Dân Việt

Cần tách bạch chính sách tiền lương

Thùy Anh (thực hiện) 17/07/2019 05:18 GMT+7
Phóng viên Báo NTNN trao đổi với ông Lê Đình Quảng (ảnh) - Phó Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam).

Ông đánh giá thế nào về phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 mức 5,5%?

- Có thể nói năm nay Hội đồng Tiền lương quốc gia gồm 3 bên là Tổng liên đoàn Lao động, VCCI, Bộ LĐTBXH đã làm việc rất công tâm, trách nhiệm. Trên cơ sở thấu hiểu, sẻ chia, các bên đã thảo luận và đưa ra phương án để biểu quyết. Chỉ sau 2 phiên họp, Hội đồng đã chốt được phương án dự kiến tăng lương trong năm 2020.

Tôi cho rằng, mức tăng tuyệt đối từ 150.000 – 240.000 đồng/tháng dù không phải là mức tăng cao, nhưng một chút ấy cũng góp phần cải thiện cuộc sống của người lao động, nhất là lao động yếu thế, lao động có mức tiền lương thấp, hay lao động ở vùng đặc biệt khó khăn.

img

 Bà Hoàng Thị Kim Dung - Giám đốc Xí nghiệp May An Phú trao đổi với người lao động của xí nghiệp.
(ảnh: LÊ TUYẾT/L.Đ.O)

Một số DN cho rằng việc tăng lương tối thiểu vùng 5,5% là quá cao, sẽ khó khăn cho hoạt động sản xuất, dẫn tới nguy cơ phá sản của DN, giảm việc làm. Quan điểm của ông?

- Tôi cho rằng lập luận này là có lý, tuy nhiên lương tối thiểu tăng sẽ tạo động lực cho người lao động để họ có điều kiện lao động, cống hiến. Trong bối cảnh hội nhập, giải quyết thách thức cho các DN Việt Nam, chính sách tiền lương thấp quá thì phía hưởng lợi là các DN FDI.

Thêm vào đó, nếu DN nhìn nhận lao động là nguồn tài sản của DN thì họ phải có chế độ chăm sóc, trả lương phù hợp. Không thể đòi năng suất lao động tăng mà công nhân, lao động lại có thể chấp nhận một mức lương không đủ sống được.

Theo ông, vì sao hiện nay nhiều DN đã trả lương cao hơn mức lương tối thiểu nhưng khi chúng ta đề xuất tăng lương, DN lại ngần ngại không đồng tình?

- Tôi nghĩ điều này cũng dễ hiểu thôi, vì thực tế lương tối thiểu vùng chỉ là  sàn để DN tham khảo trả lương. Họ muốn có chế độ thu hút lao động thì phải tạo ra một cơ chế trả lương phù hợp, việc họ trả lương cao hơn (nếu có) cũng là phù hợp trong bối cảnh việc thỏa thuận, thương lượng ở thị trường lao động, thị trường tiền lương đang đang diễn ra sôi động.

Tuy nhiên, theo tôi sở dĩ DN đã trả lương cao hơn lương tối thiểu vùng nhưng lại ngại đề cập tới vấn đề tăng lương tối thiểu vùng bởi bản chất lương tối thiểu vùng đang phải gánh vác quá nhiều trách nhiệm. Hầu hết các DN của chúng ta đang dùng khoản lương tối thiểu này để đóng BHXH. Mặc dù Luật BHXH đã có quy định DN phải đóng BHXH cho lao động trên tiền lương và các khoản phụ cấp nhưng thực tế chỉ có rất ít DN làm được việc này. Thêm vào đó, lương tối thiểu tăng, mặt bằng tiền lương cũng sẽ tăng, điều này sẽ làm tăng các chi phí phát sinh của DN như: Thuế, chi phí phúc lợi, tiền đóng bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn...

Chính bởi vậy, cần tách bạch chính sách tiền lương tối thiểu vùng để nó thực hiện đúng nhiệm vụ trọng trách vốn có của nó.

 Xin cảm ơn ông!

4-5 triệu đồng/tháng không đủ sống
Thật lạ là biết lương tối thiểu không đủ sống nhưng sao mãi vẫn không tăng lương cho “ra tấm ra món”? Vấn đề nghe chừng như rất khoa học nhưng thực tế là vấn đề đời sống không cần khoa học quá. Không cần thiết cứ tranh cãi nhau về vấn đề rổ hàng hóa, mức sống, nhà ở, mức tiêu thụ lương thực, thực phẩm... mà chỉ cần nhìn nhận dưới góc độ thực tiễn là có thể thấy cần phải tăng lương, vì với mức lương 4-5 triệu đồng/tháng, lao động không thể đủ sống”.
Ông Nguyễn Chí Công – Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Nghệ An.


Duy trì lâu mức lương tối thiểu sẽ nhân rộng đói nghèo 
“Nhiều quốc gia phát triển như Anh, Mỹ... đã chuyển mức lương tối thiểu thành lương đủ sống, riêng Việt Nam giờ vẫn loay hoay với cách tính lương tối thiểu và mức sống tối thiểu. Xu hướng là lương tối thiểu phải tăng nhanh hơn cả năng suất lao động của các quốc gia. Trong khi đó tại Việt Nam, nói tăng lương nhưng thực tế tổng thu nhập không tăng, thậm chí còn giảm. Nếu duy trì mức lương tối thiểu chỉ để đáp ứng mức sống tối thiểu để tồn tại thì lâu dần vô hình chung điều này sẽ nhân rộng đói nghèo và khoảng cách thu nhập giữa các nhóm trong xã hội”.
Bà Đỗ Quỳnh Chi – Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động