Dân Việt

Trồng dong riềng xen ngô lãi lớn

23/02/2013 07:22 GMT+7
(Dân Việt) - Vụ dong riềng năm nay, người dân các xã Tiền Yên, Đắc Sở, Cát Quế... (Hoài Đức, Hà Nội) trúng đậm, vì được mùa, được giá. Trung bình, mỗi sào dong thu 3 – 4 tấn. Với giá 1.700 đồng/kg, bà con thu lãi gấp đôi trồng lúa.

Năng suất, dễ trồng

Trước đây, hầu hết các diện tích đất bãi của các xã Tiền Yên, Đắc Sở, Cát Quế… người dân đều trồng ngô, hoặc rau màu. Vài năm gần đây, do phải mua nguyên liệu ở xa chi phí cao, thấy đồng bãi ở đây màu mỡ, một số hộ sản xuất miến ở xã Dương Liễu đã “hợp đồng” với các hộ ở xã Tiền Yên, Đắc Sở… để trồng dong.

img
Xe ô tô ra tận ruộng để thu gom dong riềng.

Nói là hợp đồng, nhưng thực chất là họ vận động người dân trồng thử dong riềng xen với ngô, vì mô hình này đã thành công ở một số nơi, để tận dụng đất, vừa có thu nhập, mà họ cũng có nguyên liệu để sản xuất miến. Vụ dong đầu tiên, mặc dù xen ngô, nhưng tính ra dong lãi gấp đôi, gấp ba ngô. Nếu cộng cả ngô và dong, người dân ở đây thu về từ 8 – 9 triệu đồng/sào/vụ. Từ vài hộ, đến nay Hoài Đức đã có hàng trăm hộ trồng dong riềng theo mô hình xen ngô, với diện tích hàng chục ha.

Anh Nguyễn Văn Tuấn, thôn Yên Thái, xã Tiền Yên phấn khởi cho hay: “Gia đình tôi trồng 5 sào dong riềng xen ngô, trung bình đạt 3,5 tấn/sào. Năm ngoái giá 1.400 đồng/kg, hiện giá 1.700 đồng/kg, trừ chi phí lãi 5 – 6 triệu đồng/sào. Ngoài ra, tôi còn thu khoảng 2 tạ ngô/sào, hiện giá 4.800 – 5.200 đồng/kg, cộng cả ngô, dong trừ chi phí vụ này tôi lãi hơn 30 triệu đồng”.

Theo chị Nguyễn Thị Thương, thôn Yên Thái, xã Tiền Yên trồng dong riềng rất dễ, vì dong riềng mọc rất khỏe. “Sau khi làm đất, đánh luống trồng dong xuống, thì gieo ngô xen, khoảng hơn 2 tháng khi cây dong lên cao quá đầu gối thì lúc đó ngô cũng chuẩn bị cho thu hoạch. Thu hoạch ngô xong, chỉ cần vun gốc dong lại, bón thêm phân chuồng rồi để vậy chờ thu hoạch, dong riềng mọc rất khỏe và kị cỏ, nên không phải làm cỏ nhiều” – chị Thương cho biết thêm.

Không lo đầu ra

Hiện mỗi năm làng miến Dương Liễu sản xuất ra hàng chục nghìn tấn miến thành phẩm, nên cần một lượng rất lớn nguyên liệu dong riềng. Những năm gần đây, nhờ có đường bê tông ra tận ruộng, nên việc vận chuyển dong cũng tiện lợi hơn rất nhiều. Xe ô tô trọng tải nhỏ 2 – 5 tấn có thể ra tận ruộng để thu gom dong, nhờ đó mà giá thành miến giảm xuống, giá dong nguyên liệu tăng lên.

Bà Hồ Thị Huê - Phó Chủ tịch UBND xã Dương Liễu cho biết, hiện xã có khoảng 200 hộ làm nghề miến dong, ước tiêu thụ hàng trăm tấn dong nguyên liệu/ngày.

Anh Lê Văn Thành - một chủ cơ sở sản xuất miến dong ở Dương Liễu tâm sự: “Trước đây, tôi chủ yếu lấy nguyên liệu ở Hòa Bình và một số huyện lân cận, dong cồng kềnh vận chuyển được ít, cước vận chuyển cao nên buộc phải nâng giá miến. 2 năm gần đây, nhờ có vùng nguyên liệu quanh huyện, tôi đỡ được rất nhiều chi phí vận chuyển. Vào mùa (từ tháng 1 đến tháng 3) mỗi ngày tôi sản xuất ra khoảng 500 – 800kg miến thành phẩm, tương đương khoảng 15 – 20 tấn dong, nên không có chuyện ế dong”.