Dân Việt

Hồi hộp chờ ngưỡng điểm sàn đầu vào ngành giáo dục, sức khỏe

Thuận Hải 16/07/2019 18:34 GMT+7
Khác với các ngành đào tạo khác, thí sinh đăng ký vào ngành giáo dục, sức khỏe phải đảm bảo ngưỡng điểm sàn do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) quy định. Hiện, các trường đại học lẫn thí sinh đều hồi hộp chờ điểm sàn từ Bộ.

3 ngày sau khi Bộ GDĐT công bố kết quả kỳ thi THPT 2019, nhiều trường đại học đã bắt đầu công bố điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển. Trong khi đó, thí sinh các ngành đào tạo sư phạm và sức khỏe vẫn đang hồi hộp chờ đợi ngưỡng điểm đầu vào từ Bộ GDĐT.

ThS Lê Phan Quốc -, Phó trưởng Phòng đào tạo, ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết, hiện tại, các trường đào tạo nhóm ngành sư phạm phải chờ công bố ngưỡng điểm sàn do Bộ GDĐT công bố, rồi từ đó các trường mới đưa ra điểm chuẩn cho từng ngành. Tuy nhiên, dựa trên phổ điểm thi THPT quốc gia vừa qua, điểm chuẩn cũng không thấp hơn những năm trước.

Lời khuyên của thầy Lê Phan Quốc dành cho thí sinh có nguyện vọng vào nhóm ngành sư phạm là theo dõi sát sao thông tin từ Bộ GDĐT, sau đó, theo dõi ngưỡng điểm nhận hồ sơ của từng trường và sắp xếp lại các ưu tiên của bản thân, dựa theo kết quả điểm thi THPT, sở thích, sở trường của bản thân và khả năng “chọi” với các đối thủ để giành suất vào đại học.

img

Thí sinh đăng ký nguyện vọng vào các ngành sư phạm hồi hộp chờ điểm sàn từ Bộ GDĐT. 

Tại ĐH Sư phạm, năm nay, tổng chỉ tiêu tuyển sinh cả ngành sư phạm và ngành ngoài sư phạm là hơn 6.400 thí sinh. Ngoài việc tuyển thẳng, xét tuyển ưu tiên và xét tuyển bằng kết quả kỳ thi THPT 2019, thí sinh đăng ký vào những ngành đặc thù như Giáo dục mầm non hoặc Giáo dục thể chất, ngoài việc xét kết quả học bạ hoặc điểm thi THPT quốc gia, nhà trường còn tổ chức thi tuyển môn năng khiếu để chọn được ứng viên phù hợp.

“Điều này nhằm chọn được học sinh có thực lực giỏi, có năng khiếu và phù hợp với từng ngành học, đồng thời cũng tạo công bằng cho các em dự tuyển bằng kết quả kỳ thi THPT Quốc gia. Các em đều có cơ hội như nhau, vì không dễ gì đạt kết quả tốt trong suốt 3 năm học cấp 3 hay các thành tích xuất sắc trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi…”, thầy Quốc phân tích.

img

Năm nay, chỉ tiêu vào ngành sư phạm tăng hơn 30%, các trường sư phạm sẽ tuyển mới 46.285 chỉ tiêu.

Tương tự, ông Kiều Phương Chi - Trưởng phòng Khảo thí của Trường ĐH Sài Gòn cho rằng, tuy phổ điểm thi năm nay tăng hơn mọi năm, nhưng điểm sàn của nhóm ngành đào tạo giáo viên sẽ không tăng nhiều, thậm chí có thể vẫn giữ nguyên mức 17 điểm như năm 2018. Nếu có tăng, cũng chỉ tăng nhẹ từ 0,5 – 1 điểm. Từ đó, điểm chuẩn vào các ngành nhóm này cũng sẽ tăng nhẹ.

