Tăng vài trăm không đủ mua sữa cho con
Dù được kỳ vọng khá nhiều nhưng kết quả phiên họp của Hội đồng tiền lương quốc gia cuối tuần qua nhằm chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 cũng chưa đáp ứng kỳ vọng của người lao động, với mức tăng 5,5%, mức tăng tuyệt đối chỉ từ 150.000 – 240.000 đồng/tháng. Mức tăng lương tối thiểu vùng này được cho là đã đảm bảo 100% mức sống tối thiểu và còn vượt 0,3%. Mức tăng vượt “mức sống tối thiểu” được cho là khá hơn năm 2019 - khi tăng lương tối thiểu vùng chỉ đáp ứng 95% mức sống tối thiểu.
Theo đánh giá của các bên gồm Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (đại diện người lao động) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI - đại diện phía doanh nghiệp-DN), Hội đồng tiền lương quốc gia thì đây là mức tăng mà các bên có thể tạm chấp nhận được. Mặc dù vậy, theo ghi nhận của phóng viên Báo NTNN, phần đa người lao động yếu thế lại cho rằng đây là mức tăng quá thấp, chẳng đủ để mua sữa cho con hay dành tiền ăn sáng.
Với mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2020, lao động có thể tăng thêm thu nhập từ 150.000 -240.000 đồng/tháng (ảnh minh họa). (ảnh: Quang Anh)
Chị Nguyễn Thị Nữ, (48 tuổi), công nhân tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) cho hay thông tin được tăng lương tối thiểu vùng hàng năm khiến nhiều lao động như chị cảm thấy rất vui sướng. Thế nhưng, việc chốt phương án tăng với mức tăng “nhỏ giọt” như vậy khiến chị và các lao động khác khá thất vọng vì thấy không đủ để bù mức trượt giá.
“Mỗi tháng nếu lương tăng được thêm 240.000 thì may ra đủ tiền chúng tôi mua xôi ăn sáng. Vì kinh nghiệm nhiều năm, nhiều lần tăng lương tối thiểu cho thấy lương tăng thì giá cả các mặt hàng cũng tăng, thêm vào đó tiền thuê nhà, tiền điện đều tăng. Thậm chí, có công ty còn tìm đủ cách để khấu trừ, cắt giảm tiền lương hoặc phụ cấp của công nhân để cân đối với số tiền tăng lương. Như vậy, lương tăng nhưng thu nhập thực tế không tăng, nên lao động như tôi cũng không mừng lắm” – chị Nữ kể.
Trước thông tin tăng lương tối thiểu vùng, anh Nguyễn Văn Hoàn (38 tuổi, quê Hoằng Hóa, Thanh Hóa) – công nhân công ty may ở Hoằng Hóa cho biết: “Chẳng biết nói DN ở đâu trả lương cho lao động 7-8 triệu đồng/tháng, nhưng ở đây công nhân như tôi chỉ được trả bằng mức lương tối thiểu vùng (khoảng 3 triệu đồng/ người/tháng). Muốn thu nhập cao hơn thì chỉ còn cách tăng ca, tăng kíp mà thôi”.
Theo anh Hoàn, lao động yếu thế, lao động ở vùng 3 hay vùng 4 chỉ mong lương tối thiểu tăng lên để công nhân, lao động được tăng lương. Vì theo quy định mức lương tối thiểu đã là mức lương thấp nhất mà DN phải trả cho người lao động.
Đấy là chưa kể tới những thiệt thòi của người lao động khi công ty đưa ra những quy định, ví dụ như trừ tiền lương khi đi làm muộn, không đảm bảo đúng nội quy lao động... khiến cho nhiều công nhân, lao động rất bức xúc, nhiều lao động bỏ việc giữa chừng.
Ông Doãn Mậu Diệp – Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết, điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm nay mặc dù chưa đáp ứng được kỳ vọng của người lao động cũng như mong mỏi của phía DN, tuy nhiên đây là mức để đôi bên có thể chấp nhận được. Với mức tăng 5,5%, lương tối thiểu không chỉ đáp ứng được mức sống tối thiểu mà còn vượt lên hơn 0,3%. “Khi mà đời sống kinh tế - xã hội được cải thiện thì nhu cầu sống tối thiểu và mức sống tối thiểu cũng sẽ được nâng lên. Và vì thế mức lương tối thiểu vùng năm 2020 tăng 5,5% là hợp lý với cả người lao động và người sử dụng lao động” – ông Diệp phân tích.
Lương thực tế cao, lương tối thiểu thấp
Ông Vũ Quang Thọ - nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn phân tích, lương tối thiểu vùng là tiền lương cơ bản được quy định, là sàn tối thiểu để DN và người lao động đàm phán về lương. Theo đó, mức lương mà DN trả cho người lao động phải không được thấp hơn mức lương tối thiểu mà Nhà nước quy định ở mỗi vùng đó. Việc ban hành mức lương tối thiểu vùng nhằm bảo vệ lao động yếu thế, duy trì mức tiền lương đủ sống cho họ.
Ông Hoàng Quang Phòng cho rằng, lộ trình tăng lương tối thiểu cần phải thực hiện chậm, tính đến sức chịu đựng của DN. Nếu không tính toán kỹ hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN mất cân đối dẫn tới phá sản, lao động cũng sẽ mất việc làm hàng loạt... |
Dù mức tăng lương tối thiểu vùng trong 2 năm trở lại đây không cao, chỉ dao động trong khoảng 100.000 -200.000 đồng nhưng phần nào đã đáp ứng được mong mỏi của người lao động, góp phần cải thiện cuộc sống của người lao động, nhất là người lao động làm ở vùng đặc biệt khó khăn.
Nói về việc lương thực nhận mà nhiều DN trả cho người lao động đã cao hơn mức lương tối thiểu mà Nhà nước quy định hiện hành, sao chúng ta vẫn ngồi bàn việc tăng lương, ông Thọ cho rằng, thực tế vẫn còn rất nhiều lao động yếu thế, nhận mức lương thấp. Chính bởi vậy, việc ban hành tiền lương tối thiểu là cơ sở để DN chiếu vào đó trả lương cho người lao động.
“Thêm vào đó, mỗi năm mức sống tối thiểu của người dân lại thay đổi, tăng lên, do vậy tiền lương tối thiểu cũng không thể đứng yên mà phải liên tục thay đổi để bù đắp cho mức sống tối thiểu đó. Vì vậy, lương tối thiểu là thứ di động, không thể đứng yên” – ông Thọ nói.
Trong khi đó, không phủ nhận thực tế về việc lương tăng, DN tăng tiền đóng BHXH, tăng cả các chi phí phát sinh, ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI cho biết: "Chỉ cần tăng thêm 1% lương tối thiểu thì chi phí của DN cũng tăng trên dưới 10%. Tuy nhiên, với tinh thần thiện chí để hài hòa lợi ích giữa các bên, chúng tôi đồng ý với mức tăng 5,5%".