Mới đây, tôi được cô nhân tình đã cắt đứt liên lạc nhiều năm cho biết, đứa con trai mà cô đang nuôi là con trai của tôi. Sau khi làm xét nghiệm, xác định đứa bé đúng là con mình, tôi muốn nhận con.
Cái khó là trong giấy khai sinh, cô nhân tình của tôi khai tên cha đứa trẻ là người chồng hiện tại của cô ấy. Xin hỏi luật sư, tôi phải làm các thủ tục gì để được pháp luật công nhận đứa trẻ là con tôi?
(Lê Thanh Thản, Đà Nẵng)
Luật sư Bùi Quang Thu (Đoàn luật sư TP Hà Nội) trả lời: Nếu cô nhân tình cũ, chồng cô ta (người đang đứng tên khai sinh là cha đứa trẻ) và bạn có thể thỏa thuận được thì chỉ cần làm theo cách sau:
Luật sư Bùi Quang Thu
Ba người cầm kết quả xét nghiệm ADN và bản chính giấy khai sinh của cháu bé cùng giấy chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, sổ hổ khẩu ra UBND phường (xã) nơi cháu bé đang cư trú, đề nghị UBND cấp phường (xã) hướng dẫn làm lại Giấy khai sinh cho cháu và việc công nhận bạn là cha đẻ của bé.
Trường hợp không thỏa thuận được, thì căn cứ điều 64 luật Hôn nhân và gia đình để giải quyết.
Theo đó, bạn có thể làm đơn khởi kiện gửi đến TAND cấp quận, huyện nơi cư trú của mẹ con cháu bé đề nghị giải quyết khi việc nhận cha, con phát sinh tranh chấp.
Trong trường hợp này, bạn cần nộp chứng cứ quan trọng là kết quả giám định AND chứng minh mình là cha đẻ của đứa trẻ để tòa án có căn cứ quyết định.
Điều 11, Thông tư 15/2015/TT-BTP hướng dẫn luật Hộ tịch và Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định: Chứng cứ để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định của luật Hộ tịch gồm một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây: Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.
Căn cứ vào quy định của bộ luật Tố tụng dân sự, cơ quan tòa án có thẩm quyền sẽ tiến hành thụ lý đơn khởi kiện của bạn.
Tuy nhiên, điều bạn nên làm trước tiên là thể hiện tình thương yêu với con mình, đồng thời tỏ thái độ biết ơn người chồng của cô tình nhân cũ trước khi khởi kiện đòi quyền nhận lại con.