Theo quan điểm của lãnh đạo Hội NDVN, tổ chức Hội chọi trâu là một việc làm rất đúng và rất trúng của Báo NTNN, phù hợp với tiến trình xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước và toàn dân ta.
Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Nguyễn Hồng Lý.
Thưa bà, khi nhận được thông tin về hội chọi trâu do Báo NTNN và huyện Phúc Thọ phối hợp tổ chức, với tư cách là lãnh đạo cơ quan chủ quản báo, suy nghĩ của bà thế nào?
-Về cá nhân, tôi rất bất ngờ. Qua tìm hiểu thì ở phía Bắc có lễ hội chọi trâu Đồ Sơn vào ngày 9.8 âm lịch, đã khôi phục lại được 24 năm giờ đã trở thành một trong 15 lễ hội lớn nhất được công nhận ở cấp quốc gia. Hay lễ hội chọi trâu Hải Lựu, Vĩnh Phúc cũng được sự quan tâm của nhân dân trong mỗi dịp tết đến xuân về.
Phải nói rằng đây là những lễ hội cầu kỳ trong khâu tổ chức, cho cả người tham gia và người đến xem hội. Ngoài yếu tố tâm linh, hội chọi trâu để cầu mong mưa thuận gió hòa cho một nền nông nghiệp văn minh lúa nước cổ xưa hàng nghìn năm, thì khâu tuyển chọn trâu đực chọi có tầm vóc to lớn và cả công việc nuôi dạy trâu chiến cũng vô cùng kỳ công và tốn kém.
Thay mặt T.Ư Hội, tôi hoan nghênh Báo NTNN đã mạnh dạn có sáng kiến mới, với đề án khoa học về một lễ hội dân gian và lựa chọn được địa điểm hợp lý là vùng đất Phúc Thọ (Hà Nội) để tổ chức hội chọi trâu Giáp Ngọ 2014. Cá nhân tôi đang rất mong chờ ngày hội diễn ra.
Đi tìm hiểu nhiều nơi và gắn bó với nhà nông, bà đánh giá gì về vai trò của con trâu trong sự phát triển nông nghiệp nước ta và với công việc của nhà nông như thế nào?Hội chọi trâu là một hoạt động để cầu mong mưa thuận gió hòa cho hoạt động sản xuất nông nghiệp...
- Đúng là con trâu là đầu cơ nghiệp, vì nó đóng góp đáng kể trong lịch sử hình thành và phát triển nền canh tác lúa nước của dân tộc ta. Suốt từ Bắc chí Nam, ở đâu có cây lúa là ở đó có sự đồng hành của giống vật nuôi này. Trâu là một yếu tố quyết định sự thành bại được mùa hay hỏng ăn của người sản xuất lúa nước.
Thời nhà nước phong kiến đã có những đạo luật quy định rất rõ ràng về việc giết mổ trâu, và hầu như người ta nghiêm cấm việc này. Vì trâu có đóng góp rất lớn về sức kéo, trong canh tác nông nghiệp, trâu cày bừa, kéo xe, cung cấp phân bón hữu cơ cho cây trồng rất tốt. Có thể nói trâu là một tài sản vô cùng lớn của nhà nông, trước kia ai sở hữu nhiều trâu, chứng tỏ người đó giàu có.
Ngoài phục vụ sản xuất, trâu còn phục vụ trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và đất nước. Cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta, đã có những đội vận tải bằng xe trâu, để đưa hàng hóa vũ khí đạn dược vào chiến trường. Thậm chí, trâu cũng được huy động vào nhiệm vụ cứu thương, cả những lúc nguy nan cứu đói cho bộ đội.
