Chồng tôi không yếu, không bệnh, chỉ tội lười, phải nhắc mới chiều vợ. Nhắc hoài tôi đâm nản, ngại bị cho là ham hố... Làm sao giúp lang quân nhiệt tình hơn?
H.Thi (TP.HCM)
Không yếu, không bệnh nhưng theo dấu tàn phai, gân cốt rệu rã, hứng khởi “chết bảy còn ba” là lúc bệnh lười của các ông phát tác. Lười có hai thể lâm sàng: lười lên giường tức bữa có bữa không và “sáng cắp ô đi tối cắp về” tức vẫn chiều vợ nhưng không “đủ sở hụi”, không chịu động tay động chân lẫn động não mỗi lúc ái ân. Ta tập trung bàn kiểu lười tinh vi này.
Ảnh minh họa
Làm sao nhận ra? Bỏ qua hay tiết giảm một công đoạn của cuộc ăn nằm là triệu chứng căn bản để chẩn đoán bệnh lười này. Khúc dạo đầu là nạn nhân hàng đầu. Sau chục năm hương lửa, khâu làm nóng rất dễ bị coi là màn “sắm tuồng” vô bổ nên thường bị các “lãn ông”, có khi có sự đồng tình của bà, loại khỏi chương trình.
Những chi tiết bị giản lược càng tăng về chất càng cho thấy bệnh tình nặng. Chẳng hạn, có ông chẳng buồn trút bỏ xiêm y khi gần vợ hoặc xong việc là để nguyên hiện trường lăn ra ngáy, sáng tính sau...
Tuy vậy, xét lý, thì lười cải tiến, làm mới kỹ thuật mới là triệu chứng chính đánh dấu giai đoạn cuối bệnh làm biếng. Không ít bà thú thiệt vài năm trở lại đây ông cùng bà hầu như chỉ lên giường với đúng một tư thế, một khoảng thời gian áng chừng.
Ở đây phải kể đến một thể lười khôn trật đời của các ông: cái gì thu lợi cho mình thì siêng, chỉ lười khi thực thi khoản đôi bên cùng có lợi với vợ. Nguyên tắc win-win của tình dục bị vi phạm nghiêm trọng. Nhẫn tâm nhất là kiểu ông dư xăng kéo dài cuộc vui, tưng bừng cuộc ăn nằm nhưng vẫn chủ động xong sớm nghỉ sớm, bỏ mặc vợ dở dang, ngơ ngác giữa đường lên đỉnh.
Đa phần khi các ông trổ bệnh lười thì kèm theo đó là sức khỏe tình dục của hai bên đều đã ít nhiều nay ốm mai đau, thậm chí sắp vào cơn đột quỵ. Lúc này, có khi vợ chồng cùng biếng một cặp.
Hiểu điều này sẽ giúp ích cho phác đồ chữa lười của đức lang quân. Chúng không chỉ phải đủ các liệu pháp đánh thức trách nhiệm, khơi dậy cái tôi của ông mà còn phải đủ thang thuốc giúp chấn hưng, làm mới chăn chiếu. Việc làm biếng sinh ra người làm biếng.
Ngoài ra, lắm khi, phải tiên trách kỷ hậu trách nhân, bởi chính các bà “lười chảy thây” nhưng lại cho rằng xốc vác là chuyện của đàn ông. Sau lưng sự lười của một “lãn ông” lắm khi có bóng dáng của một lãn bà. Và nếu đúng thì phác đồ phải đổi vai, nghĩa là chữa cho bà trước ông sau, có khi bà khỏi thì ông chẳng cần thang thuốc.
(*) Tít bài đã được Dân Việt đặt lại.