Dân Việt

Cung thủ siêu phàm khiến 13 đầu lĩnh Lương Sơn Bạc mất mạng là ai?

Thanh Xuân 16/07/2019 18:34 GMT+7
Thủy Hử có nhiều anh hùng, hảo hán giỏi bắn cung. Nhưng số 1, được tất cả thừa nhận chính là Tiểu Lý Quảng Hoa Vinh. Nhưng đến phần Hậu Thủy Hử, trong lần đại quân Lương Sơn đi đánh dẹp Phương Lạp, đã xuất hiện một nhân vật với tài cung tiễn siêu phàm, không hề thua kém Tiểu Lý Quảng. Một tay cung bá đạo, đã trực tiếp và gián tiếp, gây ra cái chết của tổng cộng 13 đầu lĩnh Lương Sơn Bạc.

Có Tiểu Lý Quảng, thì phải có Tiểu Dưỡng Do Cơ

Tiểu Lý Quảng Hoa Vinh có lẽ là nhân vật được Thi Nại Am trân trọng nhất trong danh tác Thủy Hử của ông. Hoa Vinh không chỉ ngoại hình tuyệt đẹp (môi đỏ thắm, răng trắng đẹp, khuôn mặt khôi ngô, ngực nở, vai rộng), giỏi võ nghệ và là cung thủ đệ nhất Lương Sơn (bắt đứt lá liễu ngoài 100 bước chân, bắn xuyên mắt nhạn…) mà còn có nhân cách cao quý (cương trực, thẳng thắn, hết lòng vì nghĩa) được nhiều người nể phục. Có thể nói, Hoa Vinh là người tài hoa, trí dũng song toàn bậc nhất Thủy Hử.

img

Tài nghệ cũng tiễn của Bàng Vạn Xuân không thua Tiểu Lý Quảng Hoa Vinh.

Tài bắn cung của Hoa Vinh có thể nói là xuất quỷ nhập thần, nhất tiễn định càn khôn. Chàng được gọi là Tiểu Lý Quảng – Lý Quảng nhỏ cũng bởi chính cái tài cung tiễn của mình. Lý Quảng là một võ tướng thời Hán (mất năm 119 trước Công Nguyên), người gốc Lũng Tây, có biệt tài cưỡi ngựa bắn cung, từng tham gia rất nhiều trận đánh chống lại quân Hung Nô. Lý Quảng anh dũng thiện chiến, khiến quân giặc phải khiếp sợ, do đó ông có biệt danh là Phi tướng quân.

Hoa Vinh, trong 70 hồi đầu của Thủy Hử, vượt xa các huynh đệ của mình cũng như các tướng đối địch với nghĩa quân Lương Sơn, ở tài thiện xạ cung tiễn của mình. Nhưng đến phần “Tục Thủy Hử” sau này, thì vị trí đệ nhất cung thủ của Hoa Vinh đã không còn là Một, là Riêng, là Duy Nhất nữa. Chương 48, Hồi 118 Thủy Hử, nhân chuyện phó tiên phong Lư Tuấn Nghĩa cùng 28 chánh phó tướng và ba vạn binh, dẫn quân theo đường núi, đến ải Dục Linh, trên hành trình tổng tấn công Hàng Châu – thủ phủ của Phương Lạp, Thi Nại Am đã viết về một nhân vật cũng có tài năng về cung nỏ, không hề thua kém Hoa Vinh:

“Giữ cửa ải này là viên đại tướng Bàng Vạn Xuân, hiệu Tiểu Dưỡng Do Cơ, thủ hạ thân tín của Phương Lạp, có tiếng là tay thiện xạ bậc nhất ở Giang Nam. Dưới quyền Bàng Vạn Xuân là hai viên phó tướng, Lôi Quýnh và Kế Tắc. Hai viên phó tướng ấy vừa giỏi dùng nỏ cứng nặng bảy tám trăm cân, lại quen dùng ngọn kích móc sắt, thủ hạ có năm nghìn người ngựa”.

img

Nhất tiễn định càn không – Hoa Vinh.

