Trả lời:
Luật sư Nguyễn Tùng Thư (ảnh) - Công ty Luật TNHH Trường Lộc, Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho biết:
Để được nhận hỗ trợ của Nhà nước dành cho những người dân chăn nuôi lợn bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi, phải thỏa mãn 2 điều kiện:
Thứ nhất, thuộc đối tượng được hưởng hỗ trợ của Nhà nước. Theo Điều 1 Quyết định số 793/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ, về cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, có 2 nhóm đối tượng được Nhà nước hỗ trợ: Người chăn nuôi, hộ nông dân, chủ trang trại, gia trại, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất trong lĩnh vực chăn nuôi; doanh nghiệp chăn nuôi nhỏ và vừa theo tiêu chí quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, ngày 12/6/2017 (không bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa là công ty con hoặc là công ty có vốn cổ phần chi phối của doanh nghiệp lớn).
Thứ hai, có lợn buộc phải tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Tiêu hủy lợn bị bệnh dịch tả lợn châu Phi tại Hà Nội. Ảnh: TTXVN
Khoản 4 Điều 1 của Quyết định 793/QĐ – TTg3 cũng nêu yêu cầu để được hỗ trợ: Thiệt hại xảy ra khi đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, dịch bệnh theo sự hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương. |
Tương ứng với 2 nhóm đối tượng nêu trên, Nhà nước sẽ có 2 mức hỗ trợ khác nhau. Cụ thể, đối tượng người chăn nuôi, hộ nông dân, chủ trang trại, gia trại, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, tổ hợp tác, hợp tác: mức hỗ trợ 25.000 đồng/kg lợn hơi với lợn con, lợn thịt các loại; hỗ trợ 30.000 đồng/kg lợn hơi với lợn nái, lợn đực đang khai thác.
Đối tượng doanh nghiệp chăn nuôi nhỏ và vừa: Mức hỗ trợ 8.000 đồng/kg lợn hơi với lợn con, lợn thịt các loại; hỗ trợ 10.000 đồng/kg lợn hơi với lợn nái, lợn đực đang khai thác. Mức hỗ trợ cho các doanh nghiệp tối đa không quá 30% số lỗ do dịch bệnh sau khi đã sử dụng các quỹ dự phòng và tiền bồi thường bảo hiểm (nếu có).
Như vậy, tùy thuộc vào việc bạn thuộc nhóm đối tượng nào và giống lợn bạn đang nuôi để được nhận hỗ trợ theo các mức giá khác nhau.
Cũng theo khoản 4 Điều 1 của Quyết định 793/QĐ - TTg: Nguyên tắc, trình tự, thủ tục hỗ trợ được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, bạn phải đáp ứng các yêu cầu sau:
- Sản xuất không trái với quy hoạch, kế hoạch và hướng dẫn sản xuất nông nghiệp của chính quyền địa phương.
- Có đăng ký kê khai ban đầu được UBND cấp xã xác nhận đối với chăn nuôi tập trung (trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã) và nuôi trồng thủy sản (theo mẫu số 6 phụ lục I ban hành kèm theo nghị định này) hoặc giấy chứng nhận kiểm dịch (nếu có). Các hộ chăn nuôi tập trung kê khai trong thời gian 15 ngày kể từ khi bắt đầu chăn nuôi; trong thời gian 7 ngày làm việc kể từ khi nhận được bản kê khai, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận vào kê khai. Các hộ nuôi trồng thủy sản thực hiện kê khai và được xác nhận ngay khi thực hiện nuôi trồng.
- Thời điểm xảy ra thiệt hại, đối với dịch bệnh: Trong khoảng thời gian từ khi công bố dịch đến khi công bố hết dịch. Trường hợp đặc biệt, ngay từ khi phát sinh ổ dịch đầu tiên (chưa đủ điều kiện công bố dịch) cần phải tiêu hủy gia súc, gia cầm theo yêu cầu của công tác phòng, chống dịch để hạn chế dịch lây lan thì thời điểm xảy ra thiệt hại là khoảng thời gian từ khi phát sinh ổ dịch đến khi kết thúc ổ dịch.