Làm chơi ăn thật
Hương Phong (Hương Trà), là vùng thuần nông không chỉ được biết đến với đàn trâu “có tiếng” trong tỉnh, bởi nơi đây, nhà nhà nuôi trâu, người người chăn trâu, mà còn là “thủ phủ” của cư dân sông nước với cào trìa cho thu nhập tiền triệu mỗi ngày.
Nghề “ăn tới, mần lui’ tuy vất vả nhưng cho thu nhập khá.
Ghé thăm nhà anh Đặng Duy Phụng (thôn Thuận Hòa B, xã Hương Phong) khi mùa trìa đã vào vụ được hai tháng. Gặp được anh không phải dễ, bởi mùa này, cơm đùm gạo bới, anh cùng vợ “ăn ngủ” theo từng con nước để cào trìa kiếm kế sinh nhai.
Trìa vùng cửa biển rặt nước lợ có đặc tính thơm ngon hơn vùng phá Tam Giang, cửa sông nước cạn nhiều bùn. May thay, hôm nay giữa chừng anh Phụng nhận được điện thoại của thương lái trên bờ mang trìa vào nhập nên mới có mặt ở nhà.
Anh Phụng “cho” tôi 2 giờ đồng hồ để nói chuyện, với cam kết: “Sẽ ra vùng cửa biển xem lặn trìa, bởi mùa này ở nhà ngày nào thì mất tiền triệu ngày đó”. Anh Phụng bảo: “Dân làng Thuận Hòa B gọi nghề cào trìa là nghề “ăn tới, mần lùi”. Mần có nghĩa là làm. Làm chơi chơi mà ăn thật. Với lại, đặc tính của nghề cao trìa là đi lui. Dùng dụng cụ bằng sắt hình chữ A, đan dây, bọc lưới. Ngư cụ theo người kéo lui, bùn đất rớt ra ngoài, trìa ở lại”.
Mỗi năm “vụ” trìa kéo dài từ tháng 2- 8, khi con nước rặt ngoài cửa biển đẩy mạnh vào mang theo các loài trìa cư ngụ lại dưới lớp đáy bùn sát vùng đầm phá nước lợ cũng là lúc vụ trìa bắt đầu.
Tảo tần cào trìa - nét đẹp đặc trưng của phụ nữ Hương Phong.
Thuận Hòa B có hơn 120 hộ dân chuyên làm nghề khai thác trìa các loại. Từ đầu tháng 2, họ lại mang ngư cụ từ năm trước ra đan, sửa sang lại để vào vụ chính. Trìa đánh bắt nơi vùng cửa biển Thuận An có 3 loại: trìa líp, trìa u và trìa mỡ. Trong đó giá trị kinh tế cao nhất là trìa líp, với giá mỗi kg khoảng 140 nghìn đồng. Trìa líp khi mới cào lên bằng đầu ngón tay út, nhưng nó được thương lái ưa chuộng bởi sẽ được dùng làm trìa giống.
Trìa cào lên phải nguyên vẹn, không bị xước, vỡ vỏ, bị chết. Các thương lái mua về bán lại cho các chủ vựa nuôi vùng đầm phá ươm nuôi lớn, đến khi kích thước bằng cái bát con mới nhập cho các nhà hàng tiêu thụ. Trìa u với trìa mỡ giá trị kinh tế thấp hơn, nhưng cũng được thương lái mua đều đặn ngay tại bờ phá.
Mỗi ngày, mỗi thợ cào trìa kiếm được từ 5-7 trăm nghìn đồng, so với vùng thuần nông như Hương Phong đó là nguồn thu nhập đáng mơ ước. Mỗi lúc nông nhàn, cánh đàn ông cũng tăng gia sản xuất với gánh trìa nuôi con. Trìa được mang lên bờ. Vùng quê yên bình nơi cửa biển như bị khuấy động bởi tiếng động cơ xe máy của thương lái. Mỗi vụ trìa kết thúc khi con nước bạc đổ từ các nhánh sông về, báo hiệu một mùa mưa lũ bắt đầu…
Trìa mỡ, đặc sản Hương Phong.
Mẹ gánh trìa, con “gánh” chữ
Khoảng 10 năm trở lại đây, nghề cào trìa ở Thuận Hòa B đều do phụ nữ đảm nhận, bởi cánh đàn ông không theo những chuyến tàu biển ra khơi thì cũng tất bật với việc đồng áng. Hình ảnh những người phụ nữ với chiếc nón che ngang mặt trong cái nắng hanh hao của đầm phá đã trở nên quá đỗi quen thuộc nơi vùng cửa biển này. Và ở đó, những gánh trìa tươi ngon do vùng cửa biển ưu đãi đã theo những mẹ, những chị “lên bờ” mang sinh kế cho những gia đình ở vùng đất thuần nông.
Ngồi trò chuyện, được anh Đặng Duy Phụng cho thưởng thức bát trìa mỡ vừa “há miệng” còn tươi rói, thơm nức mùi sả, mới thấy hết sự nhọc nhằn của “nghề mần lui” cũng như sự ưu đãi thiên nhiên cho vùng đất nơi cuối nguồn Hương giang. Bát trìa mỡ từ vùng quê thơm thảo đã theo về các hàng quán làm phong phú thêm thực đơn thủy sản cho thực khách ở vùng du lịch Cồn Tè, Rú Chá. |
Có một giai đoạn sau sự cố môi trường biển, chị em làng Thuận Hòa B vẫn bám trụ với nghề. Nghề không phụ người dẫu có những ngày đôi chân của họ rướm máu vì đạp hàu, nè tre; da mặt rộp đi vì cái nắng cùng hơi nước mặn. Không như nghề dặm, mò, lặn trìa ở các địa phương vùng đầm phá Tam Giang, nghề cào trìa ở Thuận Hòa B cho sản lượng cao hơn nhiều mặc dù phương thức khai thác hoàn toàn thủ công.
Hết “thời gian giao ước” 2 giờ đồng hồ. Tôi được anh Phụng dùng thuyền máy đưa ra một khoảng sông. Chưa kịp bật máy ảnh ghi hình thì trên thuyền, hai phụ nữ đã nhảy tỏm xuống sông với ngư cụ cào trìa hình chữ A. Mỗi một thợ trìa đều cặp theo thùng xốp nổi lềnh bềnh đi theo đựng trìa. Ngư cụ được những người phụ nữ cắm sâu xuống lớp bùn nơi cửa biển khoảng 10cm và bắt đầu đi giật lùi. Thỉnh thoảng họ lại ngoi lên khỏi mép nước để thở.
“Cào trìa phải chọn vùng nước cạn, đi giật lùi hướng dần vào bờ mới có nhiều trìa. Nghề này với phụ nữ càng vất vả hơn, ngâm mình suốt ngày trong nước buốt, nhưng làm riết rồi cũng quen chú à”, chị Nguyễn Thị Thúy trải lòng.
Từ dưới sông, chị Nguyễn Thị Nguyệt, một cư dân dặm trìa hơn 10 năm, nở nụ cười thật tươi bởi hôm ni là một ngày bội thu trìa líp đối với chị. “Làm nghề ni chủ yếu phụ nữ, cũng có cái khổ là không mạnh mẽ như cánh đàn ông nên làm không quen là không chịu được. Nhưng mà nghĩ đến mớ trìa bán trong sáng mai cho con đến trường là tan hết mệt mỏi”, chị Nguyệt tâm sự.
Cạnh đó, chị Nguyễn Thị Thúy tiếp lời: “Chú thấy nghề đơn giản không, nhưng kinh nghiệm chọn con nước rặt, con nước ròng thì phải có. Đến vụ trìa sinh sôi từ cửa biển theo con nước đẩy vào. Phải chọn lúc triều lên, triều xuống mà kiếm chỗ cào không thì ngày nớ về với tay không”.
Quả như lời chị Thúy nói trong phút nghỉ ngơi nơi mạn thuyền, cào trìa vất vả nhưng không thiếu vắng những nụ cười thật tươi. Bởi với họ, ở trên bờ, còn có đàn con thơ đang “gánh” chữ đến trường. Nhắc đến chuyện học, ánh mắt rám nắng của những phụ nữ cào trìa như tươi tắn hơn. Đó là gia đình chị Thúy có 3 người con thì 2 đứa đã vào giảng đường đại học, một đứa đã tốt nghiệp đi làm; gia đình chị Trần Thị Xíu 2 đứa đang ấp ủ “giấc mơ chữ” nơi trường làng.
Theo UBND xã Hương Phong, cuối năm 2017, hơn 100 hộ dân làm nghề cào trìa vùng cửa biển- đầm phá trên địa bàn xã đã được chính quyền chi trả tiền đền bù hỗ trợ sự cố môi trường biển với số tiền 5 triệu đồng/người. Việc chi trả đền bù kịp thời đã giúp các hộ dân sắm mới ngư lưới cụ, tiếp tục theo sống với nghề. |