Nhất tiễn hạ Sử Tiến, một trận giết 6 tướng Lương Sơn

So với Lý Quảng, thì Dưỡng Do Cơ (606 TCN – 559 TCN) được sử sách đánh giá cao hơn nhiều, không chỉ ở tài nghệ cung tiễn. Dưỡng Do Cơ, là danh tướng nước Sở thời Xuân Thu, nổi tiếng về tài bắn cung, đạt đến tầm “bách bộ xuyên dương”, lập nhiều công lớn như bắn chết phản tướng Đấu Việt, bắn chết đại tướng nước Tấn là Ngụy Kỳ… Được mệnh danh là “Dưỡng Nhất Tiễn”. Sử ký Tư Mã Thiên từng chép về tài cung tiễn của Dưỡng Do Cơ như thế này:

“Một hôm tướng Sở là Phan Đảng tập bắn, bắn trúng 3 phát vào hồng tâm, mọi người đều khen ngợi. Vừa đúng lúc Dưỡng Do Cơ đi ngang, tỏ ý xem thường. Sau đó Dưỡng Do Cơ lấy mực bôi lên một cái lá cây dương, rồi bước ra xa ngoài trăm bước, giương cung bắn xuyên qua chiếc lá ấy. Phan Đảng vẫn không phục, cho rằng đó là nhờ may mắn. Đảng lấy mực bôi lên 3 chiếc lá khác nhau. Dưỡng Do Cơ lại bắn trúng cả ba chiếc lá. Phan Đảng vẫn muốn khoe sức khỏe của mình, bèn lấy 7 chiếc áo giáp xếp chồng lên nhau, rồi bắn xuyên suốt 7 lần áo giáp. Dưỡng Do Cơ lại xin bắn thử, mũi tên của ông không cao không thấp, cắm đúng vào đuôi tên của Phan Đảng, đẩy mũi tên đó xuyên qua bên kia, còn mũi tên của ông thì thay vào chỗ trống ấy. Phan Đảng bây giờ mới chịu phục”.

Bàng Vạn Xuân có ngoại hiệu là “Dưỡng Do Cơ nhỏ”, dĩ nhiên tài nghệ cung tiễn phải vô cùng siêu hạng. Ngay ở trận giao tranh đầu tiên với đại quân của Lư Tuấn Nghĩa, Bàng Vạn Xuân đã khiếp đảm quần hùng. “Lư Tuấn Nghĩa sai sáu tướng là Sử Tiến, Thạch Tú, Trần Đạt, Dương Xuân, Lý Trung, Tiết Vĩnh đem ba nghìn quân bộ đi trước dọn đường… Không thấy bóng một tên quân nào của Phương Lạp. Sử Tiến đã có ý ngờ, vội cùng các tướng bàn bạc. Mưu kế chưa định xong, quân đã đến trước cửa ải. Nhìn lên thấy trên ải dựng cây cờ trắng thêu tua màu.

img

Tiểu Dưỡng Do Cơ – Bàng Vạn Xuân, đệ nhất cung thủ quân Phương Lạp.

Đứng dưới cờ là đại tướng Tiểu Dưỡng Do Cơ Bàng Vạn Xuân. Thấy bọn Sử Tiến dẫn quân lên. Bàng Vạn Xuân cả cười mắng rằng: - Giặc cỏ Lương Sơn Bạc mắc phải bả chiêu an của nhà Tống, còn dám làm hảo hán đến đây xâm phạm bờ cõi của bọn ta? Ta là Tiểu Dưỡng Do Cơ, chắc bọn người đã biết? Nghe nói trong bọn các người có kẻ tên là Tiểu Lý Quảng Hoa Vinh, hãy gọi người ấy ra đây đọ tài cung nỏ. Trước hết phải cho các người biết mũi tên thần của ta.

Bàng Vạn Xuân nói vừa dứt, bỗng một mũi tên bay vèo ra, Sử Tiến lăn xuống ngựa... Lại nghe trên đỉnh núi vang lên tiếng thanh la, rồi từ hai phía rừng thông, tên bắn ra tới tấp. Bọn Thạch Tú, Trần Đạt đành bỏ Sử Tiến lại, tìm đường thoát thân. Đến đầu núi lại bị bọn Lôi Quýnh và Kế Tắc từ hai bên sườn núi bắn tên ra như mưa, dẫu là kẻ anh hùng lỗi lạc cũng không tránh nổi”.

