Dân Việt

“Đại gia Điếu cày” Lê Thanh Thản

Phát hiện Tập đoàn Mường Thanh của đại gia điếu cày Lê Thanh Thản sai phạm nhưng không xử lý ngay, mà chờ doanh nghiệp này đầu tư vào đó nhiều công sức và tiền của rồi mới xử lý là không có lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Việc ông Lê Thanh Thản, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh bị khởi tố với tội danh “Lừa dối khách hàng” lại gây xôn xao dư luận. Còn có điều gì ẩn chứa ở đây?

Dư luận đa chiều

Trong khi chiến dịch chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước đang ở cao trào thì những sự việc khởi tố, bắt tạm giam những người vi phạm pháp luật thường được dư luận rất hoan nghênh. Nhân dân cho rằng, việc pháp luật phải xử lý những người gây hại cho sự phát triển của đất nước có ý nghĩa rất quan trọng, nó góp phần khôi phục niềm tin của dân vào chế độ.

Thông tin ông Lê Thanh Thản, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh bị khởi tố lan truyền rất nhanh. Việc ông Thản bị khởi tố khiến một số người hả hê, nhưng cũng có không ít người thương xót, nhiều người tiếc nuối. Đây là điều chúng ta cần suy ngẫm và tìm hiểu kỹ tại sao lại như vậy.

img

Khu HH Linh Đàm vi phạm nghiêm trọng quy hoạch giữa thanh thiên bạch nhật.

Cách đây ít lâu, trong một cuộc họp Hội đồng Nhân dân TP. Hà Nội, Giám đốc Công an Hà Nội Đoàn Duy Khương đã nói là sẽ khởi tố ông Thản vì những sai phạm doanh nhân này mắc phải. Những sai phạm đó là có dầu hiệu trốn thuế, xây dựng khi chưa có giấy phép, xây dựng vượt quá mức cho phép, không thực hiện đầy đủ yêu cầu về phòng cháy... Một khi người đứng đầu Công an Thủ đô Hà Nội đã nói công khai ở chốn công đường như vậy thì việc khởi tố là điều tất yếu, chỉ vấn đề là vào lúc nào mà thôi.

Ngày 10/7/2019, ông Lê Thanh Thản chính thức bị khởi tố. Chỉ có điều những vi phạm được cho là vị doanh nhân này mắc phải từng được người đứng đầu  lực lượng công an thủ đô nêu lại không có trong lệnh khởi tố. Thay vào đó là tội “lừa dối khách hàng”.

Tội danh này khiến nhiều người băn khoăn bởi vì cho rằng, ông Lê Thanh Thản có vi phạm trong sản xuất kinh doanh nhưng có lẽ ông ấy không lừa dối? Nếu ông ấy lừa dối thì nạn nhân là những ai? Họ bị thiệt hại như thế nào? Có khắc phục được không?...

Thông thường, nếu có sự lừa dối trong buôn bán và cung cấp dịch vụ, trước hết các bên gặp gỡ, thương lượng, đền bù; chỉ sau khi thương lượng không thành công, người ta mới khởi kiện ra tòa; mà cũng là những vụ án dân sự chứ không phải hình sự.

Nhưng ở đây ông Lê Thanh Thản bị khởi tố hình sự. Tuy ông không bị bắt giam (tội danh “Lừa dối khách hàng” không trầm trọng, ít nguy hiểm nên người bị khởi tố có thể tại ngoại) nhưng rõ ràng việc khởi tố ảnh hưởng rất lớn tới sinh hoạt của bản thân ông, của gia đình và công việc kinh doanh của doanh nghiệp.

“Đại gia Điếu cày”

Ông Lê Thanh Thản được mệnh danh là “Đại gia điếu cày” vì ông ấy là Chủ tịch của Tập đoàn Mường Thanh lừng danh về sự giàu có nhưng bản thân ông ấy có phong cách sinh hoạt giản dị: hút thuốc lào, uống nước chè xanh, ăn cá trích, uống rượu “quốc lủi”.

Quê Diễn Lâm, Diễn Châu, Nghệ An, ngày trẻ, ông ấy đi bộ đội, sau đó về làm công tác Đoàn. Khi chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, ông được điều lên công tác ở Lai Châu. Khi Đảng và Nhà nước chủ trương phát triển kinh tế, ông Thản tham gia kinh doanh.

img

Ông Lê Thanh Thản kinh doanh chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản và khách sạn. Hệ thống khách sạn Mường Thanh được công nhận là Tập đoàn khách sạn tư nhân lớn nhất ở châu Á với trên 10.000 phòng, chiếm khoảng 1/10 tổng số phòng tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên ở Việt Nam.

Về “đại gia điếu cày” Lê Thanh Thản, giới quan sát và giới truyền thông đã bàn luận với nhau lâu rồi. Họ chia thành hai phe; một phe cho rằng, ông Thản có nhiều sai phạm, cần phải khởi tố; phe thứ hai cho rằng, ông Thản đáng được phong Anh hùng vì ông tạo ra cho xã hội, cho đất nước rất nhiều tài sản; ông còn tạo ra công ăn, việc làm cho hàng chục ngàn người; và nữa, nhờ có ông Thản mà hàng ngàn người thu nhập thấp có nhà để ở.

