Thời Lý, do đê thấp chỉ như các bờ bao ruộng nên năm mưa to kéo dài xảy ra lũ lụt, có năm nước tràn cả vào cửa Đại Hưng (nay tương ứng với khu vực Cửa Nam) gây ngập lụt. Trong kinh thành phải đi lại bằng thuyền, ngoài đồng trắng nước, trâu bò bị chết nổi lềnh phềnh. Vua Lý Thái Tông đã ra chỉ dụ cấm dân chúng không được ăn thịt trâu bò chết. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Lý Thái Tông cấm ăn thịt súc vật trương nước” và bắt dân chúng “phải chôn để tránh hậu họa cho xã tắc”.
Thời nhà Trần, dù đã cho đắp đê cao hơn nhưng những năm mưa lớn, ngập lụt vẫn xảy ra ở nhiều nơi và theo gương triều Lý, các vua Trần cũng ra chỉ bắt dân chúng phải chôn xác động vật chết.
Các quan phải trồng rau, trồng hoa…
Ngay sau khi đánh thắng giặc Minh, Lê Lợi vào thành Thăng Long năm 1428 và lên ngôi vua. Việc đầu tiên ông làm là chia đất cho các quan, bắt họ phải trồng rau để cải thiện đời sống vì sau chiến tranh cuộc sống thiếu thốn, bắt trồng hoa và cây cảnh để tạo không khí “thơm tho và thanh bình” cho Thăng Long. Nguyễn Trãi lúc này ở ven sông Tô Lịch và vườn nhà ông trồng đủ các loài hoa. Những việc làm đó nói theo ngôn ngữ thời nay chính là hành động bảo vệ môi trường sống.
Năm 1883, thực dân Pháp chiếm trọn tỉnh Hà Nội, sau đó lập thành phố Hà Nội thuộc Pháp năm 1888. Chính quyền bảo hộ đã lên kế hoạch xây dựng Hà Nội thành thành phố theo kiểu của phương Tây. Họ cải tạo và làm đường quanh hồ Hoàn Kiếm song vẫn giữ lại cây xanh ở các làng quanh hồ như cây đa trong trường Hồ Đình (nay là báo Nhân Dân), cây muỗm trước cổng đình Nam Hương (hiện cây muỗm này đối diện với khách sạn Apricot phố Hàng Trống) hay các cây me (đối diện trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm).
Làng giấy dó Yên Thái xưa bị ô nhiễm nặng
Trong cuốn hồi ký của toàn quyền Paul Doumer có một chuyện thật mà như đùa, chính quyền thuộc địa cho phá tường thành Hà Nội vì… môi trường. Họ cho rằng những bức tường thành đã cản trở sự lưu thông của khí trời đến mức những người châu Âu cư trú trong đó phải chịu đựng sự ô nhiễm độc hại. Chính Paul Doumer cũng đã tán thành: “Nếu đúng như vậy thì sự lo lắng đến sức khỏe con người đã vượt qua mọi thứ khác trong những xứ nhiệt đới, nơi mà quá nhiều nguy hiểm đe dọa vậy thì chúng ta cũng không nên tiếc hành động đã làm”.
Sự thực không khí Hà Nội thời đó quá trong lành vì cuốn Choses & Gens En In Indochine 1898-1908 thống kê, đầu thế kỷ 19, chỉ riêng khu vực phía Đông thành phố có tới 404 hồ lớn nhỏ.
Tuy nhiên Paul Doumerr cũng nuối tiếc: “Chỉ có điều đáng buồn cho nghệ thuật và lịch sử”.
Số phận ao hồ và những dòng sông
Chính quyền thực dân cho quy hoạch lại khu phố cổ. Theo quy hoạch, các nhà làm mới phải thẳng hàng như chỉ giới, cấm làm nhà lá ở nhiều tuyến phố để phòng hỏa hoạn. Họ cũng bắt các hộ phải làm nhà vệ sinh trong nhà, không được phóng uế ra hồ ao. Nhà phải có hệ thống thoát nước thải đổ ra hệ thống thoát nước của thành phố đang xây dựng. Trên phố, chính quyền bắt đầu trồng cây xanh để tạo bóng mát.
Nhị Hà quanh Bắc sang Đông
Kim Ngưu, Tô Lịch là sông bên này
Hà Nội có nghĩa là thành phố trong sông và cũng là thành phố sông hồ. Về địa lý, Hà Nội cao ở phía Bắc thấp dần về phía Nam nên nước thải sinh hoạt ở khu phố cổ và một vài nhà máy của các chủ tư bản Pháp thải ra đã chảy xuống hồ ao, song cũng không gây ô nhiễm vì quy mô nhà máy thuốc lá (ở đầu đường Yên Phụ), nhà máy rượu (ở Hàng Than), nhà máy dệt (ở chợ Bắc Qua) quá nhỏ.
Tuy nhiên trong quá trình phát triển, dù chính quyền giữ nguyên hai lá phổi của thành phố là hồ Hoàn Kiếm và hồ Tây song họ đã lấp hồ Cổ Ngựa, Thái Cực (còn gọi là hồ Hàng Đào) và các hồ phía Nam để xây chợ Đồng Xuân, họ đã lấp đoạn sông Tô Lịch (từ sông Hồng chảy vào hồ Tây) nên hệ thống thoát nước tự nhiên không còn tác dụng.
Đầu thế kỷ 20, hồ Hoàn Kiếm đã bị ô nhiễm, vì thế chính quyền phải làm cống ngầm từ hồ ra sông Hồng để mùa mưa, nước sông chảy vào hồ làm giảm ô nhiễm.
Với khu phố Tây (phía Nam hồ Hoàn Kiếm), chính quyền bắt buộc chủ đất khi xây nhà phải tuân thủ chiều cao quy định, phải trồng cây xanh trong khuôn viên.
Cũng đầu thế kỷ 20, người Pháp đã ý thức xây dựng Hà Nội là thành phố văn minh khi cho xây nhiều nhà vệ sinh công cộng. Thay dần hố xí thùng bằng hố xí tự hoại. Khi nước thải từ các phố ở phía Bắc đổ vào Hồ Gươm, họ đã làm cống nối với sông Hồng, lấy nước sông hòa loãng nước hồ ô nhiễm.
Trong suốt thời Pháp thuộc, dù vấn đề môi trường vẫn còn những việc chưa giải quyết được như: nước thải sinh hoạt và nước mưa chung một hệ thống lại cho chảy ra các hồ, hố xí thùng vẫn chiếm đa số gây ô nhiễm mỗi khi nhân viên đi đổi thùng... song cơ bản môi trường Hà Nội khá trong lành.
Tuy nhiên ở vùng sát nội thành nhưng lại thuộc quản lý của tỉnh Hà Đông thì lại khác. Ô nhiễm diễn ra ở các làng nghề, đặc biệt là làng làm giấy dó Yên Thái. Sau khi nấu dó và kéo giấy xong, dân làng đổ nước bọt xuống sông Tô Lịch, nước sông đã hòa loãng chất thải rồi cuốn đi. Cuối thế kỷ 19, Tô Lịch bị lấp, đoạn qua Yên Thái thành sông chết, dân ngâm cây dó khiến nước đen ngòm. Rồi đoạn sông này cũng bị lấp, các hộ làm giấy đổ xuống ao làng. Mùi hôi thối bốc lên nên dân làng gọi ao đó là ao Bựa.
Năm 1958, miền Bắc xây dựng các khu công nghiệp. Hàng loạt nhà máy mọc lên phía Tây Nam Hà Nội: Cơ khí Hà Nội, Cao su Sao Vàng, Thuốc lá Thăng Long và Nhà máy Xà phòng Hà Nội (còn gọi là khu Cao - Xà - Lá). Phía Nam có Nhà máy dệt 8-3, Cơ khí Mai Động và sau đó thêm Xí nghiệp dệt nhuộm, Chỉ khâu, Dệt khăn mặt khăn tay... Các nhà máy, xí nghiệp này xả thẳng nước thải công nghiệp ra sông Kim Ngưu và Tô Lịch gây ô nhiễm đoạn cuối hai con sông này.
Ở nội đô, dân số tăng lên đã kéo theo lượng nước thải sinh hoạt nhiều hơn cũng gây ô nhiễm nhẹ nhưng không quá nghiêm trọng. Bằng chứng là hàng ngày, con trẻ nuôi cá cảnh ra các cống thoát nước vớt giun, ra ao hồ vớt thủy trần về cho cá ăn. Nếu ô nhiễm nặng thì những sinh vật này sẽ không sống được. Nguyên nhân là khu vực nội đô ít cơ sở sản xuất; mặt khác thời bao cấp, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn thực phẩm nên trong nước thải ít chất hữu cơ.
Nhưng do ao tù, hồ tù quá nhiều nên mùa Hè năm 1973-1974, muỗi sinh nở nhiều đến mức buổi tối vợt tay qua mặt cũng bắt được vài con. Dù buông màn xô nhưng không hiểu sao muỗi cũng vẫn vào được. Thế nên nhà nhà phải sắm đèn dầu bắt muỗi. Những con muỗi no máu không bay nổi đậu một chỗ, lúc đó chỉ cần dí bóng đèn vào muỗi sẽ tự rơi xuống.
Thời bao cấp, Hà Nội đã làm được nhiều việc cho môi trường tương lai là xây dựng công viên Tuổi Trẻ và Vườn thú Thủ Lệ. Hai công trình này có hồ nước, cây xanh, vừa làm điểm vui chơi giả trí cho dân vừa tạo cảnh quan, làm môi trường thành phố ngày hôm nay xanh thêm. Tuy nhiên, công trình lớn nhất giai đoạn này có ý nghĩa về môi trường là nạo vét sông Tô Lịch. Với sự giúp đỡ vật chất của Liên hợp quốc và công sức của hàng nghìn người dân thủ đô, trong năm 1977, con sông có tuổi đời hàng nghìn năm đã thông dòng chảy, ô nhiễm do rác thải giảm đáng kể.
Vấn đề nghiêm trọng nhất thời bao cấp chính là vệ sinh công cộng. Mật độ dân số đông trong khi quá ít nhà vệ sinh công cộng và các nhà vệ sinh này không được quan tâm nên mới sinh ra chuyện “tường đè” (tiểu tiện bừa bãi).
Quét đường trước nhà Để quản lý đô thị Hà Nội, chính quyền thời Pháp thuộc đã ban hành “Quy chế về trị an và lục lộ của thành phố”, trong đó, điều 1 quy định: “Chủ nhà và người thuê hàng ngày phải dọn dẹp quét phần đường công cộng phía trước nhà”; điều 2: “Nghiêm cấm không được chăn thả gia súc để trâu bò ăn ở trên đường công cộng cũng như dắt đàn gia súc trên phố từ 7 đến 11 giờ sáng và từ 5 đến 8 giờ tối...”, nếu vi phạm sẽ bị xử theo điều 471, 472, 473, 474 bộ Luật Hình sự nước Pháp. Một sự kiện khác liên quan đến môi trường và bệnh tật ở Hà Nội chấn động tới cả nước Pháp thời bấy giờ, đó là thông tin trong những kiện hàng của Ấn Độ chở bằng tầu biển đến Hà Nội dự triển lãm Kinh tế Đông Dương năm 1902 có chuột. Chiến dịch diệt chuột này, chúng tôi sẽ đề cập đến trong số báo tuần tới. |
(Còn nữa)