Mới đây, ngày 7/10 UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 148 yêu cầu tổ chức quán triệt đối với các thêu bao thực hiện nhắn tin, đăng tin rao vặt, quảng cáo liên quan đến “tín dụng đen”, vay trực tuyến không đúng theo quy định của pháp luật... Mục tiêu đề ra là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan hoạt động “tín dụng đen”. Về vấn đề thực hiện, UBND TP Hà Nội đã giao cho Công an Thành phố áp dụng đồng bộ các biện pháp vào công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật; nâng cao kết quả điều tra khám phá các loại tội phạm, làm giảm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn.
Cụ thể các đơn vị cần phối hợp với các cơ quan rà soát, thu hồi sim rác (sim đăng ký thuê bao không đúng quy định); thực hiện tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hoặc thu hồi về kho số viễn thông đối với các thuê bao thực hiện nhắn tin, đăng tin, rao vặt, quảng cáo liên quan đến "tín dụng đen", vay ngân hàng, vay trực tuyến không đúng theo quy định của pháp luật... Hiện nay hoạt động cho vay tín chấp, vay nặng lãi, tín dụng đang hoạt động rất mạnh và được quảng cáo rầm rộ thông qua các tờ rơi, các tấm áp pích quảng cáo được dán trên các bờ tường, khắp các ngõ ngách của Hà Nội.
Những quảng cáo hoạt động "cho vay lãi suất thấp" như thế này xuất hiện khắp các tường rào, hộp điện công cộng, cột điện, thùng thư... không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh khốn cùng do không trả được món nợ với lãi suất cắt cổ.
Từ các tiệm cầm đồ nằm ở cổng trường đại học cho đến những con đường, ngõ phố… ở Hà Nội, vô vàn tờ rơi quảng cáo cho vay trả góp, hỗ trợ tài chính được dán chi chít khiến mọi người có thể dễ dàng nhìn thấy.
Hoạt động tín dụng đen với các vỏ bọc bên ngoài dưới dạng các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cầm đồ, cho thuê xe tự lái, công ty vệ sĩ, tư vấn tài chính,... thực chất là cho vay nặng lãi.
Nếu cho vay tín chấp, vay lãi quá số phần trăm mà luật luật pháp quy định, người cho vay có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Nguy hiểm hơn khi các hoạt động này lại thường sẵn sàng cho sinh viên vay tiền mà chỉ cần thẻ sinh viên hoặc thành tích học tập làm bằng chứng.
Có nhiều thành phần là mồi ngon cho các hoạt động "tín dụng đen" này như thanh niên ham mê cá độ cờ bạc, game online, một bộ phận người dân do thiếu tiền làm ăn, cần tiền gấp để giải quyết công việc hoặc các trường hợp như ốm đau bệnh tật.
Theo thống kê, trong 4 năm từ 2015 - 2018, toàn quốc đã xảy ra 7.624 vụ phạm tội liên quan đến tín dụng đen, trong đó có 56 vụ giết người, 389 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 836 vụ cưỡng đoạt tài sản, 1809 vụ lừa đảo, 3581 vụ lạm dụng tín nhiệm, 165 vụ hủy hoại tài sản.
Nhiều lời mời cho vay tiền hấp dẫn trên các con phố nhỏ của Hà Nội.
Không chỉ dán trên tường, bốt điện mà những băng rôn như này được người chủ cho vay treo lơ lửng trên dây điện .