Ngày 22.2, tại Hà Nội, Hội thảo khoa học “Góp ý hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992” đã được tổ chức với sự góp mặt của nhiều chuyên gia, nhà khoa học. Hội thảo do Tạp chí Nghiên cứu lập pháp thuộc Văn phòng Quốc hội và Tạp chí Pháp luật và phát triển thuộc T.Ư Hội Luật gia Việt Nam phối hợp tổ chức.
Theo PGS-TS Ngô Huy Cương, để khẳng định quyền lập hiến thuộc về nhân dân, dự thảo nên lược bỏ chức năng “thực hiện quyền lập hiến” của Quốc hội ra khỏi Điều 74. |
Một số quyền đã quy định nhưng chưa hoàn thiện
Nêu ý kiến về việc bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được tiến hành sửa đổi theo 9 định hướng cơ bản, gồm 11 chương, 124 điều, GS - TS Trần Ngọc Đường - chuyên gia cao cấp của Quốc hội nhận định: Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân được quy định đầy đủ, sâu sắc và nhất quán hơn, thể hiện một bước tiến mới về nhận thức lý luận.
“Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân thể hiện trong bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp có bước phát triển mới về nhận thức cũng như cách thức thể hiện. Điểm mới nhất là chúng ta đưa lên chương 2. Đây không đơn thuần là sự thay đổi vị trí mà là sự xác định nhân dân là chủ thể của quyền lập hiến” - GS Đường khẳng định.
Đồng tình về những tiến bộ trong cách thức và khuôn khổ các quyền hiến định trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, PGS - TS Nguyễn Thanh Tuấn (Viện Nghiên cứu quyền con người - Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng: “Nội dung còn thiếu một số quyền; thiếu những quy định về thiết chế bảo vệ và thúc đẩy quyền; thiếu việc xác định cơ quan nào có thẩm quyền giới hạn quyền và thiếu việc xác định rõ những quyền không thể bị giới hạn; thiếu quy định bảo đảm sự bình đẳng giữa các quyền; một số quyền đã quy định nhưng nội dung chưa hoàn thiện” - PGS Tuấn cho biết.
Lược bỏ quyền lập hiến của Quốc hội?
Về việc hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp, xoay quanh việc nhân dân xây dựng Hiến pháp, PGS-TS Ngô Huy Cương (khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội) nêu: Nếu Quốc hội Việt Nam là “cơ quan duy nhất có quyền lập hiến” (Điều 83, Hiến pháp 1992) thì có hai bất cập. Thứ nhất, Hiến pháp mất đi tính tối cao vì nó không xuất phát từ gốc của quyền lực là nhân dân. Thứ hai, người được ủy quyền (Quốc hội nói riêng, Nhà nước nói chung) lại tự ý lập văn bản ủy quyền và tự đặt ra giới hạn cho mình, rồi lại tự xem xét mình có vi phạm giới hạn đó hay không.
Từ đó, PGS Cương kiến nghị: “Để khẳng định quyền lập hiến thuộc về nhân dân, dự thảo nên lược bỏ chức năng “thực hiện quyền lập hiến” của Quốc hội ra khỏi Điều 74, đồng thời lược bỏ nhiệm vụ và quyền hạn “làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp” ra khỏi Điều 75”.
Đóng góp ý kiến về những điểm còn bỏ ngỏ của dự thảo, TS Đặng Minh Tuấn (khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh: “Người dân khó có thể thực hiện quyền dân chủ trực tiếp khi Dự thảo Hiến pháp vẫn trao cho Quốc hội quyết định việc trưng cầu dân ý (Điều 30; Khoản 15, Điều 75). Trên thực tế, người dân VN chưa bao giờ tham gia quyết định trực tiếp trong bất kỳ cuộc trưng cầu dân ý nào. Mặc dù nhiều người đề nghị Dự thảo Hiến pháp phải được thông qua phúc quyết toàn dân nhằm đảm bảo chủ quyền cũng như sự đồng thuận của nhân dân với bản Hiến pháp, nhưng dự thảo vẫn không có quy định này”.
Long Nguyên