Phố Mai Xuân Thưởng dài 80m, nối từ phố Thụy Khuê đến phố Phan Đình Phùng, nằm cạnh vườn hoa Mai Xuân Thưởng.
Ngoài sở hữu chiều dài khiêm tốn, phố Mai Xuân Thưởng còn là nơi các gánh hoa rong vẫn thường dừng lại bên vỉa hè để chào mời khách và đặc biệt, phố còn có hướng nhìn thẳng vào cổng sau của Phủ Chủ tịch.
Phố Chợ Gạo dài 75m, chạy từ phố Trần Nhật Duật đến phố Đào Duy Từ. Nơi đây trước kia là cửa sông Tô Lịch nhập vào sông Hồng. Tuy nhiên đến thời Pháp thuộc, thực dân Pháp đã cho lấp sông để xây chợ chuyên buôn thóc gạo. Ngày nay, phố Chợ Gạo là địa điểm được giới trẻ Hà Thành và đông đảo du khách tìm đến để tụ tập trà chanh, chém gió.
Từ Ma Cao đến Việt Nam sinh sống, anh Jeremy (bên phải) cho biết, nhà gần nên anh thường xuyên đi bộ ra phố Chợ Gạo để uống nước, trò chuyện cùng bạn bè. "Con phố này thực sự rất ngắn. Tôi đi bộ từ đầu đến cuối phố chỉ hết khoảng 30 - 40 giây", Jeremy nói thêm.
Phố Đông Thái dài 70m, một đầu nối ngang với phố Chợ Gạo, một đầu nối với phố Hàng Buồm. Phố khá nhỏ, hẹp nên ngày trước chỉ được gọi là ngõ Đông Thái và ở đây hầu hết là nhà riêng của người Hoa Kiều giàu có buôn bán ở các phố quanh phố Chợ Gạo.
Ngày nay, phố Đông Thái vẫn còn giữ đa phần kiến trúc cổ xưa của Hà Nội phố với nhiều ngôi nhà cũ kĩ, mái ngói đỏ.
Phố Lê Văn Linh, con phố dài 65m nối từ phố Phùng Hưng đến phố Lý Nam Đế, trước đây vốn là dãy hào chạy dọc tường phía Đông thành cổ bị lấp đi.
Phố có cảnh quan đẹp với nhiều cây xanh và cầu đường sắt bắc ngang qua trên không. Tuy nhiên, những năm gần đây, lòng đường và vỉa hè trên phố Lê Văn Linh thường xuyên bị chiếm dụng làm nơi để xe máy, ôtô.
Phố Đống Mác dài 60m nằm ở cuối phố Lò Đúc, cạnh số nhà 238. Thời Pháp thuộc, phố thuộc đường 335 (Voie 335). Tới năm 1994 phố được đặt tên là Đống Mác.
Phố trước thuộc đất thôn Cảm Hội (sau là Thọ Lão), tổng Hậu Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ. Trước nơi đây có cửa ô Ông Mạc, sau là ô Thanh Láng, ô Yên Lãng, dân gian thì gọi là ô Đống Mác.
Phố Nguyễn Xí dài khoảng 53m, chạy từ phố Đinh Lễ đến phố Tràng Tiền. Thời Pháp thuộc phố có tên là phố Rue Jules Boissière, sau cách mạng gọi là phố Chùa Quan Thượng, nay phố có tên là Nguyễn Xí - một danh tướng của vua Lê Lợi.
Ngắn nhất ở Hà Nội là phố Hồ Hoàn Kiếm, chỉ dài 52m, tức là chỉ bằng khoảng cách giữa 2 cột đèn. Phố Hồ Hoàn Kiếm chạy từ phố Cầu Gỗ đến phố Đinh Tiên Hoàng cạnh Nhà hát múa rối Thăng Long. Ngày nay, phố là điểm đến thu hút du khách với những quán nộm vỉa hè ngon, mang hương vị đặc trưng của Hà Thành.