Loạt sự cố xảy ra với tàu dầu ở Eo biển Hormuz gần đây khiến khu vực này trở thành nơi nguy hiểm nhất trên Trái đất.
Trong 60 ngày tới, tuyến đường biển chỉ dài 145 km được gọi là Eo biển Hormuz sẽ là nơi nguy hiểm nhất trên Trái đất, với nguy cơ cao xảy ra sự cố gây ra xung đột ở khu vực Trung Đông. Sau 60 ngày này, rủi ro thậm chí sẽ tăng cao hơn, The American Conservative bình luận.
Tất cả đều bắt nguồn từ căng thẳng hạt nhân Mỹ-Iran. Vào ngày 1/7, Iran tuyên bố vượt quá một số hạn chế làm giàu uranium trong khuôn khổ Chương trình hành động toàn diện chung (JCPOA) hay còn gọi là thỏa thuận hạt nhân Iran sau khi Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận này từ một năm trước.
Quyết định của Iran nhằm trả đũa chiến dịch gây áp lực tối đa của Washington để đàm phán một thỏa thuận mới. Chiến dịch này bao gồm việc nối lại các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt làm nền kinh tế Iran tê liệt cũng như việc thực thi cái gọi là "trừng phạt thứ cấp" - nhắm vào các quốc gia và công ty nước ngoài làm ăn với Iran, vi phạm các lệnh cấm vận.
Iran và các bên khác tham gia JCPOA đã nỗ lực tìm cách duy trì thỏa thuận này bằng cách tìm biện pháp để Iran có thể tiếp tục bán dầu mỏ - huyết mạch của nền kinh tế nước này. Tuy nhiên, những nỗ lực này đã thất bại, khiến Iran bị dồn vào chân tường.
Mặc dù Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) xác nhận rằng, Iran đã tăng mức độ làm giàu uranium lên 4,5%, thì Iran vẫn còn lâu mới đạt được mức làm giàu uranium từ 80% trở lên để chế tạo vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Mỹ và Israel vẫn kịch liệt lên án hành động của Iran và đe dọa sẽ tiến hành các hành động quân sự nếu Iran bắt tay vào làm giàu uranium để tạo ra vũ khí hạt nhân.
Tuy vậy, hiện nay điều nguy hiểm trước mắt là việc Mỹ liên tục siết chặt nền kinh tế Iran có nguy cơ đốt cháy "thùng thuốc súng" ở Vịnh Ba Tư.
Biểu hiện gần đây nhất chứng minh nhận định trên là cuộc đụng độ của các tàu dầu Anh-Iran. Vào ngày 6/7, chính phủ Anh, dưới áp lực của Mỹ đã đánh chặn và bắt giữ tàu chở dầu Grace 1 gắn cờ Panama, ngoài khơi Gibraltar. Grace 1 đang vận chuyển khoảng 2,1 triệu thùng dầu thô được cho là có nguồn gốc từ Iran đến Syria, vi phạm lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU).
Hành động của Anh ngay lập tức bị Iran lên án là bất hợp pháp và họ đe dọa sẽ trả đũa bằng cách bắt giữ một tàu chở dầu của Anh ở Vịnh Ba Tư. Sau đó, ngày 11/7, người Anh cáo buộc Iran đã cố bắt giữ một tàu chở dầu mang cờ Anh khi nó đi qua Eo biển Hormuz để trả đũa.
Theo người Anh, nhờ tàu khu trục HMS Montrose can thiệp, nỗ lực bắt tàu dầu của Iran mới được ngăn chặn. Về phần mình, Iran nhanh chóng phủ nhận một sự cố như vậy đã xảy ra nhưng cảnh báo việc vận chuyển dầu của Anh sẽ gặp rủi ro nếu một giải pháp cho sự cố Grace 1 không được đưa ra nhanh chóng.
Đây là tác nhân tiềm năng nhất có thể gây ra chiến tranh trong khu vực trong vòng 60 ngày tới.
Nếu chiến tranh nổ ra, không chỉ 36 căn cứ quân sự của Mỹ trong khu vực gặp nguy hiểm, mà cả Israel, cũng như các cơ sở hạ tầng sản xuất dầu của các quốc gia Ả Rập ở vùng Vịnh cũng không thể an toàn. Hơn nữa, Iran hoàn toàn có thể đóng cửa eo biển Hormuz, cắt đứt 30% nguồn cung dầu toàn cầu, tàn phá nền kinh tế của cả thế giới.
Tất cả những điều này làm cho Eo biển Hormuz trở thành nơi nguy hiểm nhất thế giới hiện nay.