Đó là một phiên tòa đã diễn ra cách đây hàng chục năm. Tuy nhiên, diễn biến sự việc và những giọt nước mắt tại phiên tòa đã khiến vị thẩm phán năm đó ấn tượng.
Ông là Nguyễn Ngọc Liên, hiện là giám đốc công ty luật. Khi còn là thẩm phán tại một tòa án ở Hà Nội, ông Liên từng nhận được đơn xin ly hôn của chị Phạm Ngọc Hân ở Hàng Bài (Hà Nội).
Ông Nguyễn Ngọc Liên, hiện là giám đốc một công ty luật.
'Người phụ nữ này còn trẻ tuổi, có 1 đứa trai. Gia đình chồng khá giả, có ki ốt bán đồ khô ở chợ Đồng Xuân. Đáng nói, khi chị Hân tha thiết muốn ly hôn, người chồng không một lần xuất hiện. Nhưng mẹ chồng và gia đình chồng thì ra sức ngăn cản', ông Liên nói.
Tìm hiểu hoàn cảnh gia đình và lý do người phụ nữ trẻ muốn ly hôn, ông Liên mới vỡ lẽ. Hóa ra, đó là một cuộc hôn nhân khá đặc biệt. Hân vốn là cô gái vùng dân tộc thiểu số. Năm 18 tuổi, Hân được mai mối và kết hôn với chàng trai Hà Nội.
Nói là mai mối nhưng Hân chỉ được nhìn thấy chàng trai qua ảnh. Ngày cưới, chàng trai này xuất hiện trong bộ vest thời trang. Khuôn mặt anh rạng ngời, tuấn tú khiến ai ở bản làng Hân nhìn thấy cũng trầm trồ.
Hân cũng lâng lâng trong niềm hạnh phúc suốt quãng đường về nhà chồng. Ai ngờ, sau khi bước chân vào phòng tân hôn, Hân mới hốt hoảng. Hóa ra, người đàn ông có gương mặt đẹp đẽ, sáng ngời ấy là em trai của chú rể. Chú rể bị liệt toàn thân nên chỉ có thể nằm trên chiếc giường cưới đợi cô dâu của mình được đón về.
Khoảnh khắc nhìn thấy người đàn ông bại liệt, Hân nói, cô định bỏ chạy. Thế nhưng người cô ruột đã nắm lấy tay Hân và nói thầm vào tai cô. Hân đứng như trời trồng. Hai hàng nước mắt cứ thế chảy tràn.
Từ đó Hân trở thành vợ của người đàn ông bại liệt. Hàng ngày cô phụ mẹ chồng bán hàng. Đến bữa cơm, Hân về nhà nấu nướng, chăm sóc cho chồng.
4 năm sau ngày cưới, Hân ngoại tình. Người tình của Hân là ông chủ cửa hàng hoa quả ở đầu phố. Hai người qua lại được chừng nửa năm thì bố mẹ và gia đình chồng biết chuyện. Cả nhà nhiều lần mắng chửi, định đuổi Hân ra khỏi nhà.
Hân cũng muốn thoát khỏi cuộc hôn nhân không hạnh phúc để đến với người tình. Thế nhưng khi biết ý định của Hân, ông chủ cửa hàng hoa quả có ý 'chạy làng'. Đúng lúc này, Hân phát hiện mang thai. Vì vậy, cô đành nói với cả nhà chồng, cái thai là của chồng mình.
Bố mẹ chồng Hân cảm thấy khó tin nhưng vẫn mừng vui. Họ quyết định bỏ qua lỗi lầm của con dâu rồi ra sức quan tâm, chiều chuộng Hân. Hân cảm động. Nhưng vì trong lòng có điều lo lắng nên khi mẹ chồng làm xong thủ tục nhập khẩu cho cô về Hà Nội (thời điểm đó, hộ khẩu Hà Nội là mơ ước của rất nhiều người), Hân quyết định gửi đơn ly hôn.
Cả gia đình bất ngờ về quyết định của Hân. Mẹ chồng can Hân không được còn tìm gặp cả thẩm phán đề nhờ tư vấn và mong quý tòa khuyên giải Hân.
Ảnh minh họa
Ông Liên cũng đã truyền tải đến Hân những lời gan ruột của người mẹ chồng. Thế nhưng, sau khi kể cho vị thẩm phán toàn bộ sự việc, Hân khăng khăng giữ quan điểm.
‘Xét thấy, cuộc hôn nhân không đem lại hạnh phúc cho người phụ nữ. Hân cũng thừa nhận đứa trẻ không phải con của chồng. Gia đình chồng sau đó đã đi xét nghiệm ADN và nhận ra sự thật. Vì vậy, tôi đồng ý xét xử ly hôn theo quy định.
Tôi cũng khuyên người mẹ chồng nên cho nàng dâu chút tài sản. Dù sao, cô ấy cũng đã có công lớn trong việc chăm sóc người chồng bại liệt và hỗ trợ việc kinh doanh cho gia đình chồng mấy năm qua', ông Liên nói.
Cuối cùng, mẹ chồng Hân cũng đồng ý.
‘Phiên tòa diễn ra không có mặt người chồng, nhưng rất đông người trong gia đình chồng đến. Họ không cãi vã, cũng không kể tội nhau. Tuy nhiên, không khí lại vô cùng nặng nề. Hầu hết những người trong phiên tòa đều khóc. Những giọt nước mắt cứ sụt sùi…
Nhưng bất ngờ hơn là khi kết luận ly hôn được tuyên bố, tôi thấy người mẹ chồng tiến gần đến chỗ nàng dâu đã cũ vỗ vai và nói điều gì đó’, ông Liên nhớ lại.
Nghe nói, người mẹ chồng đã tặng cho hai mẹ con một món tiền giá trị. Đồng thời, sau khi hai mẹ con Hân rời đi, gia đình này vẫn thường xuyên gửi quà cho đứa bé. Vì vậy, hai mẹ con Hân thỉnh thoảng vẫn đi lại nhà chồng cũ.
‘Mối quan hệ của họ còn tốt đẹp hơn cả khi sống cùng nhau', ông Liên cho biết.
Theo ông, đây là một cái kết ngoài mong đợi. Vì trong sự nghiệp thẩm phán của mình, ông thấy phần lớn các cuộc đổ vỡ đều khiến cho hai bên khó nhìn lại nhau.
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi
(*) Tít bài đã được Dân Việt thay đổi.