Thật ra, giới quan sát và không ít nhà báo biết rằng, ông Lê Thanh Thản có xây nhà vượt phép, nghĩa là xây nhiều tầng, nhiều căn hộ hơn trong giấy phép; có vi phạm yêu cầu về kỹ thuật phòng cháy, chữa cháy.

Tuy nhiên, trách nhiệm trong việc này trước hết thuộc về các cơ quan chức năng và chính quyền. Bởi vì đây là những cơ quan có đủ thẩm quyền để bắt ông Thản phải dừng xây dựng nếu ông ấy vi phạm. Thế nhưng trên thực tế, ông ấy vi phạm nhưng vẫn được tiếp tục xây dựng, tiếp tục bán nhà, tiếp tục phát triển… Đây là điều hơi khó hiểu khi chúng ta chủ trương thượng tôn pháp luật.

Những sai phạm được tiếp tay

Một số người cho rằng, ông Lê Thanh Thản đã xây dựng quá mức cho phép, phá vỡ quy hoạch. Nếu điều này xẩy ra trong thực tế, ông Thản sai một, thì thanh tra xây dựng và chính quyền sai mười. Nhiệm vụ của thanh tra xây dựng là kiểm tra, giám sát việc các doanh nghiệp xây dựng. Khi phát hiện sai phạm, thanh tra cùng với chính quyền xử phạt ngay, trong trường hợp cần thiết ra lệnh đình chỉ xây dựng. Mục đích của việc này là bắt doanh nghiệp tôn trọng pháp luật và ngăn ngừa sự rắc rối, sự lãng phí về sau.

Thanh tra xây dựng và chính quyền chưa làm tốt việc này. Tôi xin lấy công trình xây dựng tòa nhà 8B Lê Trực, Ba Đình, Hà Nội (đây không phải công trình do Tập đoàn Mường Thanh của ông Thản xây dựng) làm ví dụ. Tòa nhà cao tầng này xây gần Lăng Bác, gần Hội trường Ba Đình, giữa nơi gần như sôi động nhất Thủ đô Hà Nội. Vì vậy, đừng có nói là không ai thấy việc xây dựng quá phép!

Thậm chí Chủ tịch UBND TP. Hà Nội khẳng định là tòa nhà xây quá phép ngay từ phần móng. Vậy mà người ta im lặng. Người ta chỉ lên tiếng, chỉ can thiệp khi tòa nhà đã xây xong phần thô. Quyết định đưa ra là phải cắt bỏ những phần xây quá phép. Việc này làm gần cả chục năm vẫn chưa xong. Kết quả là tòa nhà đứng hoang tàn ở nơi gần như linh liêng nhất Thủ đô Hà Nội. Điều này làm Thủ đô có nhếch nhác, bị băm nát.

Tôi cứ nhớ mãi kết luận của Thanh tra TP.Hà Nội đăng tải trên báo chí: “Các vi phạm diễn ra trong thời gian dài nhưng không bị phát hiện, xử lý, ngoài trách nhiệm của doanh nghiệp, còn có trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, của chính quyền sở tại nơi có dự án đã thiếu trách nhiệm, thiếu kiểm tra, buông lỏng quản lý, không có biện pháp xử lý”.

Đó là những ai vậy?

Tôi có cảm giác người ta biết các doanh nghiệp xây dựng sai phạm nhưng không xử lý ngay, mà chờ đến lúc cần mới xử lý. Cách làm này vừa lãng phí, vừa không nghiêm về mặt pháp luật, và không đúng tinh thần, mục đích thanh tra, vì mục đích của thanh tra là phát hiện và ngăn chặn sai phạm khi nó mới bắt đầu phát sinh để hạn chế tác hại.

Vì thế, việc khởi tố ông Lê Thanh Thản tội danh “Lừa dối khách hàng” có vẻ không lột tả đúng bản chất sự việc. Tuy nhiên, lệnh khởi tố đã được ban hành, sự việc sẽ được điều tra và sẽ có kết luận. Nhưng ngay từ bây giờ, việc này đã có những tác động nhất định đến không khí sản xuất kinh doanh trong xã hội.

Chủ doanh nghiệp sai phạm, phải xử lý là điều không phải bàn cãi. Vấn đề là xử lý thế nào để họ có thể khắc phục và tiếp tục phát triển. Còn xử lý theo kiểu góp nhiều sai phạm lại (đồng nghĩa với việc đầu tư nhiều tiền bạc rồi) rồi mới xử lý thì thiệt hại sẽ rất lớn - thiệt hại cho doanh nghiệp và cho cả xã hội nữa.

Cách xử lý này khiến một số người cảm thấy lo lắng sâu xa là ở Việt Nam khó có nhiều tập đoàn kinh tế lớn mạnh nếu chính quyền và cơ quan chức năng đối xử với doanh nghiệp theo kiểu như đối với trường hợp ông cũng như với không ít các doanh nghiệp khác. Phát hiện doanh nghiệp sai phạm nhưng không xử lý ngay, mà chờ doanh nghiệp đầu tư vào đó nhiều công sức và tiền của rồi mới xử lý là không có lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Cần phải nhìn nhận của cải vật chất do cá nhân, tập thể tạo ra – trước hết thuộc về họ nhưng nhìn tổng thể chúng là của xã hội, của đất nước. Nhìn nhận được như vậy, chúng ta mới ghi nhận sự đóng góp của người giàu và tinh thần làm giàu của người dân.