Ông Nguyễn Quang Vinh, nguyên Vụ phó Quy hoạch kiến trúc (Bộ Xây dựng) đặt vấn đề xung quanh việc đường Trường Chinh bị uốn cong.
KTS Nguyễn Quang Vinh cho biết, các quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ và Hà Nội trước đây đã thể hiện đường Trường Chinh là thẳng và có xu hướng mở rộng về phía Nam. Chính vì xác định hướng mở rộng về phía Nam nên khi Hà Nội xây dựng các điểm giao thông như Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng đã thi công và đều mở rộng theo hướng này.
Đường Trường Chinh bị nắn cong.
“Bởi vậy, việc Hà Nội cần làm là nối một đường thẳng vào các nút nhưng lại bẻ dích dắc tạo nên điểm giao đâm thẳng vào trụ cầu vượt Ngã Tư Vọng”, ông Vinh nói.
Theo ông Vinh, nếu thi công theo hiện tại thì đường Trường Chinh sẽ là con đường dích dắc có 8 điểm thì có 7 đoạn bị bẻ gãy cong. Trong đó, đường cong thể hiện rõ nhất là gần từ ngõ 150 tới Ngã Tư Vọng khi đường bị bẻ sâu tới hơn 35 m.
Ông Vinh cho rằng, một tuyến đường chỉ gần 2km mà có 7 điểm bẻ cong thì sẽ rất khó khăn cho các phương tiện di chuyển.
Nếu không bẻ cong đường tiết kiệm được nghìn tỷ tử GPMB?
Cùng quan điểm với ông Vinh, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP Hà Nội, Đào Ngọc Nghiêm nói với PV rằng nguyên tắc mở đường giao thông, đường trục thành phố thì phải tuân thủ theo kỹ thuật, mở tuyến là thẳng, nếu có cong thì phải đúng với độ cong cho phép phù hợp với quy định, góc chuyển tiếp có bán kính cong thích hợp tránh tạo thành những điểm cong đột biến.
“Như trường hợp đường Trường Chinh nếu mở đường mà có những đoạn cong đột biến thì gây rất nhiều khó khăn trong quy hoạch đô thị, làm nảy sinh hàng loạt hệ lụy rất khó kiểm soát về giao thông, hạ tầng kỹ thuật”, ông Nghiêm nói.
Ông Nguyễn Quang Vinh thống kê, với chiều dài chưa đầy 2km nếu mở rộng về phía Nam theo các quy hoạch trước của Thủ tướng và Hà Nội thì toàn tuyến đường có 12 cơ quan, trong đó diện tích đất quốc phòng chiếm tới hơn 1/2. Bởi vậy, mở đường về phía Nam sẽ tiết kiệm được chi phí hơn nhiều.
“Hà Nội nói hơn 2.000 tỷ đồng được dành để GPMB (giải phóng mặt bằng) cho các hộ dân bị ảnh hưởng hai bên đường với 416 hộ, mà các hộ dân này chủ yếu nằm ở phía Bắc, phía Nam hầu như như chỉ cắt một phần đất chứ ít hộ bị giải tỏa. Nếu mở về phía Nam, chủ yếu là trụ sở các cơ quan nhà nước, trong đó đất quốc phòng chiếm phần lớn thì Hà Nội đã tiết kiệm chi phí hơn nghìn tỷ đồng rồi”, ông Vinh nói.
Ngoài ra, cũng theo Vụ phó Quy hoạch kiến trúc, đường Trường Chinh bị bẻ cong gây hệ lụy không nhỏ tới hạ tầng đô thị. Bởi, chi phí sẽ đội lên bởi công trình ngầm như hệ thống thoát nước, cáp điện ngầm, đường nước sinh hoạt, đường cáp thông tin…
Trong khi đó, tại cuộc họp báo của Thành ủy Hà Nội chiều 8.4, đại diện Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội đã đưa ra nhiều hồ sơ
tài liệu về tuyến đường và thừa nhận, theo hướng tuyến và chỉ giới đường đỏ thì đường Trường Chinh
(Đường vanh đai II) không thẳng mà có sự "dịch chuyển nhẹ nhàng, tạo ra
đường cong mềm mại".
Đề cập đến việc có hay không lợi ích nhóm trong việc nắn đường, ông Dương Đức Tuấn -Phó giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc TP.Hà Nội cho biết, kể
từ khi Bộ Quốc phòng cho ý kiến đến nay là đã 14 năm, UBND TP.Hà Nội ban hành quyết định 19/2008
phê duyệt chỉ giới đường đỏ đến nay là 6 năm: "Đây là một quá trình làm việc rất công phu, không vì
một lợi ích nào cả. Thành phố Hà Nội đã thực hiện theo đúng quy trình quy định đầy đủ, còn vấn đề
của Bộ Quốc phòng là nội bộ như thế nào thì chúng tôi không nắm được và không thể phát ngôn", ông
Tuấn cho hay.