Cưỡng chế nhà trái quy địnhBáo NTNN vừa nhận được đơn của ông Trần Cao Khâm (63 tuổi, ở thôn Sinh Cờ, xã Sơn Châu, Hương Sơn, Hà Tĩnh) phản ánh: Năm 1983, gia đình ông được UBND xã Sơn Châu giao cho 1.200m
2 đất tại khu vực Rú Am (nằm sát QL 8B, nay thuộc thôn Sinh Cờ). Sau đó ông Khâm đã làm nhà ở và sản xuất ở trên khu đất này.
Về sau, do bị ảnh hưởng lũ lụt, gia đình ông đã chuyển sang chỗ khác ở. Tháng 1.2011, gia đình ông Khâm quay lại làm căn nhà gỗ 2 gian ở trên mảnh đất này liền bị UBND xã cưỡng chế.
Ông Trần Cao Khâm (trái) tại mảnh đất được UBND xã cấp năm 1983.
Ông Khâm cho biết: “Chúng tôi đã làm đơn gửi lên các cơ quan chức năng ở huyện, tỉnh về sai phạm của lãnh đạo xã Sơn Châu. Tôi có đầy đủ giấy tờ, kể cả báo cáo đất tồn đọng chưa được cấp sổ đỏ cũng đứng tên tôi, ngoài ra lãnh đạo UBND xã Sơn Châu (thời điểm đó) - hàng xóm của tôi ở mảnh đất này - cũng chứng nhận là tôi đã ở từ năm 1983. Vậy mà họ lại cho rằng đó là đất của xã quản lý”.
Sau khi có đơn của ông Trần Cao Khâm, UBND huyện Hương Sơn, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã cho lập đoàn kiểm tra, thanh tra, và sau đó đều có quyết định về việc giải quyết khiếu nại của ông Khâm.
Theo đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh và UBND huyện Hương Sơn kết luận: Về hồ sơ, thủ tục cưỡng chế, tháo dỡ nhà của ông Khâm do UBND xã Sơn Châu lập còn thiếu sót, một số quy trình chưa đúng quy định pháp luật. Yêu cầu xã này phải giao trả lại đầy đủ nhà cửa đã tháo dỡ cho gia đình ông Khâm... Việc ông Khâm đề nghị UBND huyện cấp sổ đỏ cho ông trên mảnh đất này không được chấp thuận.
Thanh tra không thực hiện
Sau khi nhận được kết luận trên, ông Khâm tiếp tục làm đơn khiếu nại các quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh và khẳng định: Đoàn thanh tra chưa xem xét đầy đủ các giấy tờ sử dụng đất mà gia đình đã cung cấp.
Nhiều lần phóng viên liên hệ với UBND tỉnh Hà Tĩnh để tìm hiểu về những văn bản thiếu thống nhất của UBND tỉnh, tuy nhiên lãnh đạo Văn phòng UBND cho rằng chỉ cần Thanh tra tỉnh trả lời là được, văn phòng còn bận họp...
|
Đến ngày 7.1.2014, UBND tỉnh Hà Tĩnh ra văn bản gửi Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh truyền đạt ý kiến của ông Trần Minh Kỳ - Phó Chủ tịch thường trực giao Thanh tra tỉnh “Làm việc cụ thể với công dân, tổ chức đối thoại, soát xét lại việc khiếu nại của ông Trần Cao Khâm, trả lời công dân trước ngày 15.1.2014”.
Bất ngờ, ông Khâm lại nhận được văn bản trả lời công dân của UBND tỉnh ngày 14.1.2014, nội dung chỉ nói đến việc soát xét lại hồ sơ mà không đề cập nội dung “làm việc cụ thể với công dân, tổ chức đối thoại với ông Trần Cao Khâm”.
Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Khâm bức xúc: “UBND tỉnh giao nhưng không hề thấy Thanh tra tới làm việc để tôi có thể cung cấp thêm thông tin, tài liệu. Thời gian qua tôi nhiều lần gửi đơn khiếu nại quyết định UBND tỉnh (có chứng từ gửi qua bưu điện) nhưng họ lại nói là tôi không thắc mắc, không nhận được đơn?”.
Sau nhiều lần né tránh, Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh mới cung cấp cho phóng viên văn bản tham mưu cho UBND tỉnh và được một cán bộ thanh tra giải thích là “chỉ cần soát xét chứ không cần gặp dân làm việc vì không có gì mới”. “Nhiều lúc tỉnh ra văn bản mà không hiểu công tác của thanh tra” - vị này giãi bày.