Thời điểm hiện tại, gần 70.000 học sinh ở TP.HCM nhộn nhịp nộp hồ sơ nhập học vào lớp 10 các trường THPT công lập. Thế nhưng, cũng có gần 30.000 học sinh vừa xong chương trình THCS nhưng không đủ điều kiện vào lớp 10 công lập. Với những học sinh này, con đường học tập vẫn chưa hẳn là “kết thúc”, vì vẫn còn nhiều chương trình đào tạo phù hợp với khả năng và hoàn cảnh từng học sinh.
Tự tin chọn trường nghề
Cuối năm 2018, kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ XII diễn ra tại trung tâm Hội nghị và triển lãm IMPACT, Muang Thong Thani, tỉnh Nonthaburi, Thái Lan với 24 nghề chính thức và 2 nghề trình diễn, thu hút 331 thí sinh đến từ 10 quốc gia thành viên ASEAN. Đoàn Việt Nam có 52 thí sinh dự thi ở tất cả 26 nghề, trong đó, nhiều thí sinh là học sinh các trường cao đẳng, trung cấp nghề.
Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương (quận 5, TP.HCM) có 6 thí sinh dự thi 4 nghề thì có đến 5 thí sinh đạt huy chương ở các nghề như Bảo trì máy CNC, Cơ điện tử, Lắp cáp mạng thông tin. Những học sinh này đầu tháng 6 vừa qua cũng đã được tuyên dương “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc lần thứ X.
Đội tuyển nghề Cơ điện tử trường Trung cấp nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương dự thi tay nghề năm 2018.
Bà Phạm Quang Trang Thủy - Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương cho biết, những thành tích trên là bước đệm ban đầu cho các em học sinh trên con đường lập nghiệp sau này. Để trở thành người thợ giỏi, học sinh trường Trung cấp nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương được tiếp cận các chương trình đào tạo tiên tiến, hiện đại, chú trọng thực hành, áp dụng lý thuyết vào thực tế công việc.
Bà Thủy cho biết năm học 2019 - 2020, trường có khoảng 800 chỉ tiêu bậc trung cấp ở tất cả các nghề đào tạo phân bổ đều cho học sinh sau THCS và THPT. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng đầu vào, ở một số ngành nghề, trường phải làm một bước phỏng vấn xem năng lực của học sinh đến đâu. Như nghề Cơ điện tử, không phải cứ trình độ THCS là học được mà phải có những tố chất, năng lực nhất định.
Đặc biệt, với chương trình đào tạo nghề dành cho học sinh sau THCS, giáo viên đều phải soạn lại phù hợp với khả năng tiếp thu thực tế của các em, không quá nặng về lý thuyết và nhiều tính ứng dụng, thực hành.
Tại quận Tân Bình (TP.HCM), Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng (thành lập từ năm 1986), là một trong những trường công lập chất lượng cao của TP và khu vực, đào tạo đa cấp, đa ngành với nhiều loại hình đào tạo tiên tiến và hiện đại.
Thầy Đinh Văn Đệ - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng cho biết, trong năm 2019, trường tuyển sinh gần 2.000 chỉ tiêu bậc trung cấp và 3.500 chỉ tiêu bậc cao đẳng. Nhà trường có mô hình đào tạo 9+4, nghĩa là học sinh khi tốt nghiệp THCS thì vào trường học chính quy. 3 năm đầu học văn hóa: 4 môn Toán, Lý, Hóa, Văn, 110 tiết tất cả theo chương trình của Bộ. Sau 3 năm, học sinh có bằng trung cấp chính quy.
Tốt nghiệp chương trình 9+4 xong, nếu muốn học sinh có thể học tiếp 1,5 năm nữa để liên thông lên đại học. Với kiến thức văn hóa đủ sử dụng trong nghề nghiệp, các em có thể đáp ứng tốt yêu cầu lao động của doanh nghiệp sau khi ra trường.
Nhiều ưu đãi cho sinh viên
Các chương trình đào tạo nghề sau THCS hiện nay được Chính phủ dành nhiều ưu đãi, từ học phí đến cơ hội việc làm, cơ hội liên thông lên bậc học cao hơn…
Ông Đặng Minh Sự - Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM khẳng định, hiện nay, học sinh tốt nghiệp THCS nếu chọn học nghề sẽ được miễn 100% học phí. Các trường trung cấp, cao đẳng nghề hiện cũng có chính sách miễn giảm học phí, học bổng, ưu tiên giới thiệu việc làm cho đối tượng này học ngành nghề kỹ thuật. Ở trường nghề, người học có thể tham gia hoặc không tham gia học văn hóa.
Chọn học nghề sau khi tốt nghiệp THCS, học sinh sớm có bằng trung cấp và công việc phù hợp. Trong ảnh: Học sinh dự thi nấu ăn Taste of Australia.
Còn theo thầy Đinh Văn Đệ, hiện nay, ngoài việc miễn học phí 100% cho sinh viên vào học trung cấp sau khi tốt nghiệp THCS. Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng có mối quan hệ với nhiều doanh nghiệp trong và nước nhằm đáp ứng 100% nhu cầu việc làm của sinh viên. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên được ưu tiên tuyển dụng, đồng thời có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc liên thông lên bậc học cao hơn như cao đẳng, đại học.
Ông Trần Thanh Hải – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn Đông chia sẻ, trong doanh nghiệp, người ta chỉ cần một giám đốc điều hành nhưng ở dưới cần nhiều các quản lý cấp trung, nhân viên kỹ thuật. Do đó, việc chọn học “một nghề cho chín” hiện nay sẽ đảm bảo cho học sinh có được việc làm tốt, thu nhập tốt sau khi ra trường.
Như tại Trường Cao đẳng Viễn Đông, học sinh tốt nghiệp THCS chọn học nghề sẽ được học song song chương trình văn hóa của Bộ GD-ĐT, có bằng cao đẳng hoặc trung cấp khi chỉ mới 18 tuổi và chỉ cần 1 năm để liên thông lấy bằng đại học.
“Sinh viên cũng được ký hợp đồng cam kết đảm bảo việc làm đúng ngành ở các doanh nghiệp tại TP.HCM sau khi tốt nghiệp. Ở Viễn Đông, ngoài việc xây dựng chương trình khung theo quy định của Bộ LĐ-TB&XH, hằng năm chúng tôi còn thiết kế các chương trình riêng đến từ việc tham khảo, góp ý và sự phản biện của các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề. Điều này giúp các sinh viên ra trường làm được việc thực tế ngay mà doanh nghiệp không cần phải đào tạo lại”, ông Hải khẳng định.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, với gần 30.000 học sinh không trúng tuyển lớp 10 công lập năm nay, các trường đã tư vấn trước cho các em những ngã rẽ khác. Ví dụ như hiện nay, hệ Giáo dục thường xuyên bằng cấp giống như trường công lập nhưng số môn học ít hơn, học phí thấp, học sinh có thời gian đầu tư cho môn thi đại học tốt hơn. Hay như hệ thống giáo dục nghề cũng rất ổn vì các trường đã đầu tư trang thiết bị, có trường đào tạo theo chuẩn khu vực nên có nhiều lựa chọn hơn cho học sinh. |