Những năm gần đây, cây tùng la hán Nhật Bản được giới chơi cây trong nước khá ưa chuộng. Nhằm đáp ứng nhu cầu chơi cây đa dạng của người Việt, một số người yêu cây đã sang tận Nhật Bản tìm mua những cây đẹp nhất, đưa lên tàu “vượt biển” về Việt Nam.
Một nhà vườn ở thị trấn Neo (Yên Dũng, Bắc Giang) đã đưa hàng loạt cây tùng Nhật Bản về để thỏa mãn thú chơi cây ngoại cũng như muốn những người chơi cây trong nước biết đến nhiều hơn. Đặc biệt, tùng la hán rất được ưa chuộng trong thời gian gần đây.
Để sở hữu những tác phẩm này, chủ vườn phải bỏ ra một số tiền rất lớn để mua và vận chuyển cây về Việt Nam.
Theo chủ vườn, những cây tùng nhiều năm tuổi được các nghệ nhân người Nhật làm rất tỷ mỉ, công phu bởi người Nhật rất kỹ tính trong công việc cũng như cách làm cây.
“Họ coi việc chăm sóc cây như chăm sóc một con người, có cây không chỉ một đời người chăm sóc mà có thể vài đời người chăm sóc nên giá cây rất đắt. Người có tiền chưa chắc đã mua được những cây đẹp”, chủ vườn chia sẻ.
Sở dĩ cây cảnh nghệ thuật có giá đắt vì dáng thế đẹ, phải được trồng trong chậu từ nhỏ, mỗi ngày người nghệ nhân phải chăm sóc, cắt tỉa. Việc chọn dáng thế đòi hỏi người nghệ nhân phải có con mắt nghệ thuật để “thổi hồn” cho cây.
"Tùng la hán có thể trồng làm cây bonsai hoặc làm cây cảnh bình thường... Trong các nhà vườn, nhiều cây tùng trị giá tiền tỷ đến hàng chục tỷ", chủ nhà vườn chia sẻ.
Nhà vườn này chia sẻ thêm: "Nói đến tùng là nói đến khí phách của người quân tử, sống giữa rừng sâu, núi cao chỉ có tùng mới đủ sức vươn lên khỏi các bụi cây lúp xúp để đón nắng và gió trời và cũng chỉ có loại cây này mới chịu được mọi sự khắc nghiệt của thiên nhiên…".
Đặc biệt, nhựa cây tùng già (hổ phách) ngoài việc để làm hương liệu còn là một linh dược quý để trị bệnh cứu người nên được rất nhiều người săn tìm mua về chơi.
Hàng năm, tại châu Á, các cuộc triển lãm diễn ra nhằm tìm những cây tùng đẹp nhất. "Đã có một số đại gia ở Việt Nam sở hữu vài cây tùng giành giải vàng, có cây khi về đến Việt Nam mất gần 10 tỷ đồng", chủ vườn thông tin.
Đa số cây tùng về Việt Nam đều có tuổi đời rất cao và dáng thế đẹp.
Người Nhật chơi cây thường đặt cây vào bối cảnh hợp lý. Đa số họ để trên những phiến đá đẹp, phù hợp để làm bật nổi dáng cây.
Một cây tùng có dáng thế độc đáo (hình con rồng).
Xung quanh gốc cây, nghệ nhân đặt thêm bọt biển.
Thân cây ngắn nhưng uốn lượn hình một con rồng, phải trải qua thời gian dài người nghệ nhân mới có thể tạo tác được như vậy.