Đây là trận đánh cho thấy khả năng chi huy quân sự trong thực chiến của Lư Tuấn Nghĩa vô cùng tầm thường nhưng cũng làm bật nên tài nghệ bắn cung và thế trận “liên hoàn tiễn” của Bàng Vạn Xuân thực sự bá đạo. Chỉ trong chưa đầy nửa giờ, Bàng Vạn Xuân đã hạ sát một lúc 6 hảo hán phía Lương Sơn.

img

Một tiễn, Bàng Vạn Xuân bắn hạ tướng tài Lương Sơn – Cửi Vân Long Sử Tiến.

Trong tất cả các trận đánh của Nghĩa quân Lương Sơn với Phương Lạp, đây là trận giao chiến mà quân Lương Sơn thua chóng vánh mà tổn thất nặng nề nhất: “Thương thay sáu viên tướng tài của trại Thuỷ Hử, từ nay khí thiêng đã về trời. Ba nghìn quân bộ chỉ sống sót hơn trăm người chạy về gặp Lư tiên phong báo tin thua trận. Lư Tuấn Nghĩa nghe xong thẫn thờ kinh sợ…”.

Bá đạo với cung liên châu khi bắn hạ Âu Bằng

Sau nhờ kế của Chu Vũ, cho Thời Thiên lẻn vào trong thành phóng hỏa gây rối, nội ứng ngoại hợp với đại quân bên ngoài, quân Lương Sơn do Lư Tuấn Nghĩa chỉ huy đã chiếm được ải Dục Linh, bắt sống và giết chết 2 viên phó tướng Lôi Quýnh – Kế Tắc nhưng Bàng Vạn Xuân lại nhanh chân một mình thoát được, chạy về Hấp Châu. Khi quân Lư Tuấn Nghĩa đến Hấp Châu, Bàng Vạn Xuân thêm một lần nữa bắn hạ một tướng tài của Lương Sơn.

“Quân hai bên dàn thành thế trận. Bàng Vạn Xuân nghênh ngang tiến ra thách thức. Bên quân Tống, Âu Bằng tay nâng giáo sắt thúc ngựa tiến ra giao chiến với Bàng Vạn Xuân. Hai tướng đánh nhau chưa đầy năm hiệp. Bàng Vạn Xuân bỏ chạy. Âu Bằng muốn lập công đầu liền phóng ngựa đuổi theo. Bàng Vạn Xuân bất ngờ quay lại thả một mũi tên Âu Bằng vốn có tài nghệ cao cường liền giơ tay bắt gọn mũi tên của Bàng Vạn Xuân. Nhưng Âu Bằng không ngờ Bàng Vạn Xuân còn quen dùng chiếc cung liên châu một lúc bắn ra nhiều mũi. Âu Bằng đã bắt được mũi tên, yên chí đuổi theo. Bỗng nghe tiếng dây cung rung “phật”, mũi tên thứ hai phóng ra trúng đích, hất Âu Bằng ngã ngựa”.

img

Bàng Vạn Xuân trực tiếp và gián tiếp gây ra cái chết của 13 đầu lĩnh Lương Sơn. 

Sau Bàng Vạn Xuân đem quân đi cướp trại quân Tống, trúng phải mưu của Chu Vũ cho quân mai phục, bị Thang Long dùng câm liêm kéo lăn nhào xuống ngựa bắt trói. “Tiểu Dưỡng Do Cơ”, kẻ đã hạ sát hàng loạt tướng tài Lương Sơn, đương nhiên chịu kết cục bi thảm nhất, bị xử tử, phanh thây, moi lấy tim gan để tế Sử Tiến, Âu Bằng và các anh em đầu lĩnh tử trận.

Tổng cộng, trong các trận đánh ở ải Dục Linh, đánh thành Hấp Châu, Bàng Vạn Xuân trực tiếp và gián tiếp gây ra cái chết của 13 đầu lĩnh Lương Sơn: Sử Tiến, Thạch Tú, Trần Đạt, Dương Xuân, Lý Trung, Tiết Vĩnh, Âu Bằng, Trương Thanh, Đinh Đắc Tôn, Đan Đình Khuê, Nguỵ Định Quốc, Lý Vân, Thạch Dũng. Dù bị coi là nhân vật phản diện nhưng tài nghệ cung tiễn của Bàng Vạn Xuân xứng đáng là đệ nhất bá đạo, thậm chí có phần còn trội hơn so với Tiểu Lý Quảng Hoa Vinh.

XEM THÊM: