia súc qua địa bàn; kịp thời phân bổ các vật tư, trang thiết bị, thuốc sát trùng cho các địa phương, cơ sở kịp thời tiêu độc, khử trùng...
Tiêu độc, khử trùng chuồng trại đảm bảo an toàn sinh học trong chăn nuôi tại Ninh Thuận
Ông Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận cho biết: Sở đã nhanh chóng đề nghị UBND các huyện, thành phố khẩn trương xây dựng kế hoạch theo phương án 2 để “vận hành” ở mức cao nhất các giải pháp như khi đã phát hiện ổ dịch tại địa phương; nắm chắc tình hình, diễn biến dịch, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ phòng, chống dịch. Sở cũng đã kiến nghị Sở Giao thông vận tải tháo dỡ, di dời dải phân cách trên Quốc lộ 1A tại Trạm Kiểm dịch động vật Thuận Bắc để phục vụ cho công tác giám sát, tiêu độc, khử trùng phương tiện vận chuyển gia súc được thuận tiện và hiệu quả.
Các địa phương đã đồng loạt ra quân triển khai 2 đợt Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng với lượng hóa chất đã sử dụng phun xịt tập trung tại các khu vực công cộng và cấp phát cho các hộ chăn nuôi là 630 lít Bencocid. Các địa phương và Chi cục Chăn nuôi và Thú y cũng đã chủ động phương án dự phòng 14.300 lít hóa chất và 8,4 tấn vôi bột.
Bên cạnh đó, công tác kiểm dịch và kiểm soát giết mổ cũng được chú trọng; các Trạm Chăn nuôi và Thú y các địa phương, Trạm Kiểm dịch dịch động vật Thuận Bắc, cùng 4 chốt kiểm dịch động vật tạm thời bố trí lực lượng túc trực 24/24 để duy trì kiểm soát tất cả các phương tiện vận chuyển động vật lưu thông trên các tuyến quốc lộ vào địa bàn tỉnh.
Theo đó, tỉnh đã kiểm dịch, phúc kiểm lợn quá cảnh qua địa bàn với số lượng gần 30.000 con; kiểm soát trên 5.500 con lợn nuôi và giết thịt xuất và nhập vào tỉnh ta; kiểm soát giết mổ 1.800 con đối với 3 cơ sở tập trung, 29 cơ sở nhỏ lẻ, đảm bảo các điều kiện an toàn từ khâu nhập gia súc đến lúc xuất sản phẩm ra thị trường tiêu thụ...
Mới đây, ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho biết, dịch tả heo châu Phi (ASF) đã xảy ra tại 24 quận huyện, tiêu hủy hơn 414.000 con với trọng lượng khoảng 28.400 tấn, thiệt hại ước tính 1.000 tỷ đồng, gồm chi phí hỗ trợ tiêu hủy, hóa chất, phòng chống dịch. Thời điểm hiện tại, có 10 huyện hết kinh phí dự phòng và phải đề nghị thành phố cấp thêm để đảm bảo chi trả nhanh nhất cho người chăn nuôi. Số lợn phải tiêu hủy bình quân mỗi ngày ở Hà Nội trung bình trên 6.600 con, thậm chí lúc cao điểm phải tiêu hủy tới gần 10.000 con lợn. |