Dân Việt

Biến động nhân sự cấp cao tại "đế chế" Vingroup

Quang Sơn 12/07/2019 11:26 GMT+7
Hai nhân sự của quỹ đầu tư Warburg Pincus vừa đồng loạt từ chức vị trí thành viên HĐQT Tập đoàn Vingroup.

CTCP Tập đoàn Vingroup mới đây đã có thông báo về ngày đăng ký cuối cùng thực hiện lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản vào 29/7 nhằm thay đổi thành viên Hội đồng quản trị và một số vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của ĐHĐCĐ. Thời gian lấy ý kiến dự kiến từ 2/8 đến ngày 30/10.

Cùng thời điểm, Vingroup công bố chấm dứt tư cách thành viên HĐQT đối với ông Joseph Raymond Garnon theo văn bản từ chức vào ngày 8/7. Công ty Cổ phần Vincom Retai cũng thông báo về việc chấm dứt tư cách thành viên HĐQT với ông Jeffrey David Perlman theo đơn từ chức.

Ông Joseph Raymond Gagnon được bầu làm thành viên HĐQT Vingroup từ năm 2013. Còn ông Jeffrey Perlman được bổ nhiệm vào HĐQT Vincom Retail vào năm 2018. Cả hai vị này đều là người của Công ty quản lý Quỹ đầu tư Warburg Pincus - đơn vị chuyên đầu tư vốn cổ phần vào các doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng dài hạn. 

img

Khoản đầu tư tại Vincom Retail mang lại lợi nhuận lớn cho Warburg Pincus.

Hiện, Warburg Pincus đang điều hành hành chục quỹ đầu tư lớn tại nhiều quốc gia với tổng giá trị hơn 60 tỷ USD. Từ 2013 đến 2015, thông qua hai đại diện là WP Investments III B.V và Credit Suisse AG, Warburg Pincus đã rót 300 triệu USD vào Vincom Retail (VRE) của Vingroup theo hình thức cổ phần ưu đãi cổ tức có khả năng chuyển đổi thành cổ phần phổ thông và vay chuyển đổi. 

Cuối năm 2017, sau khi chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông và VRE chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán, Warburg Pincus và Credit Suisse AG đã bán lần lượt 195,3 triệu và 65,1 triệu cổ phiếu VRE, thu về hơn 10.574 tỷ đồng (470 triệu USD). Tháng 3 vừa qua, Warburg Pincus thông báo muốn bán tiếp 50 triệu cổ phiếu VRE.

Hiện tại, Warburg Pincus vẫn đang sở hữu 124 triệu cổ phiếu VRE thông qua WP Investments III B.V (93 triệu cổ phiếu) và Credit Suisse Singapore Branch (31 triệu cổ phiếu).

Ở động thái khác, mới đây Fitch đã thông báo sẽ rút xếp hạng tín nhiệm với Vingroup vì không đủ thông tin từ tập đoàn. Nguyên nhân là do Vingroup chủ động dừng tham gia vào quá trình đánh giá. 

Trong lần đánh giá gần nhất vào tháng 10/2018, Fitch giữ nguyên xếp hạng B+ cho Vingroup nhưng hạ mức triển vọng từ ổn định xuống tiêu cực. Nguyên nhân là do những rủi ro liên quan đến hoạt động kinh doanh tăng lên sau khi vay vốn để tài trợ cho lĩnh vực sản xuất ô tô, xe máy điện VinFast.

img

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng.

Fitch Ratings, cùng với Standard & Poor’s và Moody’s, là 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín nhất trên thế giới hiện nay. Tín nhiệm của Fitch là cơ sở quan trọng để doanh nghiệp thực hiện các hình thức huy động vốn trong nước và quốc tế.

Phản hồi về thông tin này với báo chí, Ông Nguyễn Việt Quang, Phó chủ tịch Vingroup, chia sẻ rằng đầu tư vào lĩnh vực ô tô có độ rủi ro cao nên việc các tổ chức đánh giá tín nhiệm hạ bậc là chuyện đương nhiên. Ông Quang cho rằng nếu Vingroup muốn duy trì chỉ số tín nhiệm của Fitch, tập đoàn sẽ phải từ bỏ việc sản xuất ôtô.

Mới đây nhất, Vingroup tiếp tục gây bất ngờ cho giới đầu tư khi thành lập thương hiệu hàng không Vinpearl Air - tiền thân là Công ty cổ phần Phát triển Thương mại và Dịch vụ VinAsia. Hiện Vinpearl Air có vốn điều lệ 1.300 tỷ đồng và đặt trụ sở tại khu Vinhomes Riverside Long Biên. 

Tập đoàn Vingroup giải thể 4 công ty con

Vingroup vừa chính thức công bố giải thể 4 công ty con vì không còn cần thiết để duy trì hoạt động.