Nỏ Liên Châu: Thời An Dương Vương thường được gắn liền truyền thuyết nỏ thần. Nỏ Liên Châu còn có tên khác là Kim Quang Linh Trảo Thần Nỏ, do tướng Cao Lỗ phát minh. Theo các nhà sử học hiện nay, Nỏ Liên châu là loại vũ khí có thật trong sử Việt. Các di chỉ khảo cổ học cho thấy loại nỏ này có cấu trúc khá đặc biệt, bắn nhiều mũi tên cùng lúc. Với vũ khí này, An Dương Vương nhiều lần khiến đạo quân của Triệu Đà kinh sợ.
Súng thần cơ của Hồ Nguyên Trừng: Súng thần cơ do tướng quốc Hồ Nguyên Trừng thời nhà Hồ phát minh, là một trong những niềm tự hào của người Việt trong lĩnh vực chế tác vũ khí. Thân súng dài 44 cm, nòng dài 5 cm, trục quay, thước ngắm, lỗ điểm hỏa, khối hậu. Loại súng này được đúc bằng sắt hoặc đồng, có nhiều cỡ, lớn thì kéo xe, nhỏ dùng giá đỡ hay vác vai. Súng có ba loại: Súng lớn đặt trên lưng voi, súng nhỏ hai người khiêng, súng nhỏ vác vai. Loại nhỏ dùng cho bộ binh bắn xa khoảng 700 m. Loại lớn là “thần cơ pháo” đặt cố định bảo vệ thành hoặc dùng xe kéo vận chuyển.
Định Nam Đao của Mạc Thái Tổ: Định Nam Đao của Thái tổ Mạc Đăng Dung hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Vương triều Mạc tại Hải Phòng. Đây là một trong những cây đao hiếm hoi còn lại trên thế giới từng được một bậc quân vương sử dụng khi ra trận. Hiện nay, dù không nguyên vẹn như trước, thanh đao nặng hơn 25 kg, dài 2,55 m (cán dài 1,6 m, lưỡi dài 0,95 m). Các nhà nghiên cứu ước tính khi còn mới, nó phải nặng hơn 30 kg.
Ô Long đao của Quang Trung - Nguyễn Huệ: Ô Long đao là vũ khí nổi tiếng từng theo vua Quang Trung nam chinh, bắc chiến. Trong trận Rạch Gầm, Xoài Mút năm Giáp Thìn (1785), Nguyễn Huệ sử dụng Ô Long đao chém hàng trăm quân tướng Xiêm. Đến năm Kỷ Dậu (1789), một lần nữa, Ô Long đao góp công lớn trong chiến dịch đẩy lùi quân Mãn Thanh xâm lược ra khỏi bờ cõi.
Huỳnh Long đao của Trần Quang Diệu: Trần Quang Diệu là dũng tướng hàng đầu của nhà Tây Sơn. Cùng vợ là Bùi Thị Xuân, cả gia đình ông chiến đấu vì nhà Tây Sơn đến hơi thở cuối cùng. Khi nhắc tới Trần Quang Diệu, các nhà sử học thường nói về Huỳnh Long đao của ông. Đây là thanh bảo đao, do sư phụ Trần Quang Diệu là võ sư Diệp Đình Tòng truyền tặng. Sở dĩ có tên Huỳnh Long là vì tại đầu con cù nơi ngậm lưỡi đao được bọc vàng. Các chiến công của Trần Quang Diệu đều do thanh Huỳnh Long đao góp phần tạo nên.
Độc thần kiếm của Nguyễn Nhạc: Đây là thanh kiếm cổ mà Nguyễn Nhạc tình cờ mua được lúc đi buôn trầu trên thượng nguồn sông Côn (Bình Định). Sau khi có được bảo vật, ông mang tặng cho thầy Trương Văn Hiến. Trương sư phụ biết là kiếm quý nên cất giữ rất kỹ. Khi Nguyễn Nhạc xây dựng xong cơ sở chiến đấu, xuống An Thái thăm thầy và vấn kế, Trương Văn Hiến trả lại thanh kiếm cho Tây Sơn vương để làm đại sự. Theo sách Võ Nhân Bình Định, độc thần kiếm dài hơn sải tay, có thể chém sắt. Khi lưỡi gươm được rút ra khỏi vỏ, ánh hào quang tỏa ra lóa mắt.
Song thần côn: Đó là hai cây côn của võ tướng Võ Đình Tú và Đặng Xuân Phong. Ngân côn của tướng quân Võ Đình Tú màu trắng được rèn bằng bạch thiết, rất chắc và khá nặng, phải hai người khiêng. Tương truyền, Võ Đình Tú múa côn dưới mưa, người không dính giọt nước. Thiết côn của tướng quân Đặng Xuân Phong màu đen, nặng như ngân côn. Ngân côn và thiết côn chỉ lớn bằng cổ tay, dài quá đầu, song rất nặng.
Súng trường Cao Thắng: Cao Thắng (SN 1864) quê ở thôn Yên Đức, xã Tuần Lễ, tổng An Ấp, huyện Hương Sơn, nay thuộc xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Cùng Phan Đình Phùng, Cao Thắng là một trong hai thủ lĩnh của khởi nghĩa Hương Khê. Để đương đầu quân đội nhà nghề nước Pháp với vũ khí tối tân, hiện đại, sau một thời gian dài mày mò, tìm hiểu, Cao Thắng đã chế tạo ra loại súng trường dựa trên nguyên mẫu của những khẩu súng trường 1874 của quân Pháp. Sách "Phan Đình Phùng" của tác giả Đào Trinh Nhất, trích lời của đại úy Pháp Gosselin lúc bấy giờ: "Tôi có đem nhiều khẩu súng đó về bên Pháp, xem nó giống đủ mọi vẻ như súng của các xưởng binh khí nước ta (tức Pháp) chế tạo. Đến nỗi, tôi đưa cho các quan binh pháo thủ của ta xem, họ cũng không phân biệt được”.