Mở nghề mới cho quê
Vốn nổi tiếng với làng nghề làm nón, làng Chuông, xã Phương Trung ngày xưa nườm nượp những chuyến xe về chở hàng xuất bán đi các tỉnh trong và ngoài nước, thì nay chỉ còn là mơ ước của ND nơi đây.
Ông Cưu trăn trở trước sự mai một của nghề làm nón. |
Dẫn chúng tôi đến thăm xưởng sản xuất của gia đình chị Lưu Thị Huê ở xóm Mới, Cầu Chuông, xã Phương Trung - một trong những địa chỉ sản xuất nón còn lại của xã, chị Huệ bộc bạch: "Nghề làm nón đã gắn bó với gia đình tôi từ thời ông bà. Trước đây, khi nghề nón còn phát triển, tôi cùng ND trong xã sống khoẻ với nghề, nhưng nay do nhu cầu thị trường không nhiều, ND đã dần bỏ nghề và chuyển hướng làm ăn.
Không thể nhìn làng nghề mai một, Hội ND xã, đứng đầu là ông Mai Văn Cưu đã tìm nghề mới thị trường có nhu cầu cao như mộc, làm lồng chim, làm thợ xây… cho hàng trăm hộ ND. Do còn vấn vương với nghề làm nón mà gia đình tôi chưa chuyển nghề. Tới đây, gia đình tôi sẽ chuyển sang làm mộc".
Theo ông Cưu, cách đây hơn 10 năm, nhà nhà trong xã làm nón, nón lá phơi trắng cả con đường bê tông, nhưng nay số hộ làm nón giảm 50%. Xã có 8 thôn với 4.200 hộ thì lao động làm nghề nón nay chỉ còn tập trung chủ yếu ở thôn Tân Tiến, với khoảng 800 hộ. Đứng trước khó khăn của ND, năm 2011, Hội ND xã đứng ra tổ chức lớp dạy nghề mộc cho 50 ND. Từ lớp học này, ND có thể áp dụng ngay và kiếm thu nhập gấp 2- 3 lần làm nón.
Đồng thời, Hội phối hợp với các ngành tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho ND. Nhờ đó, số hộ SXKD giỏi trong xã từ 100 hộ (năm 2007) tăng lên 890 hộ (năm 2012)".
Bên cạnh đó, hằng năm, Hội ND xã sẽ tổ chức cho các hộ ND tiêu biểu trong làm ăn kinh tế đi tham quan các mô hình khác trong tỉnh để học hỏi kinh nghiệm cũng như hướng dẫn các hộ khác làm giàu.
Càng khó khăn, càng phải cố gắng
Hơn 5 năm làm Chủ tịch Hội, ông Cưu luôn tâm niệm càng khó khăn, bản thân Chủ tịch Hội càng phải cố gắng bám sát dân, hiểu dân thì mới làm tròn trách nhiệm của người cán bộ xã được.
Ông Nhớ lại: "Khi mới từ chủ nhiệm HTX sang làm công tác hội, cơ sở vật chất của Hội rất thiếu thốn. Muốn thu hút ND tham gia sinh hoạt, Hội phải có quỹ vừa để phục vụ các hoạt động của Hội; vừa hỗ trợ hội viên nghèo sản xuất. Hiện, Hội ND xã có 3 nguồn quỹ là Quỹ Hưu ND; mỗi ND đóng từ 80-120kg thóc, sau 65 tuổi sẽ được hưởng "lương" hưu; Quỹ Chi hội và Quỹ Hỗ trợ nông dân với tổng số vốn hiện nay là 28 triệu đồng do hội viên ND trong xã đóng góp. Tuy số tiền chưa nhiều nhưng một số hộ nghèo đã được hỗ trợ vốn để sản xuất kịp thời từ nguồn quỹ này.
Với những việc làm thiết thực của Hội, số hộ nghèo trong xã đã giảm nhanh chóng, từ 600 hộ năm 2007 xuống còn 255 hộ năm 2012; ND vào Hội ngày càng nhiều, từ 870 hội viên năm 2007 tăng lên 1.323 hội viên vào cuối năm 2012…
Lan Dương