Mùa mưa đến cũng là thời điểm núi Cấm vào mùa trái cây. Các loại trái cây ở đây từ lâu nổi tiếng có vị ngon, ngọt tự nhiên, mang hương vị đặc trưng so với những nơi khác. Đặc biệt, do điều kiện thổ nhưỡng phù hợp nên cây trái phát triển rất tốt, ít bị sâu bệnh phá hoại, do đó rất ít sử dụng thuốc hóa học, trái cây sạch, đáp ứng nhu cầu thưởng thức trái cây sạch của người dân địa phương cũng như du khách tham quan.
Sầu riêng sạch
Thiên Cấm Sơn vào mùa mưa phủ lên một màu xanh của các loại rau màu và cây ăn trái. Ở đây, ngoài các loại cây được người dân trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao như: cam, quýt, bơ, bưởi… thì sầu riêng là loại trái cây rất được ưa chuộng của nhiều du khách.
Sầu riêng núi Cấm cho năng suất không cao nhưng chất lượng đảm bảo.
Ông Hồ Việt Trung (ấp Vồ Bà, xã An Hảo), người đã trên gắn bó hơn 60 năm với vùng đất núi Cấm cho biết: “Cây sầu riêng xuất hiện trên núi Cấm rất lâu, giống cây là gì tôi không nắm được, chỉ biết mua ở Bến Tre. Sầu riêng ở đây phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên, chất lượng trái thơm ngon, mang hương vị đặc trưng”.
Đặc biệt, cây sầu riêng ở đây rất cao, có cây cao đến hàng chục mét, nên việc chăm sóc và thu hoạch trái gặp rất nhiều khó khăn. Sầu riêng núi Cấm có trái không to như ở vùng đồng bằng, nhưng trái rất sai nên nông dân có thu nhập, trong quá trình trồng không cần phải tốn công chăm sóc hay sử dụng bất kỳ loại phân hóa học nào để chăm bón cây sầu riêng. Hiện nay vào thời điểm đầu mùa, sầu riêng bán tại vườn giá 70.000-80.000 đồng/kg”.
Sầu riêng núi Cấm được bán rất nhiều ở khu vực chân núi. Tuy nhiên, du khách nên tham quan, thưởng thức ngay tại vườn để cảm nhận hương vị đặc biệt “riêng” của sầu riêng núi Cấm.
Đặc sản non cao
Sầu riêng núi Cấm từ lâu là một trong những món ăn đặc sản của vùng núi Cấm. Chị Nguyễn Thị Thủy Tiên (du khách đến từ huyện Châu Thành) chia sẻ: “Hương vị của trái sầu riêng ở đây khá đặc biệt so với các giống sầu riêng trồng ở nhiều nơi khác. Mặc dù có giá bán hơi cao nhưng chất lượng đảm bảo, không sử dụng thuốc hóa học nên chúng tôi rất an tâm”.
Nhà anh Phạm Hoài Phương (dưới chân vồ Bồ Hong) có khoảng 20 gốc sầu riêng đang cho trái và đang chuẩn bị thu hoạch. Năm nay, do tình hình thời tiết diễn biến thất thường nên năng suất trái không cao. Tuy nhiên, nhờ trồng xen canh với các loại cây trồng khác nên đảm bảo thu nhập cho nông dân ở đây.
Anh Phương cho biết, do cây sầu riêng có đặc tính sinh trưởng chủ yếu trên vùng đất đá nghèo dinh dưỡng, nên phải mất 5-10 năm cây mới cho trái. Để thưởng sầu riêng phải chờ cho đến khi trái chín rụng, nên bà con nông dân ở đây có quan niệm “trời cho bao nhiêu thì ăn bấy nhiêu”.
“Nhiều trái rụng xuống đất là nát bấy, không thể ăn được. Ngoài ra, còn bị nhiều con vật như: sóc, nhen… cắn phá làm rụng trái, nên số lượng trái có để bán rất ít. Được cái là trái có nhiều múi, cơm nhiều, hạt nhỏ, hương vị không thua kém so với các giống được trồng ở đồng bằng nên có bao nhiêu cũng bán hết” - anh Phương chia sẻ.
Chị Lê Thị Kim Phượng (ngụ ấp Vồ Đầu, xã An Hảo) cho biết thêm, trước đây, sầu riêng trên núi bán với giá khá rẻ, đồng thời do tình trạng sóc, nhen gây hại nên nhiều hộ dân ở đây chặt bỏ, trồng các loại cây ăn trái khác có giá trị kinh tế cao hơn.
“Hiện nay, sầu riêng trở thành một trong những loại trái cây đặc sản nên số lượng không đủ để bán. Muốn ăn được trái tại gốc phải đặt trước mới có đủ số lượng để cung cấp” - chị Phượng thông tin.
Hiện nay, một số nhà vườn trên núi Cấm đã phát triển các giống sầu riêng mới cho năng suất cao và ổn định hơn. Phần lớn các nhà vườn trồng sầu riêng trên núi Cấm tận dụng diện tích đất trống để trồng xen canh thêm nhiều loại cây trồng khác nhằm đa dạng cơ cấu cây trồng, từ đó nâng cao thu nhập cho gia đình. |