Nguyên nhân là do năm nay, số lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng vào nhóm ngành sư phạm không nhiều, thậm chí giảm ở một số ngành. Trong khi, việc tuyển sinh đủ chỉ tiêu đào tạo, đảm bảo nguồn nhân lực ngành sư phạm ở các tỉnh hiện nay không hề đơn giản.

Riêng tại Trường ĐH Sài Gòn, dự báo điểm chuẩn cũng sẽ giữ nguyên hoặc tăng nhẹ với các ngành sư phạm. Việc tăng chủ yếu ở những ngành hot như sư phạm toán, sư phạm mầm non hay tiểu học. Điểm tăng cụ thể phụ thuộc số thí sinh đăng ký theo từng ngành và việc điều chỉnh nguyện vọng của các em trong tuần tới.

img

Điểm thi THPT quốc gia 2019 tăng, nhưng dự báo, điểm sàn vào nhóm ngành sư phạm được dự báo không tăng nhiều. 

Theo kế hoạch của Bộ GDĐT, trước ngày 21/7, Bộ GDĐT công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào khối ngành sức khỏe và sư phạm. Ngay sau đó, các trường đào tạo nhóm ngành sức khỏe, sư phạm công bố điểm chuẩn xét tuyển.

Năm nay, chỉ tiêu vào ngành sư phạm tăng hơn 30%, các trường sư phạm sẽ tuyển mới 46.285 chỉ tiêu. Trong khi tổng số nguyện vọng đăng ký vào nhóm ngành sư phạm lại giảm mạnh. So với năm trước, tổng số nguyện vọng đăng ký vào sư phạm lại giảm đến 10.000, thậm chí NV 1 vào sư phạm lại giảm hơn 6.700.

Thí sinh Nguyễn Thị Mỹ Linh (cựu học sinh Trường THPT Mạc Đĩnh Chi ở quận 6, TP.HCM) chia sẻ, em rất muốn trở thành cô giáo. Tuy nhiên, khi tìm hiểu thêm về nhu cầu tuyển dụng giáo viên những năm gần đây, Mỹ Linh có phần e ngại.

Thứ nhất là việc tìm được chỗ giảng dạy sau khi tốt nghiệp không hề đơn giản.Trong khi mới đây, Bộ GDĐT lại quy định sinh viên sư phạm nếu không làm đúng ngành, sẽ phải hoàn trả học phí cho Nhà nước.

“Việc này khiến em đắn đo mãi, vì em chọn sư phạm theo sở thích và ước mơ từ khi còn bé, nhưng ra trường tìm được việc làm hay không, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố nữa”, Mỹ Linh chia sẻ về những đắn đo trước ngưỡng cửa vào đại học.

Một trong những điểm mới của quy chế tuyển sinh năm 2019 là Bộ GDĐT sẽ quy định điểm sàn xét tuyển cho ngành sư phạm và sức khỏe. Điều này nhằm đảm bảo chất lượng đầu vào cho thí sinh đăng ký vào các ngành đào tạo giáo viên, bác sĩ… sau này. Việc quy định điểm sàn cho 2 nhóm ngành này được luật hóa trong Luật Giáo dục Đại học mới có hiệu lực.

Những ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề gồm: Bác sĩ đa khoa, răng - hàm - mặt, y học cổ truyền, dược sĩ. Ở phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT, Bộ GDĐT quy định điểm sàn với các ngành y khoa, y học cổ truyền, răng - hàm - mặt, trình độ đại học là thí sinh phải tốt nghiệp THPT, có học lực lớp 12 xếp loại giỏi. Các ngành có chứng chỉ hành nghề còn lại xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên.

Bộ GDĐT cũng quy định, với nhóm ngành sư phạm trình độ đại học là học sinh phải tốt nghiệp THPT, đồng thời có học lực lớp 12 xếp loại giỏi. Riêng các ngành sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật, giáo dục thể chất, huấn luyện thể thao, thí sinh tốt nghiệp THPT chỉ cần học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên.