Dân Việt

Gia Lai: BHXH chuyển 8 hồ sơ và danh sách 138 đơn vị sang công an

Lê Kiến 16/07/2019 17:16 GMT+7
Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh Gia Lai đã chuyển 8 hồ sơ và danh sách 138 đơn vị chây ỳ đóng bảo hiểm cho người lao động và trốn tránh nộp phạt sang cơ quan công an. Năm 2019, BHXH Gia Lai cũng đối mặt với chi phí khám bảo hiểm y tế (BHYT) cao bất thường, do tình trạng thu gom bệnh nhân; Hoạt động thanh tra bị né tránh, đóng cửa không thèm tiếp.

Ngày 16/7, trong hội nghị cung cấp thông tin báo chí, ông Trần Văn Lực - Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh Gia Lai cho biết, trong 6 tháng đầu năm, chi phí mà BHXH tỉnh thực hiện chi trả có nhiều diễn biến bất thường, gây mất cân đối thu chi mà Chính phủ giao.

Theo đó, năm 2019, Chính phủ giao kinh phí dự toán cho cả năm là 809 tỷ đồng, nhưng chỉ mới 6 tháng đầu năm đã chi 490 tỷ, chiếm 65% so với cả năm. Đây là sự bất thường, trái quy luật so với mọi năm chỉ tăng cao vào cuối năm.

Mặt khác, tình trạng nợ đóng và trốn đóng bảo hiểm của nhiều đơn vị vẫn kéo dài, gây bức xúc, ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động.

img

Ông Trần Văn Lực cho rằng có tình trạng bệnh viện tư thu gom bệnh nhân gây tăng chi phí khám bệnh bất thường.

Theo ông Lực, chi phí khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh tăng cao bất thường có nhiều nguyên nhân, trong đó có tình trạng lợi dụng khám bệnh từ thiện để thu gom bệnh nhân. Có cử tri bức xúc, sau khi khám từ thiện ở huyện, bệnh nhân được bệnh viện thu gom đưa về bệnh viện điều trị, có trường hợp xảy ra biến chứng.

Việc gia tăng bất thường trong khám chữa bệnh có BHYT làm mất cân đối trong kế hoạch chi theo dự toán sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến người được cấp thẻ. Thêm vào đó, ngành bảo hiểm cũng buộc phải có những văn bản kiến nghị điều chỉnh nguồn kinh phí tại địa phương, nếu vượt quá dự toán, phải xin kinh phí từ Trung ương.

Cụ thể, một số cơ sở khám chữa bệnh có chi phí tăng cao bất thường là các bệnh viện tư nhân như: Bệnh viện Mắt Cao Nguyên (dự toán cả năm 18 tỷ, nhưng qua 6 tháng đầu năm đã chi 21 tỷ, vượt 130%), Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn - Gia Lai (dự toán cả năm 17 tỷ, nhưng qua 6 tháng đã chi 14 tỷ đồng). Sự việc khiến ngành bảo hiểm lúng túng trong việc xử lý chi trả tiền khám chữa bệnh.

“Nếu phát hiện có dấu hiệu thu gom bệnh nhân trái quy định trong khám chữa bệnh bằng BHYT, cơ quan BHXH sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra và nộp hồ sơ cho cơ quan công an xử lý theo quy định. Còn việc thực hiện việc khám chữa bệnh thông qua BHYT và yêu cầu bảo hiểm chi trả có đúng quy định hay không, cần phải xác minh rõ”, ông Lực nói.

Theo BHXH tỉnh Gia Lai, tính đến tháng 6/2019, trên địa bàn tỉnh có 202 đơn vị nợ BHXH với số tiền 41,5 tỷ đồng. Trong đó, BHXH tỉnh đã chuyển 8 hồ sơ sang cơ quan Công an tỉnh Gia Lai để tiến hành điều tra, xử lý theo quy định.

Cũng trong quý I/2019, BHXH tỉnh đã chuyển danh sách 138 đơn vị đang còn nợ sang cơ quan công an tỉnh và 18 hồ sơ sang Liên đoàn Lao động tỉnh. Các đơn vị thuộc diện nợ khó đòi, không chấp hành thực hiện như: Công ty CP Sông Đà 3 nợ 11 tỷ đồng, Công ty Kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức nợ 5 tỷ đồng.

Bên cạnh các khoản nợ khó đòi, cố tình chây ỳ, BHXH cũng vấp phải sự đối phó hết sức khó chịu của các đơn vị, doanh nghiệp với đầy đủ các loại lý do để né tránh hoạt động thanh tra. Lúc thì có đơn vị cáo ốm, đi công tác, lúc thì cung cấp thiếu chứng từ…, có trường hợp đóng cửa không thèm tiếp đoàn thanh tra. Nhưng phía BHXH lại kêu khó vì không có chế tài để xử lý trong các trường hợp này.