Dân Việt

Chống ế, luật sư cưới "phi công" làm nghề hớt tóc, tốn bộn tiền làm đẹp giữ chồng

Thùy Gương 18/07/2019 16:30 GMT+7
Chị tốn bộn tiền để sửa mũi, nâng mày, tắm trắng. Mọi nỗ lực của chị vẫn không kéo gần khoảng cách tuổi tác giữa hai người. Anh hay miệt thị gọi chị là “bà vợ già”. Kể công đã cứu vớt chị khỏi phận gái ế…

Tôi nhìn chị, xót xa. Định nói câu gì đó để an ủi chị, nhưng rồi thấy không cần thiết. Bởi vì tôi biết, chị thừa mạnh mẽ để đi qua nỗi đau, như bấy lâu nay chị vẫn tự mình vá víu vết thương đấy thôi.

Hơn mười năm trước, bạn bè từng ái ngại khi chị quyết định đám cưới với người chồng kém chị sáu tuổi. Chị là luật sư giỏi, trong khi anh chỉ là thợ cắt tóc. Năm đó, chị ba mươi tám tuổi. Má chị từ lâu đã không còn nhắc chuyện chồng con với chị.

Bà nhìn chị, khẽ thở dài. Soi gương, chị bần thần khi thấy xuất hiện nếp nhăn trên khóe mắt. Những kỳ kinh nguyệt bắt đầu thất thường nhắc chị tuổi sinh nở sắp qua… Vậy là chị quyết định đám cưới. Y như người ta ngoắc hú họa chuyến xe cuối ngày đang vụt qua, kẻo lỡ hành trình.

img

Những tưởng chị đã tìm thấy bến đậu hạnh phúc. Hình minh họa.

Ngày cưới, chị rạng rỡ và mãn nguyện. Bao nhiêu phụ nữ sinh ra, lo học hành, phấn đấu, kiếm tiền… chỉ vì một mục đích duy nhất: có một tấm chồng. Mục đích đó, hôm nay chị đã toại nguyện. Ba chị tếu táo, “có con gái như hũ mắm treo đầu giàn. Bữa nay mới cất được mối lo”…

Họ hàng đều chia vui với gia đình chị. Duy có chú rể là ít cười. Lời xầm xì “phi công trẻ lái máy bay bà già” làm mặt anh tối sầm. Tôi bỗng thấy lo. Con đường hôn nhân chỉ mới bắt đầu, anh đã không đủ tự tin bước qua dị nghị của người đời. Ngày rộng tháng dài, liệu anh có đủ mạnh mẽ nắm tay chị song hành?

Sau đám cưới, anh bỏ nghề cắt tóc. Chị cấp vốn để anh cho vay, cầm đồ. Chị còn đưa tiền để ba má anh cất nhà, phụ nuôi các em anh ăn học. Nếu như chị đinh ninh, tiền có thể mua được hạnh phúc thì chị đã lầm. Anh không chút mang ơn, còn xem đó là trách nhiệm và bổn phận của chị.

Chị tốn bộn tiền để sửa mũi, nâng mày, tắm trắng. Mọi nỗ lực của chị vẫn không kéo gần khoảng cách tuổi tác giữa hai người. Anh hay miệt thị gọi chị là “bà vợ già”. Kể công đã cứu vớt chị khỏi phận gái ế… Anh dùng tiền của chị để bao gái, như một cách bù đắp cho những thiệt thòi. Chị đau, nhưng chọn cách im lặng để con gái chị có cha, để một năm đôi lần cả nhà chị về quê, “báo cáo” với làng trên xóm dưới, nhà chị vẫn đủ đầy chồng vợ…

img

Ảnh minh họa

Phụ nữ lấy chồng là để mưu cầu hạnh phúc, để yêu thương và được yêu thương, không phải để khoe với người đời tôi đây không ế, không bị chồng bỏ chồng chê. Như có lần chị nói với tôi: “Vợ chồng chị lục đục không ai biết, nhưng chị bỏ chồng là thiên hạ biết liền. Xấu hổ lắm em”. Lẽ nào định kiến của người đời quan trọng hơn hạnh phúc của bản thân?

Trong hình dung của tôi, chị khác nào đang vác đá trên lưng, vất vả từng bước khó nhọc nhưng vẫn không đủ can đảm bỏ xuống. Bao nhiêu phụ nữ quanh tôi, có vị trí trong xã hội, kiếm được nhiều tiền, nhưng về nhà, vẫn chọn vác đá trên lưng, mắt nhắm mắt mở để chồng tung hoành ngang dọc. 

Phải chăng nếu bỏ chồng, sẽ tổn hại đến cái danh “thành đạt” của các chị?

Thành công của phụ nữ, không phải là có tấm chồng như người ta, mà là một tấm chồng chất lượng. Điều đó, chị em nào cũng biết nhưng vẫn ngậm đắng nuốt cay chấp nhận vì đã lỡ. 

(*) Tít bài đã được Dân Việt đặt lại.