Dân Việt

ĐBSCL: Tỷ lệ phụ nữ lấy chồng nước ngoài rất cao

Chúc Ly 15/07/2019 14:37 GMT+7
Theo thống kê trong 10 năm (tính đến năm 2018), riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có 70.000 phụ nữ lấy chồng nước ngoài, chiếm tỷ lệ 79% tổng số phụ nữ Việt Nam lấy chồng người nước ngoài.

Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị đánh giá 1 năm thực hiện Chỉ thị 21-CT/TW, ngày 20/1/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới (Chỉ thị 21-CT/TW), gắn với thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị (Chỉ thị số 35-CT/TW), do Ban Dân vận T.Ư đã tổ chức vào sáng 15/7, tại tỉnh Bạc Liêu.

Chỉ thị 21-CT/TW ra đời trong bối cảnh có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít vấn đề xã hội đặt ra cho công tác phụ nữ ở khu vực ĐBSCL. ĐBSCL có lực lượng lao động dồi dào, nhưng tỷ lệ qua đào tạo thấp, tỷ lệ thiếu việc làm, tỷ suất xuất cư và tỷ lệ hộ có nhà tạm, nhà thiếu kiên cố cao nhất nước (hơn 21%); tỷ lệ hộ nghèo thấp nhưng nghèo đa chiều chiếm tỷ lệ cao… là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đời sống, an sinh xã hội của người dân, trong đó có phụ nữ.

img

Hội nghị đánh giá 1 năm thực hiện Chỉ thị 21-CT/TW, ngày 20/1/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới được tổ chức tại tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Chúc Ly

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, việc triển khai thực hiện Chỉ thị 21-CT/TW của các tỉnh ủy, thành ủy khu vực ĐBSCL đã đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận.

Các tỉnh, thành ủy đã tăng cường chỉ đạo các ngành, các cấp, các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp đấu tranh xử lý vi phạm chính sách, pháp luật liên quan đến phụ nữ, bình đẳng giới, gia đình, trẻ em, bảo vệ kịp thời quyền, lợi ích chính đáng cho phụ nữ, trẻ em.

Bên cạnh đó, khu vực ĐBSCL vận động xã hội hóa tốt nhất đáp ứng nguồn lực để thực hiện Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025, trong năm 2018 đã vận động được 26,7 tỷ đồng; quan tâm, tạo điều kiện cho phụ nữ nghèo, khó khăn được tiếp cận nguồn lực tài chính thông qua các chương trình, dự án tài chính.

img

Theo thống kê trong 10 năm (tính đến năm 2018), riêng khu vực ĐBSCL có 70.000 phụ nữ lấy chồng nước ngoài. Trong ảnh: Chị Bùi Thị Mơ (giữa, ở huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau) vừa trở về sau thời gian lấy chồng Trung Quốc. Ảnh: Chúc Ly

Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề cần được quan tâm như việc sắp xếp bộ máy, tổ chức cơ quan chuyên trách Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp tỉnh, huyện chưa có sự thống nhất thực hiện giữa các tỉnh, thành trong khu vực nên có nhiều mô hình khác nhau. Đối với phụ nữ, chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn lực nữ thấp, tỷ lệ thiếu việc làm cao nhất cả nước (hơn 2,8%, cả nước là 1,43%); phụ nữ di cư, kết hôn với người nước ngoài nhiều hệ lụy liên quan tương dối phức tạp, nhất là trong giải quyết các vấn đề pháp lý lên quan đển đảm bảo quyền lợi ích cho trẻ em lai và phụ nữ.

Nói về vấn đề này, bà Hà cho biết: “Theo thống kê trong 10 năm (tính đến năm 2018), riêng khu vực ĐBSCL có 70.000 phụ nữ lấy chồng nước ngoài, chiếm tỷ lệ 79% tổng số phụ nữ Việt Nam lấy chồng người nước ngoài và chủ yếu vì mục đích kinh tế”.

img

Bà Trương Thị Mai chủ trì hội nghị. Ảnh: Chúc Ly

Tại hội nghị, nhiều giải pháp thực hiện nhiệm vụ về công tác cán bộ nữ theo tinh thần Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị được đưa ra. Trong đó, tập trung chuẩn bị và tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025, đảm bảo đạt, vượt chỉ tiêu “tỷ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên và có cán bộ nữ trong ban thường vụ”. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn lực nữ, xây dựng nguồn lực nữ chất lượng các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế. Tiếp tục tổ chức thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, Chỉ thị 21-CT/TW và các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác phụ nữ…

Nói về giải pháp nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ, ông Trần Ngọc Tam - Phó Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre - cho rằng: “Trong công tác tuyển chọn, thi tuyển công chức, chúng ta cần chú ý tạo điều kiện cho phụ nữ. Chúng tôi quan tâm làm tốt công tác quy hoạch cán bộ nữ, phát hiện, giới thiệu cán bộ nữ, tạo lớp nguồn làm sao cho cán bộ nữ tham gia nhiều hơn ở các cấp. Tổ chức Hội các cấp phải chủ động trong việc tham mưu, đề xuất giới thiệu cho các cấp ủy chính quyền”.

Bà Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương - nhận định: Sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu đối với công tác phụ nữ là rất quan trọng. Đối với Chỉ thị 21-CT/TW, bình đẳng giới ở đây chính là cơ hội để được bình đẳng.

Cũng theo bà Mai, để đạt được mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ trẻ trong thời gian tới, các tỉnh cần nâng cao nhận thức về công tác về cán bộ nữ và cán bộ trẻ; đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí để tạo điều kiện cho cán bộ nữ, cán bộ trẻ phát triển. Bản thân phụ nữ cũng phải vươt qua định kiến của xã hội và bản thân, thay đổi nhận thức.