"Tôi đề nghị Báo NTNN và Ban tổ chức rà soát lại toàn bộ khâu tổ chức để ngày hội được diễn ra trang trọng, an toàn và tiết kiệm, tránh để xảy ra những sai sót đáng tiếc”. Bà Nguyễn Hồng Lý
|
Nhưng hiện nay sứ mệnh đồng hành của con trâu trong vai trò sản xuất nông nghiệp của nước ta đã bước sang một trang mới. Quy mô sản xuất nông nghiệp đang hướng tới phát triển thành hàng hóa, bắt buộc chúng ta phải đưa tiến bộ khoa học, cơ giới hóa vào đồng ruộng.
Sức kéo của trâu đã được giải phóng. Nhưng trâu vẫn gắn bó với nông dân nhưng ở khía cạnh nuôi trâu để lấy thịt, da, sữa và các sản phẩm khác. Tôi biết ngay tại Hà Nội, có những nông dân đang sở hữu hàng trăm con trâu, họ nuôi để lấy thịt…
Qua hội chọi trâu của Báo NTNN đã góp phần khôi phục, giữ gìn và phát triển văn hóa lễ hội dân gian của dân tộc Việt Nam; làm phong phú thêm đời sống tinh thần của cư dân nông thôn, đồng thời biến trâu thành một sản phẩm du lịch hàng hóa. Qua các hội chọi trâu, chúng ta tuyển chọn và nhân giống những loài trâu có tầm vóc to lớn khỏe mạnh, cho nhiều thịt, qua đó thúc đẩy phong trào chăn nuôi giống trâu tốt ở những vùng nông thôn.
Qua hội chọi trâu và nhiều chương trình, hoạt động khác, bà đánh giá thế nào về việc tuyên truyền nông thôn mới của Báo NTNN?
-Báo NTNN đang tuyên truyền rất đúng và rất trúng về về tam nông. Thông qua ngày hội, sẽ tạo ra những giá trị văn hóa rất riêng. Đây là một sân chơi mới cho bà con nông dân nói chung, nhân dân Thủ đô nói riêng. Tôi theo dõi chưa bao giờ thấy một hội chọi trâu nào vắng du khách.
Ngoài việc được xem sự quyết đấu của những trận đánh, họ còn mua được thịt trâu. Theo quan niệm của dân gian, ăn thịt trâu chọi đầu năm sẽ đem lại sức khỏe và may mắn. Việc thu hút thế hệ trẻ để họ quan tâm về những nét văn hóa truyền thống thế này là một điều hết sức nên làm. Tôi nghĩ, hội chọi trâu của Báo NTNN và các hội chọi trâu khác đang là những điểm nhấn trong văn hóa nông thôn cần được phát huy hơn nữa.
Cuối cùng, tôi chúc bà con nông dân và Báo NTNN sẽ cùng nhau tạo ra một hội chọi trâu hấp dẫn, đúng ý nghĩa của một ngày hội dân gian thu hút được bà con tham gia một cách đông đảo và tích cực.
Ông Ngô Hoài Chung - Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL):Tạo sự gắn kếtcộng đồng.. Việc tổ chức lễ hội chọi trâu đối với người nông dân là thể hiện sự tôn vinh “đầu cơ nghiệp”, mong muốn mùa màng tươi tốt, hoa quả đầy nhà, đặc biệt là nghi lễ để cầu cho mưa thuận gió hòa của một năm làm đồng. Ngoài ra, lễ hội chọi trâu cũng thể hiện sức mạnh, tính cấu kết cộng đồng của văn hóa làng xã, văn hóa nông thôn, nông nghiệp.
Việc Báo NTNN phối hợp huyện Phúc Thọ tổ chức lễ hội chọi trâu, đặc biệt trong bối cảnh cả nước đang thực hiện nghị quyết tam nông là rất phù hợp và đáng ghi nhận. Lễ hội chọi trâu này sẽ góp thêm một hoạt động văn hóa lành mạnh, qua đó để động viên tinh thần của bà con nông dân, tạo sự vui vẻ, phấn khởi gắn kết cộng đồng, gắn kết tình làng, nghĩa xóm, xây dựng NTM.
Thanh Hà (ghi)
|