Dân Việt

Nghẹn ngào khoảng khắc người mẹ ung thư vú đón con Bình An xuất viện về nhà

Diệu Linh 15/07/2019 12:20 GMT+7
Sáng 15/7, vợ chồng chị Nguyễn Thị Liên - người mẹ ung thư giai đoạn cuối nỗ lực chống chọi với đau đớn, bệnh tật để sinh con - đã vui sướng được đón con trai Bình An ra viện để về nhà.

Ôm đứa con bé bỏng vào lòng, chị Liên (28 tuổi, quê ở Lý Nhân, Hà Nam) hạnh phúc, nghẹn ngào: "Hôm nay em sẽ được ôm con về nhà, được trực tiếp chăm sóc con".

Chị Liên cho biết, chị đã khỏe hơn và sau khi đón con vào buổi sáng, buổi chiều cùng ngày 15/7 chị cũng được xuất viện để về quê Lý Nhân để chăm con. Sau ít hôm, chị sẽ quay lại viện để tiếp tục chống chọi với bệnh tật, hy vọng có sức khỏe để yêu thương hai con bé bỏng.

img

Bác sĩ Lê Minh Trác, Trung tâm chăm sóc và điều trị trẻ Sơ sinh, BV Phụ sản Trung ương, cho biết sau 55 ngày được chăm sóc, điều trị tại bệnh viện, đến thời điểm này, bé Đỗ Bình An đã nặng 2.400 gram (tăng 900 gram so với với điểm nhập viện là ngày 22-5). Sau 25 ngày chăm sóc tích cực, bé Bình An đã tự thở. 

Hiện, bé Bình An không còn phải sử dụng thêm các thuốc điều trị, ngoại trừ bổ sung vitamin và vi chất. Bé đã tự thở, ổn định, tăng cân, tự bú được, phản xạ sơ sinh bình thường, không có sự bất thường về thần kinh, thị giác.

Bác sĩ Trác đánh giá, sức khỏe của bé Bình An khá ổn định, không bị ảnh hưởng từ việc mẹ truyền hóa chất. Bé phải điều trị do sinh non, thai mới 31 tuần tuổi, bé không tự thở được nên phải điều trị.

img

Gia đình của chị Nguyễn Thị Liên 

Có mặt tại lễ ra viện của bé Bình An, PGS-TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cảm động chia sẻ, đây là lần đầu ông thực hiện một ca phẫu thuật sinh nở mà người mẹ ở trong tư thế "ngồi". Cuộc phẫu thuật khiến ông rất căng thẳng nhưng cảm xúc vô cùng mãnh liệt khi bé chào đời khỏe mạnh và người mẹ đã vượt qua nguy hiểm. "Để có được ngày hôm nay, nhiều nhân viên y tế đã phải trải qua những giờ phút cam go, đã nỗ lực hết mình vì sức khỏe của cả mẹ và bé" - PGS Cường nói. 

PGS Cường nhấn mạnh: "Tôi cũng phải cảm ơn chị Liên đã nỗ lực rất nhiều để hồi phục. Nếu sau này cắt được khối u, bệnh nhân tiến triển tốt thì đây là trường hợp kinh điển trong y học. Trước đây, với những ca bệnh ung thư trong thai kỳ rất đáng sợ, ngay cả với giới y khoa, nhưng để có được ngày gặp gỡ hôm nay, đây là điều đặc biệt và kỳ tích của ngành y. Đây là kết thúc có hậu của hành trình chống chọi với bệnh tật và hành trình phát triển bên ngoài của một em bé"- PGS Cường nói.

img

PGS Trần Danh Cường:  "Đây là kết thúc có hậu của hành trình chống chọi với bệnh tật và hành trình phát triển bên ngoài của một em bé"

Trước đó, khi mang thai ở tuần thứ 8, chị Nguyễn Thị Liên thấy ngực xuất hiện u cục nhưng chỉ nghĩ là bị viêm tuyến sữa. Nào ngờ u vú ngày càng to hơn, xuất hiện thêm nhiều hạch ở vai, tức ngực, ho nhiều, hai chân phù đau nhức, cơ thể mệt mỏi thì chị Liên mới đi khám. Lúc đó, cái thai đã được 15 tuần. Kết quả chiếu chụp khiến chị và chồng như sét đánh ngang tai: “ung thư vú giai đoạn 4 – giai đoạn rất khó điều trị khi tổ chức ung thư đã di căn sang nhiều bộ phận khác.

Lúc này, nếu điều trị thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi. Còn không điều trị thì sức khỏe của cả mẹ và bé đều nguy hiểm. Chị Liên đã không hề đắn đo khi quyết định dự lại đứa con. Chị chỉ tha thiết mong các bác sĩ tìm được một phác đồ điều trị an toàn cho bé và kéo dài sự sống cho chị, để đợi đứa con lớn lên và có thể chào đời.

Bệnh nhân Liên vào viện K T.Ư để điều trị 2 đợt hóa trị khi thai kỳ ở tuần 22 với sự theo dõi sát sao của bác sĩ chuyên khoa ung thư và bác sĩ sản khoa. Tất cả thuốc sử dụng đều được các bác sĩ hai chuyên khoa sản và ung bướu cân nhắc cẩn thận để không ảnh hưởng quá nhiều đến thai nhi.

Ngày 22/5, khi thai nhi ở tuần 31, thấy sức khỏe của người mẹ đã quá sức chịu đựng, các bác sĩ BV K T.Ư với sự phối hợp của các các sĩ BV Phụ sản T.Ư đã quyết định mổ sinh. Trước khi được dìu lên bàn mổ, chị Liên đã yếu đến mức không còn nói được mấy câu, chị chỉ lắc, hoặc gật nếu có ai đó hỏi gì.

img

Ca phẫu thuật "mổ ngồi" thách thức sự nỗ lực đầy cam go của cả bệnh nhân lẫn bác sĩ

Vì bệnh nhân nằm sẽ nguy hiểm đến tính mạng nên các bác sĩ đã để bệnh nhân ngồi để thực hiện ca mổ sinh. Đây là tư thế khó khăn cho cả bệnh nhân lẫn bác sĩ, lại phải mổ thật nhanh và suốt quá trình phải lo cho sức khỏe của người mẹ.

Sau khi nghe được tiếng khóc của con, người mẹ cũng đã rơi vào hôn mê, phải thở máy. Các bác sĩ đưa mẹ vào phòng Hồi sức của BV K để điều trị còn bé Bình An được chuyển sang BV Phụ sản T.Ư để được chăm sóc.

Và sau gần 2 tháng điều trị tích cực, sức khỏe của hai mẹ con đã tiến triển tốt để có niềm vui ngày hôm nay.